Báo chí - doanh nghiệp: Mối quan hệ tương hỗ

Trong nước - Ngày đăng : 07:58, 09/10/2021

Quan hệ giữa doanh nghiệp (DN) và báo chí là mối quan hệ tương hỗ, đồng hành. Thời gian qua, đặc biệt là khi đại dịch bùng phát, báo chí đã kịp thời phản ánh những khó khăn của DN, giúp DN đề xuất những ý kiến lên các cơ quan có thẩm quyền, giải quyết những vướng mắc đang gặp phải. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, các DN cũng nên có sự chia sẻ với các cơ quan báo chí, đặc biệt là trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Báo chí - doanh nghiệp: Mối quan hệ tương hỗ

Các khách mời tại tọa đàm "Báo chí đồng hành cùng DN khôi phục sản xuất, vượt qua khủng hoảng Covid-19" sáng 9/10

Quan hệ tương hỗ

Chia sẻ tại tại diễn đàn trực tuyến Báo chí đồng hành cùng DN khôi phục sản xuất, vượt qua khủng hoảng Covid-19 do Tạp chí Người làm báo phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức sáng ngày 9/10, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, báo chí đã phát huy vai trò quan trọng, hiệu quả to lớn, luôn đồng hành, sát cánh cùng đội ngũ DN, doanh nhân trong việc thực hiện mục tiêu kép: kiểm soát dịch Covid-19 và khôi phục phát triển sản xuất.

TS. Mạc Quốc Anh - Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, mối quan hệ giữa DN và báo chí là mối quan hệ cộng sinh. Bằng sản phẩm báo chí chất lượng của các ngòi bút uy tín, các cơ quan báo chí đã giúp DN tiếp cận khách hàng cũng như phản ánh, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc DN đang gặp phải đến các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, báo chí đã phát hiện những DN buôn bán, phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp các DN làm ăn chân chính minh bạch được bảo vệ. "Hơn 90 năm trưởng thành từ báo chí cách mạng, báo chí Việt Nam không chỉ là người bạn đồng hành, còn là cơ quan bảo vệ hình ảnh, thương hiệu, uy tín, niềm tin với các doanh nghiệp" - TS. Mạc Quốc Anh chia sẻ.

“Mặc dù đang chịu nhiều tổn thất do dịch bệnh nhưng nhiều DN, doanh nhân vẫn dành cho báo chí sự hợp tác giúp đỡ thiết thực, góp phần giúp báo chí vượt khó, tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với đất nước và nhân dân”, PGS - TS. Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo chia sẻ.

Để có những thông tin chân thực, phản ánh chính xác những khó khăn DN đang gặp phải, các diễn giả cho rằng, các DN cũng cần xây dựng bộ phận truyền thông chuyên nghiệp. Bộ phận này sẽ truyền đạt thông tin một cách nhanh nhất, trung thực nhất đến các cơ quan báo chí.

Cùng DN vượt đại dịch

Ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM cho biết, tại tâm dịch TP.HCM, mỗi ngày đều có các cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của khoảng 30-40 nhà báo là lãnh đạo của các cơ quan báo chí tại TP.HCM để nắm được tình hình chung. Các nhà báo cùng trao đổi những vấn đề người dân quan tâm, biểu dương cái tốt, phê phán những rào cản, bất cập cần góp ý.

Hội Nhà báo TP.HCM cũng đã tổ chức các câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành để giúp các DN từng mảng sản xuất kinh doanh, qua đó giúp hoạt động truyền thông của các DN đi vào cụ thể và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Ông Dũng mong rằng Hội Nhà báo TP.HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức các chương trình để vực dậy kinh doanh sản xuất cho các DN. 

Tuy nhiên, “các nhà báo cần đi sâu, đi sát với DN phản ánh những DN dám nghĩ, dám làm, ủng hộ cách làm mới, vì nước vì dân. Báo chí không chỉ là tiếng nói của Đảng, Nhà nước mà còn là diễn đàn, là tiếng nói của người dân. Vì vậy, phải phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, người lao động, doanh nhân… để giúp tháo gỡ khó khăn cho DN”, ông Trần Trọng Dũng chia sẻ. 

Về phía các cơ quan báo chí, ông mong muốn các cơ quan báo chí tích cực chuyển đổi số và đẩy mạnh các hoạt động sau mặt báo với các DN để quảng bá, xúc tiến thương mại. Ngoài ra ông mong các tỉnh các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ phối hợp với TP.HCM để tổ chức các sự kiện liên kết vùng, qua đó giúp kinh tế TP.HCM và các tỉnh lân cận khôi phục trở lại.

