Thư của một doanh nhân Hà Nội gửi doanh nhân TP.HCM

Doanh nhân viết - Ngày đăng : 01:36, 13/10/2021

Khi nghĩ về những vất vả, những thăng trầm và cả bi kịch của doanh nhân Việt trong nhiều thế kỷ qua, tôi nhận thấy những gì doanh nhân đang gặp phải hôm nay chưa là gì cả so với những khó khăn mà các thế hệ doanh nhân Việt Nam đi trước đã gánh chịu và vượt qua để tồn tại…
Thư của một doanh nhân Hà Nội gửi doanh nhân TP.HCM

Nhà sách của công ty Alpha Books, nơi ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch

Các anh chị doanh nhân TP.HCM thân mến,

Vậy là hôm nay, doanh nhân chúng ta chào đón Ngày Doanh nhân Việt Nam lần thứ 17 trong một bối cảnh, một tình thế khác biệt nhiều so với 16 lần kỷ niệm trước đây, khi hầu hết chúng ta đang phải đối mặt với thách thức lớn lao từ cuộc khủng hoảng từ dịch bệnh Covid, mà TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước đã phải gánh chịu nặng nề nhất trong hơn 4 tháng qua. 

Những thông tin ảm đạm về thất nghiệp, phá sản, thua lỗ, đóng cửa, người lao động bỏ về quê...và những lo âu, bất ổn khác đè nặng lên tâm trí của những doanh nhân - nhà điều hành, khi họ phải gánh trên vai trách nhiệm với hàng trăm, hàng ngàn người lao động trong công ty.  

Trong tâm trạng phần nào lo âu đó, tôi dự sự kiện Ngày Doanh nhân sáng chủ nhật 10/10 vừa qua ở Hà Nội, lúc đó tôi nhìn lại hàng trăm năm lịch sử hình thành, phát triển của doanh nhân Việt Nam và nhận ra rằng những doanh nhân như chúng ta ở những giai đoạn trước đã gian truân hơn, vất vả hơn trên mảnh đất này. Từ đó, tôi thấy phần nào được an ủi và lạc quan hơn vào tương lai. 

Khi nghĩ về những vất vả, những thăng trầm và cả bi kịch của doanh nhân Việt trong nhiều thế kỷ qua, tôi nhận thấy những gì doanh nhân đang gặp phải hôm nay chưa là gì cả so với những khó khăn mà các thế hệ doanh nhân Việt Nam đi trước đã gánh chịu và vượt qua để tồn tại...

Hàng trăm năm trước đây, người Việt vẫn có quan niệm "Nhất Sĩ, nhì Nông, tam Công, tứ Thương". Rõ ràng là tầng lớp thương nhân thời xưa không được xã hội coi trọng, khi thương nhân được xếp cuối cùng trong 4 ngành nghề phổ biến. Trong nhiều năm trời, cái tư duy Sĩ – Nông – Công – Thương đó đã cản trở và ràng buộc chúng ta, cản trở và ràng buộc đất nước và dân tộc, khiến chúng ta cùng lâm vào cảnh nghèo nàn và lạc hậu.

13-10-Pic-8-3255-1634095368.jpg

Sáng kiến siêu thị mini 0 đồng của doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung đã giúp hàng ngàn người lao động và sinh viên các tỉnh tại TP.HCM có thực phẩm miễn phí trong gần 3 tháng giãn cách

Khi người Pháp sang, những doanh nhân bản địa như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà xuất hiện đầu tiên, họ chắc hẳn là những người rất ái quốc, những người mong muốn mảnh đất chữ S có sự thịnh vượng và hiện đại. Từ bé, tôi đã đọc được nhiều câu chuyện về những con người như vậy, cả những người thương gia, doanh nhân hy sinh cho cách mạng, hiến tặng tài sản cho tổ quốc. 

