Đề xuất xem doanh nghiệp, doanh nhân là đối tác của chính quyền
Trong nước - Ngày đăng : 09:00, 12/10/2021
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM:
Cho phép DN chủ động sản xuất đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
Cần cho phép DN được quyền chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và tự chịu trách nhiệm sau khi đã thông báo đến cơ quan có thẩm quyền địa phương và được xác nhận, Nhà nước chỉ hậu kiểm bằng kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại DN. Nếu DN không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch của Trung ương và TP.HCM thì sẽ bị xử lý nghiêm, có thể yêu cầu đóng cửa để rà soát, đánh giá, khắc phục. Việc này sẽ tránh tình trạng xin - cho, gây khó dễ cho DN. Bên cạnh đó, không đóng cửa nhà máy nếu có F0, DN sẽ đưa F0 đi bệnh viện hoặc tự cách ly chữa bệnh tại nhà, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp.
Đặc thù kinh tế TP.HCM luôn gắn kết với các tỉnh, thành phía Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Hầu hết nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành này đều đến từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Do đó, đề nghị Chính phủ ưu tiên tiêm phòng diện rộng cho những người tham gia trong chuỗi cung ứng tại khu vực này để giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa được ổn định, DN mở cửa sản xuất, kinh doanh an toàn.
Hiện vẫn còn những quy định không thống nhất giữa các tỉnh, thành trong việc áp dụng các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch, gây rất nhiều khó khăn cho DN, nhất là khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên phụ liệu sản xuất. Do đó, mong Chính phủ quán triệt tất cả tỉnh, thành, nhất là các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam triển khai nhất quán các quy định từ Trung ương, không được tự ý quy định trái với quyết định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cũng như trao quyền tự chủ cho DN lên phương án phòng, chống dịch để sản xuất an toàn. Hiện nay, DN sản xuất, mặc dù ở TP.HCM nhưng nhà cung cấp lại nằm rải rác ở các tỉnh, thành, nếu những đơn vị này phải đóng cửa thì DN sản xuất cũng không thể hoạt động thuận lợi.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM:
Cần nâng tầm chiến lược an sinh xã hội
An sinh xã hội là nền tảng trong công cuộc chống đại dịch hiện nay. Nếu hàng vạn người nghèo thiếu ăn, họ sẽ đổ ra đường, không thể nào khoanh vùng cách ly chống dịch được.
Trong giai đoạn đầu, chính quyền lúng túng và chưa quan tâm kịp thời đến đời sống người nghèo khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát. Với truyền thống chia ngọt sẻ bùi của dân tộc Việt Nam và nhất là người dân TP.HCM đã chung tay lo bữa ăn cho người lao động nghèo, nhưng do tự phát nên nơi này đủ, nơi kia thiếu. Trong khi đó, ngày 2/8/2021, TP.HCM đã thành lập Trung tâm Tiếp nhận và Cấp phát hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân (theo ba cấp thành phố, quận - huyện, phường - xã) để tiếp nhận và điều phối hàng hóa cứu trợ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguồn lực đóng góp từ các tổ chức và trong dân đã hạn hẹp do dịch bệnh kéo dài và cũng chưa có truyền thông về trung tâm này.
Theo tôi, vấn đề an sinh cần quan tâm hơn ở tầm chiến lược. “Cuộc chiến” với Covid-19 sẽ còn kéo dài, bên cạnh đó, thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, kiến nghị xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động này nhằm khuyến khích thành lập quỹ cộng đồng hoạt động chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế. Với các nghị định và quy chế hiện nay, việc thành lập quỹ cộng đồng không dễ, nhất là thành lập các quỹ có quy mô toàn quốc. Bên cạnh đó, nên cho phép DN được hạch toán khoản đóng góp từ thiện vào chi phí hợp lệ được khấu trừ thuế. Như vậy sẽ khuyến khích cá nhân và tổ chức đóng góp từ thiện nhiều hơn.
Các gói an sinh cần đưa ra kịp thời và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh có những người nghèo không được trợ giúp. Tình hình dịch bệnh còn kéo dài, vì thế, Trung tâm Tiếp nhận và Cấp phát hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân của TP.HCM nên tiếp tục truyền thông, kêu gọi đóng góp để giúp người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán tới.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation:
7 việc cần làm ngay để phục hồi kinh tế
Thứ nhất, Nhà nước nên ưu tiên, đẩy mạnh các chính sách phi kinh tế như cải cách thủ tục hành chính giúp DN giải quyết công việc nhanh chóng, giảm chi phí đầu tư, sản xuất.
Thứ hai, cần có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho DN chủ động kiểm soát dịch tại DN, giúp giảm bớt chi phí sử dụng cho phòng, chống dịch nhưng vẫn chủ động trong sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, cần giám sát các ngân hàng thương mại thực hiện Thông tư số 01 và Thông tư số 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm, miễn lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay của DN trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 gây ra.
