Doanh nhân Việt Nam: Trách nhiệm, nhân ái, sáng tạo, kiên cường vượt thử thách
Chân dung - Ngày đăng : 00:45, 10/10/2021
Bà Cao Thị Ngọc Dung - ông Đặng Hồng Anh - ông Lê Hữu Nghĩa và nhà báo Lữ Ý Nhi tại chương trình "Gặp mặt" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức sáng ngày 10/10 |
Từ khi đất nước đổi mới, có lẽ chưa bao giờ doanh nhân Thành phố và cả nước gặp nhiều khó khăn như thời gian qua, đặc biệt là khi dịch Covid bùng phát lần thứ 4.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng doanh nhân Thành phố đã chèo lái con thuyền DN một cách sáng tạo, kiên cường; bảo vệ lợi ích của người lao động, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân và giữ uy tín của Việt Nam đối với khách hàng quốc tế.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nhân đã “lăn xả” vào tâm dịch, bất chấp những nguy hiểm về sức khỏe để làm tròn trách nhiệm với cộng đồng, chung tay với Chính quyền TP và Nhà nước bằng rất nhiều hình thức sáng tạo, nhiều mức độ đóng góp khác nhau.
Doanh nhân trách nhiệm, nhân ái
Trong quá trình thực hiện mô hình Siêu thị mini 0 đồng, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã khóc rất nhiều lần. Bà kể, từ giữa tháng 6 khi tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực phía Nam diễn biến xấu, công ty bà đã nghĩ đến phương án hỗ trợ người dân khó khăn. Thay vì cho họ những thứ đang có, bà Dung mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho người dân gặp khó khăn, cho theo đúng nhu cầu, đúng những thứ họ cần. Đó là lý do Siêu thị mini 0 đồng ra đời trong mùa dịch.
“Những ngày thực hiện mô hình này, trong giai đoạn dịch căng thẳng, tôi đã khóc rất nhiều. Nguồn lực đã huy động đủ, bà con ngoài kia đang cần được hỗ trợ nhưng giãn cách xã hội siết chặt khiến hoạt động triển khai Siêu thị mini 0 đồng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã tìm nhiều cách để vận động, xin phép, cho đến khi được Chính quyền TP đồng ý, tôi như vỡ òa. Tôi khóc còn vì cảm xúc, vì cái tình của người dân và doanh nhân TP. Tất cả đã và đang làm việc không chỉ vì bản thân, vì DN mà còn vì cộng đồng, xã hội” - bà Dung xúc động.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn dịch Covid-19. Họ tham gia đóng góp trí lực, tài lực, vật lực và sức lực với sự sáng tạo, lòng nhân ái và cả sự hy sinh quên mình.
Chỉ trong vòng 3 ngày, sau khi ông Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam lập nhóm kêu gọi doanh nhân cả nước hỗ trợ bình oxy thì ATM oxy đã huy động được số lượng bình đang cần. Trong suốt giai đoạn dịch, ATM oxy đã hỗ trợ hơn 10.000 bình, giúp hơn 60.000 F0 cấp cứu kịp thời.
Để có được số lượng bình oxy lớn trong giai đoạn cấp thiết đó, đội ngũ doanh nhân trẻ tại TP.HCM và cả nước đã đồng lòng, chung sức vì một mục tiêu chung: cứu người. “Thật lạ lùng khi nhóm chúng tôi toàn là doanh nhân nhưng “gặp nhau” không bàn chuyện làm ăn mà cùng nghĩ cách, vận dụng tất cả các mối quan hệ, làm thế nào để mua được càng nhiều bình oxy hỗ trợ nhiều người càng tốt. Thậm chí có doanh nhân sẵn sàng dùng tiền cá nhân để cọc trước tiền mua bình. Tôi rất cảm kích những tấm lòng như thế” - ông Hồng Anh nhớ lại.
Ông Đặng Hồng Anh cùng các thành viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với sức trẻ năng động, sáng tạo đang là đội ngũ tuyến đầu, trực chiến trên nhiều mặt trận hỗ trợ người dân bằng nhiều hình thức độc đáo như: ATM oxy, ATM túi thuốc, ATM hiến máu, ATM F0 chống dịch và đang gấp rút hoàn thành chương trình ATM yêu thương hỗ trợ trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19.
Từ các mô hình trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Chúng ta gần như đang viết lại, định nghĩa lại từ ATM. Đó không còn là tên một cỗ máy rút tiền mà là hành động tương thân tương ái, là sự hỗ trợ nhau đầy tình người”.
“Hãy cứ làm, làm bằng cả trái tim rồi những điều tích cực sẽ được lan tỏa. Chính hành động là thứ truyền cảm hứng tốt nhất” - ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, người đã nhiều lần dấn thân vào các điểm nóng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, tiếp xúc với nhiều F0 để trao túi thuốc và gửi các phần hỗ trợ chia sẻ.
