Ngày Doanh nhân Việt Nam - Chuyện bây giờ mới kể

Phong cách sống - Ngày đăng : 06:00, 11/10/2021

Còn nhớ, năm 2004, tòa soạn Báo Doanh Nhân Sài Gòn - Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn thuộc UBND TP.HCM, đặt tại một căn hộ trong chung cư 56/3 Nguyễn Thông, Q. 3. Đây là nhà riêng của gia đình nguyên Tổng biên tập đầu tiên Nguyễn Minh Hiền...
Ngày Doanh nhân Việt Nam - Chuyện bây giờ mới kể

Cố Nhà báo Nguyễn Minh Hiền - Tổng biên tập Doanh Nhân Sài Gòn và chị Quách Tố Dung - Phó giám đốc Sở Công nghiệp TP.HCM (nay là Sở Công Thương) tại Lễ hội Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu do Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức

Tại đây, chị Nguyễn Minh Hiền bàn với anh chị em trong tòa soạn tổ chức diễn đàn trên báo về việc đề xuất với Quốc hội và Chính phủ nên có một ngày dành cho giới doanh nhân, nhằm tôn vinh những đóng góp của họ cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Sau khi nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình, chị Minh Hiền thảo văn bản trình cơ quan chủ quản về sáng kiến ấy. 

Ngày 26/7/2004, tôi được chị Minh Hiền giao cầm văn bản lên trình TS. Phạm Hảo Hớn - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM. Đọc đi đọc lại tờ trình đề nghị lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Phạm Hảo Hớn không giấu được vẻ ngạc nhiên và thích thú. Trước khi cầm bút ký, ông nhìn tôi như muốn hỏi một điều gì đó, rồi nói: “Anh ký, nhưng có việc gì thì "về vườn" luôn đó nghen em!”.

Trong không khí hướng đến kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi xin giới thiệu bản thảo ký trình Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ của TS. Phạm Hảo Hớn cách nay 17 năm.

TP.HCM, ngày 26/7/2004

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Thủ tướng,

Sáng kiến đề xuất chọn một ngày trong năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam của Báo Doanh Nhân Sài Gòn - Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM -  đăng trên số 38 ra ngày 14/4/2004 và mỗi kỳ báo sau đó được giới doanh nhân tham gia góp ý kiến, đã ra đời từ nỗi bức xúc của không riêng doanh giới TP.HCM: Mặc dù đang đảm nhiệm trọng trách đưa dân tộc thoát khỏi nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tầng lớp doanh nhân vẫn chưa có được vị trí xứng đáng trong ý thức cộng đồng.

Ngoài những tầng lớp mà ở thời đại nào cũng giữ vai trò không thể thay thế như thầy thuốc, thầy giáo, hoàn cảnh lịch sử của xã hội Việt Nam mỗi giai đoạn lại tạo ra một tầng lớp trung tâm. Tầng lớp trung tâm ấy hôm nay chính là doanh nhân - cũng là những chiến sĩ của thời bình, theo cách nói của Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhưng ngày tôn vinh thầy thuốc, thầy giáo, người lính... đều đã có, còn đối với doanh nhân thì chưa.

Trọng trách lớn cần sự cổ vũ lớn.

Thật ra, nghề kinh doanh đã tồn tại rất lâu đời trong xã hội Việt Nam vì là một trong các mẫu hình hoạt động cơ bản của xã hội loài người, nhưng với những điều kiện đặc thù của lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ nghề này thực sự được cộng đồng đánh giá tương xứng với vai trò của nó. Sau khi Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và thừa nhận nhiều thành phần kinh tế, đã có biết bao doanh nghiệp ra đời, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc kiến thiết đất nước.

Từ giữa thập niên 1990, đặc biệt khi Luật Doanh nghiệp được thực thi từ ngày 1/1/2000, mọi công dân được kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực mà luật pháp không cấm, thì kinh doanh khởi sắc rõ rệt. Đã xuất hiện các hình thức tôn vinh người làm nghề kinh doanh bằng các giải thưởng Sao đỏ, giải thưởng Sao vàng đất Việt và sắp đến là giải thưởng Doanh nhân Sài Gòn xuất sắc. Nhưng đó mới là sự tôn vinh những con người cụ thể của nghề kinh doanh, chưa hoàn toàn là tôn vinh tầng lớp kinh doanh. 

Tạo ra một tập quán tốt là cách nhanh nhất để xóa đi một tập quán xấu.

Chọn một ngày trong năm để tôn vinh tầng lớp trung tâm của thời đại là phương cách hữu hiệu nhất để tạo ra tập quán mới.

Về việc nên chọn ngày nào trong năm làm Ngày Doanh nhân Việt, chúng tôi đồng tình với gợi ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thư gửi đội ngũ doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 50 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004): Lấy ngày 13 tháng 10, vì vào năm 1945, đó là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam giao nhiệm vụ “xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”, cùng cam kết “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”. Chọn ngày này làm Ngày Doanh nhân Việt có nghĩa là mỗi năm, sẽ có một ngày để gợi nhắc nhiệm vụ trên và cam kết trên vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là khi các mục tiêu độc lập tự do đã được thực hiện nhưng đất nước lại chưa giàu mạnh đúng như mong muốn của Người.

Về cách tổ chức Ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng tôi nghĩ các đoàn thể nên cùng bàn bạc làm sao để ngày này được cộng đồng quen dần và chấp nhận như một sinh hoạt thường niên, theo các tiêu chí: trọng thị, phổ biến, tự nguyện.

Rất mong được Quốc hội và Thủ tướng xem xét chấp thuận, vì đây là nguyện vọng hết sức chính đáng của một tầng lớp đã gắn liền sự tồn sinh với vận mệnh dân tộc. Chấp thuận đề xuất này không chỉ là một trong những phương cách tốt nhất giúp xã hội Việt Nam nhanh chóng có sự nhìn nhận công bằng về doanh giới, mà còn bảo chứng cho cam kết dành cho doanh nhân Việt Nam một vị trí xứng đáng trong cuộc song hành cùng các tầng lớp khác trên lộ trình đi tới tương lai phồn vinh của dân tộc, thực hiện kỳ vọng sánh vai cùng các cường quốc năm châu của bao thế hệ người Việt.

Trân trọng kính chào!  

TS. Phạm Hảo Hớn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM” 

Xuân Lộc