Một lần gặp phu nhân nhà tư sản Trịnh Văn Bô
Du lịch - Ngày đăng : 05:45, 13/10/2021
Ngôi nhà cụ Trịnh Văn Bô trên đường Hoàng Diệu - Hà Nội |
Tôi bỗng nhớ Hà Nội với đường Hoàng Diệu. Con đường này có đẹp nhất Thủ đô không? Chưa thấy ai xếp hạng. Những năm còn làm báo ngoài đó, hằng ngày tôi vẫn đi qua con đường đó.
Hoàng Diệu là một trong những con phố nhiều cây xanh cổ thụ tỏa bóng êm đềm. Mùa Hè vang tiếng ve kêu và mùa Thu thì nhuộm vàng màu lá. Trên con đường đó toàn biệt thự xây kiểu Pháp. Lúc đó, tôi chưa biết nhà cụ Trịnh Văn Bô ở trên con đường này, mặc dù cũng nghe đây là gia đình tư sản nổi tiếng yêu nước đã hiến 5.000 lạng vàng cho Nhà nước Cách mạng non trẻ mới giành được độc lập năm 1945. Tôi cũng nghe gia đình ông có rất nhiều ngôi biệt thự đẹp và cho cơ quan nhà nước mượn, sau này con cháu của cụ Trịnh Văn Bô truân chuyên khi đi đòi lại nhà của chính mình...
Phố Hoàng Diệu cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống ở đó, ai đi qua cũng ghé nhìn, mà không biết căn biệt thự bên cạnh chính là nhà cụ Trịnh Văn Bô. Nhà cụ Trịnh Văn Bô đẹp đến nỗi khi Đại tướng mất, phóng viên phương Tây đến Hà Nội đưa tin viết bài đã tò mò viết thêm về ngôi nhà bên cạnh mang nét đẹp cổ xưa.
Hồi những năm chiến tranh, khi Mỹ đem bom bắn phá miền Bắc, một lần tôi và nhà thơ Phạm Tiến Duật - lúc ấy mới bước vào văn đàn - dắt xe đạp đi từ từ trên con đường Hoàng Diệu vì anh muốn đọc cho tôi nghe bài thơ Lửa đèn mới sáng tác. Lúc đó là buổi tối, chúng tôi đang đi bộ thì bỗng nghe còi báo động hú vang, đèn phố tắt phụt, chúng tôi phải dừng lại đứng dưới gốc cây trước nhà cụ Trịnh Văn Bô mà vẫn không biết là nhà cụ. Sau này đến phỏng vấn cụ bà tôi mới biết. Năm tôi đến phỏng vấn, cụ bà Trịnh Văn Bô đã ngoài 90 tuổi. Bà tiếp tôi trong phòng khách với vẻ hoạt bát, trí nhớ tuyệt vời, không có vẻ chậm chạp của người già.
Cụ tên thật là Hoàng Thị Minh Hồ, con gái rượu của cụ Hoàng Đạo Phương - chủ hiệu buôn tơ lụa Vạn Tường số 21 phố Hàng Đào. Cụ nói: “Gia đình chúng tôi, các ông thì nhà giáo trong Đông Kinh nghĩa thục, các bà thì kinh doanh. Họ xuất khẩu vải vóc tơ lụa đi khắp Á-Âu...”.
Nhưng câu chuyện của cụ luôn quay về “triết lý kinh doanh” - chữ mới hay dùng bây giờ: “Cha tôi dặn sống phải có đức, có tâm, chớ trọng phú quý mà khinh bần hàn, thương người như thể thương thân”.
Tôi hỏi về những ngày sôi nổi của Nhà nước Việt Nam non trẻ năm 1945, những ngày gia đình cụ đón Bác Hồ về ở để Bác viết Tuyên ngôn Độc lập. Lúc đó, bà tư sản Trịnh Văn Bô được chăm sóc bữa ăn cho Bác Hồ. Sau này, gia đình ông bà đã hiến ngôi nhà 48 Hàng Ngang đó làm bảo tàng và du khách đến Thủ đô thường hay ghé thăm.
Trong câu chuyện của những năm 1945, cụ tiếc nuối vì chiến tranh đã để mất cái ngà voi - quà tặng của Bác Hồ và Chính phủ trao cho gia đình vì có công giúp Cách mạng nhiều. Cụ nhớ lại: “Cái ngà voi do Bác cử ông Vũ Đình Huỳnh mua về có gắn thêm bầy voi con đẹp lắm. Nhưng rồi chiến tranh, chúng tôi chạy Tây, rời Hà Nội lên Cao Bằng. Ở Hà Nội, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nghe kể có anh chiến sĩ trong đội tự vệ Lương Văn Can ôm cái ngà voi cố chạy ra cửa sau phố Hàng Cân. Pháp bắn từ trong thành sang, anh chiến sĩ bị trọng thương. Mất cái ngà voi. Thế thôi”.
Tôi muốn cụ kể về “Tuần lễ vàng“ ngày đó thế nào. Cụ nhớ lại: “Ai cũng chỉ một mong ước duy nhất là nước nhà độc lập. Vì thế các nhà tư sản không tiếc gì, nhiều người trút ngay cả tư trang đang đeo. Nhà Hiếu Lợi Quyền bỏ 49 lạng vàng vào hòm ở Hội trường Trí Tri. Bà Vương Thị Lai 109 lạng... Khi tổ chức ở Nhà hát lớn thì mọi người bỏ vào cái lư hương có hai con hạc hai bên...”.
Gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô ủng hộ Cách mạng nhiều đến nỗi Tổng thống Pháp khi đó bảo “Nhà Trịnh Văn Bô là... Bộ Tài chính của Việt Minh”.
Năm 2017, cụ bà Trịnh Văn Bô đã mất, thọ 104 tuổi. Hiện nay, tôi được biết đã có con đường mang tên Trịnh Văn Bô ở Hà Nội, nhưng câu chuyện hiến tài sản của gia đình nhà tư sản Hà Nội ngày xưa ấy luôn trong ký ức. Ông bà cụ Trịnh Văn Bộ đã là những doanh nhân giỏi, có triết lý sống đẹp, yêu nước thương dân.
Ở Sài Gòn trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư, nhìn người Sài Gòn, các doanh nhân và cả nước đã làm một cuộc đại cứu trợ không thua gì dân công tiếp tế cho Điện Biên Phủ năm xưa, tôi hiểu văn hóa của nước Việt và doanh nhân ngày đầu Cách mạng ấy vẫn sống mạnh mẽ hôm nay với nhiều sáng tạo mới.
Xem truyền hình lễ đóng góp cho Quỹ Vaccine, tôi cứ nhớ lại chuyện “Tuần lễ vàng” mà cụ Trịnh Văn Bô kể cho nghe và hiểu rằng “Tuần lễ vàng” ngày dựng nước non trẻ ấy luôn có trong lòng người Việt và doanh nhân Việt.