Truyền thông giúp startup đi xa hơn
Start up - Ngày đăng : 01:33, 06/10/2021
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung quyết định 188 mở rộng Đề án 844 về việc phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN sẽ đóng vai trò xây dựng văn hoá khởi nghiệp sáng tạo và truyền tải mô hình hay công nghệ mũi nhọn triển khai trong nước,
Tuy nhiên, việc truyền thông trong lĩnh vực công nghệ vẫn còn gặp nhiều khó khăn xuất phát từ tính phức tạp của công nghệ. Ví dụ, công nghệ 5G đang được triển khai ứng dụng trên thế giới nhưng để giải thích về công nghệ này cũng như lợi ích của nó thông qua truyền thông thì vẫn khó, theo ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia.
Vì vậy, Bộ KH & CN đã kết hợp với Uỷ ban nhà nước người Việt ở nước ngoài để kết nối chuyên gia uy tín, người làm công nghệ ở nước ngoài để thành lập mạng lưới tư vấn về đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước.
Ở chiều trong nước, các vườn ươm, trường đại học, đơn vị truyền thông cũng phải kết nối với các startup để chuyển giao công nghệ, tri thức từ mạng lưới và có định hướng riêng.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ KH & CN sẽ thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam trong bản đồ khu vực và thế giới. Cầu nối sẽ là những câu chuyện điển hình từ các lĩnh vực chuyên môn và làng công nghệ trong chuỗi sự kiện TECHFEST quốc gia, TECHFEST quốc tế, TECHFEST chuyên ngành do Bộ KH & CN tổ chức.
Bà Lê Mai Anh - Giám đốc Global PR Hub nhận định hầu hết các startup đều có tham vọng vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, tiếp cận thị trường quốc tế, vì thế truyền thông sẽ giúp họ khai phá thị trường mới tốt hơn. Cũng theo bà Mai Anh, các startup Việt cần chủ động hơn không chỉ ở những cuộc hội thảo, những bài báo, những cuộc thi mà còn phải kết nối kinh doanh, xúc tiến thương mại.
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation cho hay vai trò của truyền thông không đơn giản là giới thiệu mà còn kiến tạo thị trường và môi trường để các startup được động viên khuyến khích. Bài toán cho người làm truyền thông là tìm ra cách tương tác với người tiếp cận thông tin. Họ phải dẫn dắt người nghe qua các hành trình trải nghiệm cụ thể, tùy theo nhu cầu của mỗi người.
Để cùng thực hiện mục tiêu mới này, các đơn vị hàng đầu về truyền thông có lượng khán giả lớn sẽ có vai trò tạo ra hiệu ứng xã hội như cầu nối giữa người làm công nghệ và người sử dụng. Công chúng cần tiếp cận được sản phẩm công nghệ trước khi đưa vào ứng dụng, và khi biết được công nghệ sẽ mang lại những gì, công chúng sẽ hào hứng chờ đợi, theo ông Phạm Anh Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất & Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài truyền hình Việt Nam.
Các diễn giả tham gia tọa đàm “Ứng xử của truyền thông với công nghệ tiên phong” |
Thông tin trên được ghi nhận tại tọa đàm Ứng xử của truyền thông với công nghệ tiên phong tổ chức ngày 5/10/2021. Tại hội thảo, 17 đơn vị truyền thông gồm Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), báo Vnexpress, báo Công Thương, tạp chí Kinh Tế Việt Nam, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC (VOV), tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp, báo điện tử VOV, Liên minh xúc tiến đầu tư quốc tế - Innvest Global, tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, tạp chí Doanh Nghiệp Việt Nam, Le Bros, Yellow Blocks, Global PR Hub, Advertising Vietnam, Vietcetera, Hub Global đã ký ghi nhớ hợp tác thúc đẩy hoạt động truyền thông, hướng đến hình thành mạng lưới truyền thông quốc gia về khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của Statista năm 2020, Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ phổ biến blockchain. Điều đó cho thấy khả năng tiếp cận và quan tâm tới công nghệ của thế hệ trẻ Việt Nam cạnh tranh được với quốc tế. Nếu có sự đầu tư hợp lý, Việt Nam sẽ phát triển nhiều lĩnh vực công nghệ mang tính dẫn dắt.
Ông Thiều Phương Nam nhấn mạnh đây là thời điểm cần thiết ứng dụng những công nghệ tiên tiến để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và GDP. Mục tiêu là để chuyển dịch kinh tế từ những ngành có giá trị thấp đến những ngành có giá trị cao. Công nghệ mới như AI, 5G, IoT... sẽ giúp nền kinh tế trong nước chuyển dịch từ sản xuất sang sáng tạo.
Các công ty công nghệ toàn cầu đang tìm đến những quốc gia cởi mở với công nghệ và có nguồn nhân lực công nghệ có tiềm năng. Việt Nam đang trở thành khu trung tâm về đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á, thu hút các tập đoàn lớn. Vì vậy, Qualcomm đã chọn Việt Nam là quốc gia thứ 3 để tổ chức chương trình giải pháp sáng tạo cho các startup trong lĩnh vực công nghệ.