Tin kinh tế ngày 7/10: GrabCar hoạt động lại ở TP.HCM

Trong nước - Ngày đăng : 07:27, 07/10/2021

Các tin tức đáng chú ý về lĩnh vực kinh tế trong ngày gồm TP.HCM quy định về điều kiện ra vào TP, Q. 7 đề xuất thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ từ ngày 10/10/2021.

TP.HCM quy định về điều kiện ra vào thành phố

Tới thời điểm hiện tại, phần lớn tỉnh, thành đều yêu cầu người dân cần có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 48 - 72 giờ mới được lưu thông vào địa phương. Dưới đây là quy định về điều kiện để ra vào TP.HCM:

- Có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TP.HCM như hộ khẩu, giấy tạm trú, căn cước công dân hoặc chứng minh thư, giấy khai sinh (đối với trẻ em)

- Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ)

Quy định về điều kiện ra vào 12 tỉnh, thành phố

Người dân từ TP.HCM đi tới các tỉnh, thành khác trong trường hợp cấp bách (đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai... ) cần đáp ứng các điều kiện:

- Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine phòng Covid-19 (ít nhất một mũi và đã đủ 14 ngày sau tiêm).

- Có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính còn hiệu lực.

Taxi công nghệ GrabCar hoạt động lại ở TP.HCM

Grab Việt Nam chiều 7/10/2021 cho biết thực hiện theo Thông báo số 10558/TB-SGTVT ban hành ngày 5/10/2021, hãng xe công nghệ này triển khai dịch vụ đặc biệt GrabCar Protect để khởi động lại hoạt động chở khách trong giai đoạn "bình thường mới". Tất cả đối tác tài xế tham gia dịch vụ GrabCar Protect đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và đủ 14 ngày sau khi tiêm. 

Hôm nay 7-10, taxi công nghệ GrabCar chính thức chạy lại ở TP HCM - Ảnh 1.

Các tài xế cũng thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 theo quy định của ngành y tế, chỉ những ai có kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép hoạt động trên ứng dụng Grab. Đặc biệt, toàn bộ xe GrabCar Protect sẽ được trang bị vách ngăn giữa tài xế và hành khách để giảm thiểu các tiếp xúc không cần thiết. Trên xe có đầy đủ dung dịch rửa tay, dung dịch khử khuẩn và thùng rác có nắp đậy.

Doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch xin giảm giá điện

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, đã có 1.250/5.000 cơ sở lưu trú du lịch trên thành phố được hỗ trợ giảm giá bán điện đợt 1 và đợt 2 theo quy định của Bộ Công Thương và Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời có 1.690/5.000 cơ sở lưu trú được hỗ trợ giảm giá bán điện đợt 3. Dù vậy, các doanh nghiệp du lịch và điểm du lịch cũng vừa gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương mong được giảm giá điện (đợt 3) như cơ sở lưu trú du lịch. 

Doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch cũng xin giảm giá điện - Ảnh 1.

Sở Du lịch TP.HCM cho biết do các doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch cũng chịu thiệt hại nặng trong dịch Covid-19 khi thị trường khách quốc tế "đóng băng", thị trường khách nội địa từ đầu năm đến nay cũng chỉ đón khách được trong tháng 1 và tháng 4, còn lại cũng "ngủ đông" vì giãn cách xã hội, phòng chống dịch.

Q. 7 đề xuất thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ từ ngày 10/10

UBND Q.7, TP.HCM đề xuất được thí điểm mở cửa các điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ từ ngày 10/10/2021 cho đến khi TP.HCM chính thức cho phép dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ.

Ngoài loại hình được hoạt động kinh doanh theo Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, để tạo tiền đề và có lộ trình cho việc chuẩn bị mở cửa thêm một số hoạt động sắp tới, UBND Q.7 kiến nghị UBND TP.HCM thống nhất chủ trương để Q. 7 được thí điểm mở thêm loại hình phục vụ ăn uống tại chỗ với các tiêu chí cụ thể.

TP.HCM cho phép quán ăn mở lại, chỉ bán mang đi

Theo đó, quy mô hoạt động của cơ sở kinh doanh ăn uống tối đa 30% công suất nhưng không quá 20 người trong cùng một thời điểm. Về tiêu chí, các cơ sở phải đảm bảo các tiêu chí trong bộ tiêu chí ban hành theo quyết định 3326 của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM ngày 15/9/2021 về đánh giá an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Bộ GTVT tính phương án chở khách bay 1 chiều từ Hà Nội đi TP.HCM

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 6/10/2021 và kiến nghị của UBND TP. Hà Nội liên quan đến mở cửa vận chuyển hành khách tại sân bay Nội Bài, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất kế hoạch khai thác tạm thời các đường bay nội địa thường lệ đi và đến Hà Nội. 

Bộ Giao thông vận tải tính phương án chở khách bay 1 chiều từ Hà Nội đi TP.HCM - Ảnh 1.

Theo đó, Bộ đề xuất 2 phương án triển khai chuyến bay chở khách nội địa thường lệ giữa Hà Nội và TP.HCM từ ngày 10/10 như sau:

Phương án 1: tổ chức chuyến bay chở khách 2 chiều giữa Hà Nội và TP.HCM với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ngày.

Phương án 2: chỉ tổ chức chở khách chiều từ Hà Nội đi TP.HCM với tần suất ban đầu là 4 chuyến/ngày.

Đối với các địa phương khác, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP. Hà Nội có ý kiến cụ thể về khả năng kết nối đường bay với từng địa phương.

Giá căn hộ ở TP.HCM vẵn tăng 10 - 17% bất chấp đại dịch

Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý III/2021 của Savills Viet Nam cho thấy, trong quý vừa qua, nguồn cung sơ cấp với chung cư chỉ đạt khoảng 3.000 căn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giảm 18% theo quý và 70% theo năm. Bên cạnh đó, tỉ lệ hấp thụ căn hộ trong quý III cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Cụ thể, tổng lượng giao dịch toàn TP.HCM chỉ hơn 400 căn, giảm 70% theo quý và 94% theo năm. 

anh-bat-dong-san-cov-163360130-1586-6077

Nguồn cung căn hộ hạn chế đã thúc đẩy giá bán căn hộ trên thị trường thứ cấp tăng vọt. Trong quý III/2021, giá căn hộ thứ cấp tăng lên đến 10% theo quý tại 11 quận huyện. Trong đó, huyện Nhà Bè có mức tăng giá bán thứ cấp cao nhất, đạt 10% theo quý và 12% theo năm, nguyên nhân có thể do kế hoạch chuyển đổi các huyện thành các quận trong giai đoạn 2021-2030. Quận Bình Thạnh có giá bán thứ cấp tăng cao thứ hai, tăng 5% theo quý và 6% theo năm.

Bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII

Sau hơn 3 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình vào sáng 7/10/2021. Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng bí thư nhấn mạnh việc sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu Covid-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Tuỳ Phong