Ông Nghĩa bùi ngùi: “Có những ngày tôi phải nghe 300 - 400 cuộc điện thoại, tất cả đều cần giúp đỡ. Vì vậy, tôi và các nhân viên của công ty sẵn sàng tiếp xúc F0 với mong muốn có thể hỗ trợ họ một phần nào. Giai đoạn ban đầu, cả nhóm chúng tôi mới chỉ tiêm một mũi vaccine lại chưa có kinh nghiệm tự bảo vệ mình nên rất sợ nhiễm bệnh. Nhưng rồi tôi nghĩ, nếu mình không dấn thân thì những người khác có thể cũng sẽ buông xuôi. Vì thế, tôi luôn cố gắng tự mình làm gương cho nhân viên bởi tôi tin nỗi sợ có thể lây lan thì lòng nhân còn lan tỏa gấp nhiều lần”.
Doanh nhân sáng tạo, kiên cường vượt qua thử thách
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bên cạnh những nỗ lực hỗ trợ người dân gặp khó, với doanh nhân và doanh nghiệp, duy trì và đảm bảo sản xuất, không đứt gãy chuỗi cung ứng cũng không kém phần quan trọng. Vì suy cho cùng, an ninh lương thực, an sinh xã hội là vấn đề mấu chốt cho sự thành bại của hoạt động chống dịch.
Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” (3T), chi phí nhân công đội lên gấp nhiều lần nhưng vẫn quyết định đồng hành cùng Chính quyền TP, cùng người dân chống dịch. Trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ”, bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo (Việt Nam) không những sống cùng công nhân, nhiều hôm bà còn ra siêu thị xếp hàng chờ mua đủ các suất ăn cho nhân viên.
“Sau một đêm cân nhắc thì tôi quyết định cho công ty thực hiện 3T. Bởi tôi biết dừng hoạt động là dừng tất cả. Công ty dễ dàng chọn dừng chuỗi cung ứng nhưng những hệ lụy phía sau sẽ như thế nào, tài chính công ty, đời sống công nhân và đặc biệt là các đối tác, khách hàng và nhân viên của họ” - bà Quân chia sẻ quyết tâm duy trì sản xuất.
Một doanh nghiệp khác trong nhóm những doanh nghiệp kiên cường là Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng. “Với khẩu hiệu Vững tinh thần thép, trong hơn 25 năm qua chúng tôi luôn tôi luyện và sẵn sàng thích ứng trước mọi tình huống. Với tôi, doanh nhân và doanh nghiệp nên sống như một cơ thể sống sinh học, phải thích ứng và linh hoạt trước tất cả các rủi ro” - ông Trịnh Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ.
Theo đó từ ngày 9/6, trước khi có chỉ thị của thành phố, Công ty Đại Dũng đã chủ động thực hiện “3 tại chỗ” (3T) để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng và an toàn cho toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty. Và dù đang thực hiện nhiều đơn hàng xuất khẩu sang khu vực Mỹ Latin nhưng khi TP cần xây dựng các bệnh viện dã chiến, công ty sẵn sàng giảm công suất tại nhà máy để dồn lực hỗ trợ. Cả ông Dũng và toàn bộ nhân viên hầu như làm việc hết công suất.
“Chính tôi cũng ở lại công ty để đồng hành cùng nhân viên. Mỗi ngày tôi xoay vòng trong công việc và các cuộc họp, vừa lo việc công ty, vừa sắp xếp xét nghiệm, đảm bảo cuộc sống công nhân và gia đình của họ vừa lo công tác cứu trợ. Có những hôm nghe điện thoại tôi cứ nghẹn ngào không thể thốt thành lời khi biết còn quá nhiều những hoàn khó khăn” - ông Dũng xúc động.
Nhờ công tác chuẩn bị chủ động, linh hoạt thích ứng và được sự hỗ trợ sát sao từ chính quyền TP nên hiện tại hàng ngàn công nhân của Đại Dũng đều an toàn, đảm bảo duy trì sản xuất.
Bà Lý Kim Chi - ông Trần Ngọc Dũng - ông Trịnh Tiến Dũng và phóng viên Băng Tâm của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tại buổi Gặp mặt ngày 10/10 |
Công ty Cổ phần Dược phẩm An Thiên do Ông Trần Ngọc Dũng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc lại không được may mắn như vậy.
“Là công ty dược phẩm, tiến độ sản xuất thông thường của chúng tôi là trên 200 loại thuốc, phân phối cho các đơn vị trên 63 tỉnh thành. Việc dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn nên chúng tôi quyết định tiếp tục. Quá trình sản xuất của An Thiên trong dịch diễn ra theo 3 giai đoạn. Ban đầu là hào hứng, phấn khởi vì công tác chuẩn bị 3T suôn sẻ, được UBND TP đánh giá cao. Giai đoạn giữa, chúng tôi có 2 bảo vệ nhiễm bệnh, 10 ngày sau đó số F0 trong công ty là 29. Đó là điều không thể lường trước được. Tôi có lo lắng nhưng rồi tự trấn an, nếu mình không vững vàng thì công ty sẽ khó vượt qua” - ông Trần Ngọc Dũng chia sẻ.