Than-trong-Dung-3456-1633768545.png

Ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM cho biết mỗi ngày tại TP.HCM đều có các cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của 30-40 nhà báo là lãnh đạo của các cơ quan báo chí để nắm thông tin về tình hình chung

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đánh giá cao sự đồng hành của các cơ quan báo chí với DN trong thời gian qua, đặc biệt là trong những ngày TP.HCM là tâm dịch trong cả nước. 

Từ tâm dịch, các DN TP.HCM luôn phát huy tinh thần đoàn kết và càng khó khăn lại càng đoàn kết với nhau. Sự đoàn kết ấy còn có sự góp sức của các cơ quan truyền thông.

“Báo chí đã tạo động lực, tiếp thêm phần sức mạnh giúp DN vượt qua những thách thức mà dịch Covid-19 tạo ra. Những nhà báo không ngại khó, ngại khổ, thậm chí không màng sự hy sinh để đến những nơi nguy hiểm để phản ánh kịp thời những khó khăn của DN. Những ngày qua, các nhà báo, phóng viên đã trở thành những người bạn, những người tri kỷ của DN, doanh nhân. Họ đang và sẽ tiếp tục cùng DN vượt qua khó khăn trong chặng đường khôi phục sản xuất sắp đến”, ông Chu Tiến Dũng tin tưởng.

Cũng đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh, bà Trịnh Thị Hồng Vân - Phó Tổng Giám đốc Công ty yến sào Khánh Hoà cho biết, trước đại dịch, các cơ quan báo chí là kênh truyền thông rất quan trọng, kịp thời phản ánh những khó khăn của DN đến các cơ quan chức năng. Nhờ đó, Chính phủ, Nhà nước đã kịp thời có những chính sách khoanh nợ, giãn nợ, chính sách hỗ trợ DN và người lao động. 

“Các nhà báo đã không ngại gian khổ, dũng cảm đồng hành cùng DN trong những lúc khó khăn nhất. Tôi trân trọng tình cảm của các anh chị nhà báo và mong sắp tới nên có các diễn đàn vinh danh sự cống hiến của các nhà báo, phóng viên. Chúng tôi cũng mong các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng DN trong công cuộc phồi hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới ”, bà Vân đề xuất.

Báo chí tiếp tục là cầu nối quan trọng

Cùng quan điểm này, bà Bùi Thơ - CEO Công ty CP Vinapharma Group cho biết, dịch Covid-19 không chỉ mang đến những khó khăn cho DN mà còn tạo cơ hội cho DN phát triển.

“Dịch bệnh khiến hàng nhập khẩu khó khăn trong việc tìm đường vào Việt Nam, là cơ hội cho hàng Việt Nam phát triển. Dịp này, chúng tôi đã mở chuỗi cửa hàng Nutrimart để đưa tất cả những sản phẩm Việt vào kinh doanh tại đây. Chúng tôi mong rằng báo chí sẽ tiếp tục phát huy vai trò để tuyên truyền cho hàng Việt theo hướng Người Việt Nam nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, bên cạnh các lực lượng y tế, công an, quân đội, các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt động phòng chống dịch. Khi hoạt động của các DN bị đình trệ, các cơ quan báo chí đều ủng hộ, lên tiếng bày tỏ những khó khăn của DN để các DN duy trì các hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. TS. Mạc Quốc Anh mong rằng báo chí sẽ tiếp tục đồng hành, có nhiều giải pháp tích cực đối với cộng đồng DN trong thời tới.

Ở góc độ của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, báo chí là một trong 3 thành phần trực diện, là tuyến đầu chống dịch bên cạnh các chiến sỹ y tế và an ninh. Đã có những nhà báo nhiễm bệnh và mất vì dịch bệnh. Làm việc trong điều kiện kinh tế khó khăn, doanh thu của các cơ quan báo chí cũng sụt giảm mạnh.

“Vì vậy, đề nghị cơ quan chính phủ, đặc biệt là Bộ tài chính, thuế phải nghiên cứu có chính sách giảm thuế, miễn thuế cho các cơ quan báo chí. Ngân hàng cần có chương trình hỗ trợ báo chí”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm. Đồng thời, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ mong muốn báo chí cung cấp những thông tin chính xác về Covid-19 để giúp người dân và DN yên tâm sinh sống và khôi phục sản xuất.

Minh Hào