Thứ tư, tăng cường vai trò của các hiệp hội DN, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa DN để hỗ trợ nhau về thông tin, giải quyết khó khăn về nguồn hàng, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến bị động trong sản xuất, gia tăng giá thành, khó khăn trong việc bố trí, duy trì lực lượng lao động.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường áp dụng công nghệ số, nhất là trong lĩnh vực hành chính. Việc này giúp giảm chi phí, hạn chế lây lan dịch bệnh, góp phần kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Thứ sáu, chính quyền TP.HCM cần sớm có chính sách hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại Thành phố được tiêm đủ vaccine. Chính sách này không những tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động mà còn giúp DN có được lực lượng lao động cần thiết đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong DN. Chính quyền cũng nên lập đội phản ứng nhanh để ứng phó với tình hình dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới bởi nguy cơ dịch bệnh lây lan vẫn tiềm ẩn.
Thứ bảy, có chính sách hỗ trợ DN trong việc triển khai thực hiện dự án, tránh tình trạng “ách tắc” liên quan đến thủ tục hành chính. Theo tôi, nếu các văn bản pháp luật đã rõ thì các sở ban ngành phải tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện thủ tục pháp lý một cách nhanh chóng, nhằm sớm triển khai dự án.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội DN quận Bình Tân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành:
Cần ban hành nghị quyết về đầu tư phát triển kinh tế thời Covid-19
Để làm cho nền kinh tế phát triển trở lại, theo tôi, Chính phủ cần thúc đẩy song song giữa đầu tư phát triển kinh tế và đầu tư công. Lấy ví dụ, nếu cả nước có 1.000 dự án đầu tư công, mỗi dự án có quy mô vốn trung bình khoảng 1.000 tỷ đồng được khởi công xây dựng thì sẽ có ít nhất 1 triệu tỷ đồng giải ngân. Điều này chắc chắn sẽ giúp cả nền kinh tế phát triển trở lại, vì khi các dự án được triển khai sẽ kéo nhiều ngành nghề khác phát triển theo.
Để làm được điều này, tôi kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hãy xem xét ban hành một luật hoặc một nghị quyết ngắn hạn, tạm gọi là Luật Đầu tư và Phát triển kinh tế thời Covid-19. Trong giai đoạn này, mọi thủ tục hành chánh về đầu tư và kinh doanh được mở thông thoáng nhất theo luật này chứ không theo các luật khác. Làm sao để một dự án chỉ cần hoàn thành hồ sơ trong ba tháng là có thể được cấp phép xây dựng. Theo tôi, việc thực hiện nghị quyết này, nếu có cũng là thí điểm cải cách hành chính trong vài ba năm để làm thông thoáng môi trường đầu tư sau này.
Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO:
Cùng Thành phố tìm cách thích ứng an toàn với Covid-19
TP.HCM là khu vực kinh tế lớn nhất của cả nước, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tuy nhiên ba tháng qua, các biện pháp chống dịch đã tác động tiêu cực đến DN và người dân. Do vậy, rất mong Chính phủ tạo cơ chế đặc biệt đối với Thành phố để giúp DN nhanh chóng quay lại hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động, khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất khẩu, thúc đẩy giao thương. Ngoài đáp ứng các tiêu chí phòng, chống dịch của Bộ Y tế, DN hoạt động trở lại phải thành lập đội phản ứng nhanh để nếu nhà máy, xí nghiệp có F0 thì phối hợp với y tế địa phương để xử lý nhanh, giúp DN tiếp tục hoạt động an toàn. Nên có các gói hỗ trợ DN vừa và nhỏ, tiểu thương phục hồi sản xuất từ nguồn vay ưu đãi từ Chính phủ. Gói hỗ trợ này phải cụ thể, rõ ràng và dễ tiếp cận.
Mỗi DN phải có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho nhân viên, mỗi người dân phải bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Chỉ có đồng lòng, hợp sức, chúng ta mới có thể vượt qua giai đoạn rất khó khăn này.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel):
Hãy xem DN, doanh nhân là đối tác của chính quyền
Đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội của người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Trong công cuộc chống dịch, Chính phủ và chính quyền TP.HCM cần phải tin cậy và xem DN, doanh nhân như là đối tác. Nếu được đặt đúng vị trí và được tin cậy, doanh nhân sẽ phấn khởi đồng hành, đóng góp và hỗ trợ hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn chung. Ví dụ như việc triển khai các gói an sinh cho người lao động thực hiện qua DN sẽ hiệu quả hơn là đưa về tổ chức chính quyền cấp cơ sở.
Mong Chính phủ quán triệt tất cả tỉnh, thành, nhất là các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam triển khai nhất quán các quy định từ Trung ương, không được tự ý quy định trái với quyết định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cũng như trao quyền tự chủ cho DN lên phương án phòng, chống dịch để sản xuất an toàn.
Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa gói tài chính hỗ trợ DN (miễn giảm và giãn các loại thuế) nhằm khoan sức dân và DN. Hiện nay, chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể nào nhằm vực lại hoạt động các ngành bị ảnh hưởng nặng như hàng không và du lịch, trong khi đây là những ngành được xác định là kinh tế mũi nhọn.
Quốc hội cũng cần có chính sách nới rộng trần nợ công và tăng cung dòng tiền cho các ngân hàng có thể cho DN vay với lãi suất thấp (Nhà nước cấp bù lãi suất).
TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước, nhưng nếu công tâm đánh giá thì những năm gần đây chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Khi ra Thủ đô và các tỉnh phía Bắc, điều người dân Thành phố dễ dàng cảm nhận là giao thông và cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt hơn nhiều so với trong Nam. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, tin rằng TP.HCM sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp cho cả nước nhiều hơn nữa.