Muốn người dân “ở đâu ở yên đó” trong thời gian dài là không thể

Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 12/10/2021

Những ngày qua, khi Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP.HCM nới lỏng các biện pháp giãn cách, dòng người liên tục đổ về các tỉnh miền Tây, miền Trung, khiến một số địa phương phải đề xuất Chính phủ cho phép tạm thời dừng việc tiếp nhận vì quá tải, không thể cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Theo TS. Huỳnh Thế Du - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, đó là nhu cầu chính đáng của người dân nên chính quyền phải hết lòng giúp đỡ họ.
HuynhTheDu-6255-1633939362.jpg

TS. Huỳnh Thế Du

* Người dân, chủ yếu là công nhân và gia đình họ tạm trú tại TP.HCM và các tỉnh lân cận vẫn tiếp tục tìm mọi cách về quê. Theo ông thực trạng ấy nói lên điều gì?

- Thời gian qua, phải nhìn nhận tư duy và nguyên tắc chống dịch chưa thật sự tường minh, làm cho người dân cảm thấy không an tâm. Trước khi thực hiện giãn cách, “đóng cửa”, chính quyền chưa lường hết trên 1,5 triệu công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất và gia đình họ bị tác động như thế nào, nên mặc dù có hỗ trợ bằng tiền và lương thực, thực phẩm nhưng không thể đủ cho cuộc sống tối thiểu. Mặt khác, đại dịch vẫn diễn biến khó lường, thời gian qua số người nhiễm SARS-CoV-2 qua đời không phải là ít nên họ không thể yên tâm ở lại. Do đó, khi nới lỏng giãn cách, họ phải tìm mọi cách về quê, kể cả đi bộ, rồi mọi việc “tính sau” như họ đã nói.

* Nhưng từ tháng 4 đến nay, TP.HCM và các tỉnh lân cận cam kết không để người dân quá thiếu thốn, thưa ông?

- Nếu chỉ có một số ít người bỏ về quê thì không có gì để nói nhưng hàng chục vạn người lũ lượt ra đi như mấy ngày qua thì lại khác. Điều này cho thấy độ bao phủ chính sách đang có vấn đề và những thông điệp mà chính quyền đưa ra có những trục trặc. 

Trục trặc đầu tiên là niềm tin của người dân. Vì mưu sinh, vì cuộc sống, họ phải ra đi, đó là sự lựa chọn tự nhiên. Nếu đã tiêm đủ vaccine và có cơ hội việc làm tốt, họ sẽ ở lại. Nhưng hiện nay rất đông người dân tạm trú vẫn chưa biết tương lai sẽ như thế nào.

Việc xây dựng chính sách có những bất cập và việc truyền thông các chính sách ấy đến người dân cũng có những trục trặc. Nên học cách chống dịch từ các nước phát triển. Người đứng đầu cấp tỉnh phải là người phát ngôn chính thức hằng ngày và chịu trách nhiệm với những phát ngôn đó. Lâu nay, người phát ngôn của TP.HCM liên quan đến phòng, chống dịch và cứu trợ ít khi là người đứng đầu. Đã vậy, nhiều phát ngôn mâu thuẫn khiến niềm tin của người dân giảm sút.

Và khi không đáp ứng được nhu cầu về cuộc sống, về sức khỏe, người dân sẽ chọn cách tốt nhất cho bản thân. Mà cái tốt nhất cho cá nhân chưa chắc là cái tốt nhất cho xã hội.

* Và những cuộc rời đi của người dân sống tại TP.HCM và các tỉnh lân cận không phải chỉ đến từ bữa ăn hằng ngày, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như y tế, giáo dục...

- Đó là vấn đề vô cùng quan trọng. Ở thành phố 10 triệu dân này, không thể đóng cửa tất cả và bắt mọi người phải ngồi trong nhà vì có nhiều người chạy ăn từng bữa. Trên thực tế, số tiền cho nhu cầu hằng ngày của người dân lớn hơn rất nhiều so với số tiền được hỗ trợ.

Việc đóng cửa nghiêm ngặt như thế khiến cuộc sống của người dân khó khăn thêm. Và khi tất cả hoạt động dừng lại sẽ khiến người lao động không có thu nhập và khi không có thu nhập thì việc hỗ trợ của Nhà nước cũng không đủ để họ sống. 

* Theo ông, có giải pháp nào để giải quyết việc này? 

- Dù TP.HCM và các tỉnh lân cận đã bỏ phần lớn chốt chặn và tháo gỡ rào chắn nhưng việc mở của kinh tế còn lúng túng, còn chậm. Theo tôi, phải mở nhanh các hoạt động thiết yếu có thể tạo ra công ăn việc làm cho người dân, đem lại kết quả kinh tế, nhưng phải cố gắng ở mức cao nhất để tránh những rủi ro dịch bệnh. Việc làm cho người nghèo chưa thể khôi phục đủ trong một sớm một chiều, vì thế cần có thêm gói hỗ trợ bằng tiền mặt trực tiếp cho họ. Điều này thể hiện chính sách an sinh và cũng kích thích vực dậy nền kinh tế.

* Theo ông, có nên tạo điều kiện cho những người muốn về quê và tổ chức như thế nào cho an toàn? 

- Việc lựa chọn của người dân là do nhu cầu cá nhân và là quyền của con người. Nên nhìn vấn đề ấy dưới góc độ xã hội. Những trường hợp vì miếng cơm manh áo, vì sự an toàn buộc phải về thì nên cho họ về và chính quyền phải tổ chức đưa họ về trong trật tự để vừa bảo đảm sức khỏe cho họ, vừa giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cần có sự thống nhất về chủ trương và sự liên kết giữa các địa phương trong vấn đề này. Muốn người dân “ở đâu ở yên đó” trong thời gian dài là không thể, do đó phải đưa ra những quy định theo kiểu như người ở vùng xanh có thể đi lại tất cả những vùng khác, chẳng hạn.

* Cảm ơn ông! 

Hồng Nga