Do đó, ông Dũng đã ổn định việc làm, chăm lo cho đời sống cán bộ, nhân viên công ty. Dù gặp nhiều khó khăn từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào, nguyên vật liệu tăng giá, đến việc tổ chức sản xuất 3T, nhưng ông vẫn duy trì sản xuất, cung cấp thuốc cho các bệnh viện, trong đó có các loại thuốc điều trị bệnh Covid-19 với giá cả luôn bình ổn.
Ông Trần Ngọc Dũng còn đồng hành với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM trong chương trình 10.000 túi thuốc cho F0, việc làm này đã lan tỏa đến nhiều hội thành viên để nhân rộng ra một số quận huyện. Bên cạnh đó, công ty An Thiên còn đóng góp cho chương trình túi An sinh lương thực và trao tặng một số vật tư, thiết bị y tế khác với giá trị trên 6 tỷ đồng.
Hiện tại, Công ty Dược phẩm An Thiên đã dần phục hồi và duy trì khoảng 95% công suất làm việc, khẳng định tinh thần kiên cường đối diện và vượt qua thử thách của người lãnh đạo là ông Dũng nói riêng và toàn thể nhân viên công ty nói chung.
"10 Doanh nhân truyền cảm hứng năm 2021" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn bình chọn và vinh danh từ rất nhiều gương mặt doanh nhân tiêu biểu của TP.HCM |
Cùng nhịp độ làm việc bận rộn của ông Tiến Dũng và ông Ngọc Dũng, bà Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Đông Hiệp, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cũng thực hiện một lúc nhiều vai trò, vừa lo cho DN cá nhân vừa đồng hành với DN trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm nhằm tìm giải pháp duy trì sản xuất an toàn, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân TP cũng như tham gia nhiều hoạt động cộng đồng.
Không dừng lại ở đó, bà Chi còn có nhiều đóng góp, hiến kế cho TP và Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN, qua đó hoàn thiện các chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Mặt khác, bà còn tích cực làm việc với các cơ quan truyền thông để thông tin về tình hình thực phẩm, trấn an người dân, tránh tâm lý tích trữ. Bà Chi cho biết, giai đoạn dịch bà làm việc với cường độ gấp 4 lần bình thường.
“Có những hôm tôi phải lái xe đến tận nơi gặp chính quyền địa phương xin họ gỡ phong tỏa cho DN quay lại sản xuất. Bởi với ngành lương thực thực phẩm, đứt gãy chuỗi cung ứng là hậu quả rất khó lường, ảnh hưởng dây chuyền lên nhiều DN khác” - bà Chi nhớ lại.
Nhờ nỗ lực đó mà bản thân bà Chi nói riêng và các DN trong ngành lương thực - thực phẩm nói chung đã hoàn thành nhiệm vụ với TP.HCM trong việc duy trì chuỗi cung ứng, cung cấp đủ các mặt hàng chủ yếu và đảm bảo bình ổn giá cả. Để thực hiện được nhiệm vụ này, như nhiều DN khác duy trì sản xuất trong mùa dịch, các DN trong ngành lương thực - thực phẩm đã phải bù lỗ.
Ông Chu Tiến Dũng (trái) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và ông Trần Trọng Dũng (phải) - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM trao hoa và chứng nhận vinh danh đến doanh nhân Trịnh Tiến Dũng |
Doanh nhân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, trong giai đoạn Covid-19 đều là những “chiến binh” kiên cường, vượt khó, giàu lòng nhân ái. Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều câu chuyện được chia sẻ, nhưng Doanh Nhân Sài Gòn tin cũng đã phần nào truyền tải được tinh thần ái quốc của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh vô cùng đặc biệt.
Sự kiện vinh danh 10 Doanh nhân truyền cảm hứng năm 2021 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức trong buổi Gặp mặt sáng ngày 10/10 nhằm tri ân những cống hiến vô cùng to lớn không sao kể siết của các doanh nhân cho cộng đồng, cho xã hội, dù chúng tôi biết, tất cả những điều quý anh chị làm đều xuất phát từ trái tim, vì nghĩa đồng bào.
Sự vinh danh này không phải để tung hô mà là để lòng tốt được gió cuốn đi. Doanh Nhân Sài Gòn hy vọng câu chuyện của các anh chị sẽ tiếp thêm động lực, mang đến niềm tin, trở thành lời cỗ vũ cho doanh giới nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Từ đó, doanh giới có thêm nhiều sáng tạo mới, bứt phá trên hành trình phục hồi kinh tế.