Doanh nghiệp cần tài chính như người bệnh cần oxy

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 14/10/2021

Vốn cho tái sản xuất là một trong hai vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp (DN) lúc này.
Doanh nghiệp cần tài chính như người bệnh cần oxy

Quá khó 

Dẫn nguồn các nghiên cứu về thực trạng DN gần đây, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, hiện có gần 40% số DN chỉ còn dòng tiền để duy trì hoạt động dưới 1 tháng, 46% DN có dòng tiền duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng và chỉ có 17,7% số DN đang duy trì sản xuất, kinh doanh. 

Tại thành phố đầu tàu của cả nước, rất nhiều DN rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh kể từ ngày 9/7/2021 đến nay; chỉ có chưa đến 20% năng lực sản xuất được duy trì theo mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”. “Hiện các DN còn duy trì hoạt động chủ yếu cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và duy trì chuỗi cung ứng xuất khẩu theo các đơn hàng đã ký kết cũng như duy trì đội ngũ công nhân chủ chốt. Khách hàng tụt giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dòng tiền bị thu hẹp đáng kể, thậm chí không đủ trả nợ tiền vay và lãi tiền vay đến hạn, chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng, nên không thể kéo dài”,  ông Chu Tiến Dũng cho biết. 

Điều đáng nói là chỉ có 30,72% trong số các DN khó khăn tại TP.HCM tiếp cận được các gói hỗ trợ về vốn, tín dụng. Trong đó, ngành xây dựng có tỷ lệ DN tiếp cận được với gói hỗ trợ thuế cao nhất (45,45%), thấp nhất là các DN trong ngành công nghiệp (25,45%). Đặc biệt, chỉ có 22% DN nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận được các gói hỗ trợ tài chính trong thời gian qua. 

Việc thiếu hụt nguồn tiền của DN được ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel ví von: “DN đang cần hỗ trợ tài chính như người bệnh Covid-19 cần oxy” và khẳng định: “Nếu chậm trễ thì sẽ có rất nhiều DN tốt phải rời thị trường và Nhà nước sẽ mất nguồn thu sau này. Điều này cũng sẽ làm suy yếu nội lực của DN, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế của dất nước”.

Vietthang-Jean-1-9913-1634010944.jpg

Ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cho biết, các thành viên của công ty đã thật sự khó từ năm 2020. Hai mươi bốn khách sạn thuộc đơn vị đã đóng cửa, điều chỉnh nhiệm vụ kinh doanh thành nhiệm vụ phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch. Các DN thành viên này ngưng hoạt động, thị trường giảm cầu đột ngột dẫn tới doanh thu giảm, gặp rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán... Theo ông Võ Anh Tài, trong quý IV/2021 và năm 2022, tình hình kinh doanh còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. DN cần được hỗ trợ song các gói hỗ trợ rất khó tiếp cận, mức độ hỗ trợ lại thấp so với nhu cầu.

Vì quá khó nên nhiều DN không thể đáp ứng được đơn hàng khiến nhiều nhà mua hàng nước ngoài rời đi. Ông Nguyễn Phương Đông - Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) chia sẻ, một số DN trực thuộc CNS sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” nhưng chỉ sử dụng được 30% lao động. Việc duy trì “ba tại chỗ” khiến DN không thể giao hàng như cam kết. Vì thế, 20% khách hàng đã chuyển đơn hàng sang Thái Lan, Trung Quốc... Trong ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho biết, một số đối tác nước ngoài của công ty đang  ra khỏi Việt Nam và quay lại thị trường Trung Quốc. 

Cần sự đồng hành của ngành tài chính

Cũng theo ông Phạm Văn Việt, DN không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất thấp bởi quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Muốn được giải ngân, DN phải đảm bảo không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo. Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của DN sụt giảm, lợi nhuận âm, không có tài sản đảm bảo, dự báo khôi phục hoạt động phải trên hai năm trong khi điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại không đổi. “Dù dự kiến trong tháng 10 này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính trình Quốc hội gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm (khoảng 3.000 tỷ đồng) trên tổng dư nợ 100.000 tỷ đồng, các DN vẫn không thể tiếp cận được nếu không sớm ban hành một cơ chế đặc biệt cho DN gặp khó khăn do đại dịch”, ông Phạm Văn Việt nêu vấn đề.

02acb669ea41231f7a50-7697-1634010945.jpg

Ông Võ Anh Tài cho rằng, với thực trạng “sức khỏe” của DN và những hệ lụy của đại dịch Covid-19 gây ra cho DN và nền kinh tế, cần khẩn trương có những chính sách và giải pháp phù hợp, tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn. Trong đó, thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, sử dụng ngân sách nhà nước cấp tiền hoặc cho vay ưu đãi để DN có đủ vốn vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định, nới lỏng điều kiện, đổi mới cách thực hiện để DN có thể thụ hưởng chương trình hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách và gói hỗ trợ tín dụng. 

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, sắp tới NHNN sẽ đồng hành với DN, đặc biệt là DN ở TP.HCM với mức cao nhất. Theo đó, sẽ tái cơ cấu, giãn, hoãn các khoản nợ đến ngày 30/6/2022. Cuối năm nay và đầu năm 2022, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh các chính sách tiền tệ phù hợp với mức độ dịch bệnh và khó khăn của DN. 

“Hiện nguồn lực của DN đã cạn kiệt, không còn đủ vốn để phục hồi sản xuất nhanh được. Đề nghị NHNN tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, hỗ trợ DN vay vốn mới với lãi suất vay thấp, không phải thế chấp tài sản để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính cho phép DN được ân hạn thuế VAT nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất xuất khẩu khi có bảo lãnh của ngân hàng và chỉ đạo hoàn thuế VAT xuất khẩu cho DN nhanh trong vòng một tháng kể từ khi hoàn thành thủ tục hoàn thuế”, ông Chu Tiến Dũng đề xuất.

Trả lời các kiến nghị của DN, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, sắp tới NHNN sẽ đồng hành với DN, đặc biệt là DN ở TP.HCM với mức cao nhất. Theo đó, sẽ tái cơ cấu, giãn, hoãn các khoản nợ đến ngày 30/6/2022. Cuối năm nay và đầu năm 2022, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh các chính sách tiền tệ phù hợp với mức độ dịch bệnh và khó khăn của DN.  

Minh Hào