Trải qua nhiều năm tháng, có không ít thế hệ doanh nhân Việt gặp những biến động và thăng trầm, thậm chí phải gánh chịu cả bi kịch kinh khủng. Thời bao cấp và kế hoạch hóa, đất nước chúng ta không có doanh nhân, bởi làm sao có được  trong cái bối cảnh và khuôn khổ ràng buộc chật chột lúc đó, khi Nhà nước không cho phép một ai thuê quá 5 lao động và coi việc thuê mướn và lập doanh nghiệp là bóc lột con người? Khi đọc lịch sử, tôi thấy những con người có tố chất kinh doanh, có năng lực và biết xoay sở kiếm tìm hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ cho xã hội mà lại bị kìm hãm, bị cản trở mới kinh khủng như thế nào. Tôi thấu hiểu nỗi khổ của họ khi không được sống với tài năng và đạt được mong muốn cống hiến sức lực của mình để làm giàu cho xã hội. 

Kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, vai trò của doanh nhân đã được Chính phủ cũng như người dân nhìn nhận một cách tích cực, dù vẫn có một số cá nhân, tổ chức vẫn cho rằng doanh nhân là những ông bà chủ chỉ biết bóc lột sức lực của người lao động để làm giàu cho bản thân và gia đình.

Nhưng dù bị xem thường như thế, tôi vẫn tin rằng sứ mệnh của doanh nhân chúng ta không chỉ là kiếm tiền cho bản thân, cho gia đình mà còn hơn thế.  

Nhiều năm trước, tôi xem đi xem lại một bộ phim truyền cảm hứng về những doanh nhân vĩ đại người Mỹ, đó là The Men Who Build America – những con người đã xây dựng nước Mỹ. Họ - những người xây dựng nước Mỹ không chỉ là những chính trị gia, không chỉ là những nhà soạn thảo hiến pháp và lập quốc như Washington, Jeffferson, Madison… mà còn là những doanh nhân với sứ mệnh và trách nhiệm lớn lao.  

Đó là các doanh nhân như JP Morgan, Andrew Carnegie, Rockefeller, Henry Ford và nhiều người khác đã có những đóng góp to lớn cho việc xây dựng và kiến tạo nước Mỹ. Nhờ họ, chúng ta có nhiều bài học về giá trị và địa vị của doanh nhân và tôi cũng được truyền cảm hứng từ họ. Không phải là Andrew Carnegie đã tài trợ và sáng lập hàng ngàn thư viện trên toàn nước Mỹ đấy sao? Không phải là Rockeffeler đã tài trợ các trường đại học, các viện nghiên cứu y học hàng đầu của nước Mỹ đấy sao? Và rồi, gần đây, chúng ta nhìn thấy bao nhiêu doanh nhân Mỹ đang tiếp tục cống hiến tài sản cho các quỹ từ thiện và cho những mục tiêu lớn lao của nhân loại.

13-10-Pic-6-4533-1634095369.jpg

Doanh nhân Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc công ty PHGSmarthome, người sáng lập ATM gạo trong đợt dịch đầu tiên ở TP.HCM cũng là người tạo ra ATM oxy cấp cứu kịp thời cho nhiều F0 điều trị tại nhà

Tôi không nói rằng tất cả những người giàu có đều tử tế, đều tuyệt vời, bởi xã hội có không ít những kẻ tham lam, độc ác, tàn nhẫn, cũng như doanh nhân chúng ta ngày hôm nay cũng có người này người khác, nhưng chắc chắn những người như thế chỉ là số ít. 

Thực tế chúng ta thấy vẫn còn rất nhiều những nhà buôn, những doanh nhân tử tế, sống có trách nhiệm và có đạo đức, họ nuôi dưỡng và bảo trợ người lao động, chăm sóc và cưu mang người nghèo. Tôi hoàn toàn tin rằng, một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng về kinh tế phải có đội ngũ doanh nhân giỏi giang, biết làm giàu. Bên cạnh đó, một quốc gia muốn có nền kinh tế độc lập và hùng mạnh phải cho phép công dân được kiếm tiền và làm giàu một cách chính đáng.

Dù chưa có một kết quả hoàn mỹ, nhưng những gì nhân loại đã làm được trong công cuộc chống dịch bệnh Covid ngày hôm nay có công lớn của các nhà lãnh đạo, trên hết là của các nhà khoa học. Nhưng tôi cũng cho rằng đàng sau những nhà khoa học lại là những doanh nhân, những nhà sáng lập và điều hành các hãng dược, các công ty/phòng thí nghiệm như Moderna, Pfizer hay AstraZeneca… Đằng sau các nhà khoa học là những doanh nhân, những nhà điều hành, đã tạo dựng khuôn khổ và không gian cho những nhà khoa học tỏa sáng.

Tại Việt Nam, tháng 10/2004, Doanh Nhân Sài Gòn đã nỗ lực vận động Chính phủ chọn ngày 13/10 làm ngày Doanh nhân, công nhận một cách chính thức vai trò của doanh nhân trong xã hội. Tôi coi đây chính là một dấu mốc vô cùng quan trọng trong hành trình các thế hệ doanh nhân Việt Nam đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách trước khi được xã hội công nhận địa vị của mình. 

Cũng vào thời điểm đó, tháng 10/2004, tôi đặt chiếc bàn làm việc đầu tiên trong một căn phòng nhỏ trên đường Tô Hiến Thành, Hà Nội, khởi đầu cho dự án xuất bản sách, mà rồi vài tháng sau đó dự án này chính là Alpha Books của hôm nay. Khi đó, tôi mong muốn sẽ làm ra những cuốn sách có giá trị dành cho các doanh nhân Việt Nam và tin rằng doanh nhân sẽ cần đến tri thức quản trị, kinh nghiệm và ý tưởng để phát triển doanh nghiệp chứ không chỉ dựa vào những mối quan hệ, những trò chạy chọt... Và thật may mắn, theo năm tháng, những gì chúng tôi nỗ lực, những gì chúng tôi đóng góp dù vô cùng nhỏ bé cũng đạt được ý nghĩa nào đó cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân và cả cho phong trào khởi nghiệp hôm nay. 

Một lần nữa, thực tế chứng minh rằng những doanh nhân chúng ta không có mong muốn nào khác ngoài việc được tự chủ trong kinh doanh, được làm giàu tử tế, đàng hoàng. Nhưng đó là hành trình dài tranh đấu, không phải chỉ là hơn 70 năm qua, mà thậm chí là vài trăm năm qua, các thế hệ doanh nhân Việt Nam đã vượt qua những rào cản, những hạn chế của xã hội để trả lời câu hỏi địa vị của chúng ta đang ở đâu trong xã hội này? Liệu chúng ta chỉ làm giàu cho chúng ta, hay cho xã hội, hay xa hơn, hướng đến một xã hội hiện đại và thịnh vượng?  

Trong bối cảnh TP.HCM đang phục hồi kinh tế sau cơn "trọng bệnh", là một doanh nhân Hà Nội, tôi nghĩ doanh nhân TP.HCM vẫn còn nhiều thử thách ở phía trước. Tuy vậy, xét cho cùng, thử thách này vẫn nhỏ bé so với vô số khó khăn mà các thế hệ doanh nhân trước gặp phải.  Trong ngày Doanh nhân dường như khó khăn nhất trong 17 năm qua, tôi chia sẻ những suy nghĩ này với các doanh nhân TP.HCM và mong rằng sẽ có nhiều người đồng cảm với tôi. Chúng ta sẽ cùng nhau sát cánh trong hành trình dấn thân và hành động, để suy nghĩ về những vấn đề lớn lao hơn, kiến tạo những tổ chức – doanh nghiệp mới, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho mục tiêu xây dựng một xã hội ngày càng phồn thịnh và nhân bản hơn.

Chúc các doanh nhân TP.HCM luôn vui khỏe và tự tin vào tương lai. 

(*) Chủ tịch Alpha Books, Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG

Nguyễn Cảnh Bình (*)