Doanh nghiệp muốn tiến lên, phải "nhìn lại" và "làm lại"
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 09:44, 14/10/2021
"Nhìn lại" để thấy được tư duy, năng lực, hệ giá trị cốt lõi của bản thân doanh nghiệp (DN) và "làm lại" để tái cấu trúc DN, từ hệ thống quản lý, quản trị và hoạt động sao cho phù hợp với hiện thực xung quanh luôn thay đổi.
Từ đài tưởng niệm bọ hung ở Alabama...
Tại thành phố Enterprise, tiểu bang Alabama của Mỹ, có một đài kỷ niệm nổi bật toạ lạc giữa trung tâm thành phố được dựng lên hồi năm 1919. Đài kỷ niệm này thể hiện sự trân trọng của người dân Enterprise đối với mọt đục quả - loài bọ hung đã để lại ảnh hưởng sâu sắc đối với nền nông nghiệp và kinh tế khu vực này.
Đài tưởng niệm mọt đục quả tại thành phố Enterprise, tiểu bang Alabama của Mỹ. |
Là loài đặc hữu của Mexico, mọt đục quả xuất hiện ở Alabama khoảng năm 1915 - thời điểm bông là cây trồng phổ biến nhất miền Nam nước Mỹ và nông dân Alabama lúc ấy chỉ quen trồng duy nhất một thứ là cây bông. Do đó, các con bọ ngoại lai "háu ăn" đã trở thành nỗi khiếp đảm cho toàn bộ nông dân trồng bông tại những khu vực bị chúng cắn phá.
Sau một năm, những nông dân mất mùa đã phải đem nhà đi cầm cố, để có tiền tiếp tục trồng bông và hy vọng vào một vụ mùa "hết bọ". Nhưng, khi những cây bông bắt đầu mọc, lũ bọ lại đến và ăn sạch. Đến năm 1918, nhiều người lâm vào cảnh trắng tay, và chỉ còn biết giương mắt bất lực nhìn lũ bọ ngấu nghiến tất cả.
Bất chấp hiện thực gần như tuyệt vọng đó, một người đã nhìn lại và xem nguy cơ trước mắt là cơ hội để chuyển diện tích đất trồng bông sang trồng đậu phộng. Thuyết phục được một chủ trang trại đang mắc nợ vì mất mùa, cả hai đã cùng trồng đậu phộng. Sau vụ mùa đầu tiên, họ đã trả hết nợ của 2 năm trước và giúp người dân xung quanh có thêm động lực để chuyển sang trồng đậu phộng cùng một số loại cây khác. Thậm chí, người dân còn quyết định nuôi thêm gia súc như heo hoặc gà trên những mảnh đất từng trồng bông.
Kết quả, đời sống của nhiều nông dân được cải thiện so với khi chỉ trồng bông. Dù sau này, cây bông đã được trồng trở lại, song nhờ "dịch bọ", những nông dân Alabama đã học được cách đa dạng hóa cây trồng - điều mang đến sự sung túc cho họ. Nên, để bày tỏ sự biết ơn đối với mọt đục quả, họ đã xây dựng một đài kỷ niệm bọ hung.
Trên bảng chỉ dẫn kế bên đài kỷ niệm có khắc dòng chữ: "Biết ơn sâu sắc mọt đục quả và những gì chúng đã làm với tư cách Sứ giả mang đến Thịnh vượng". Đứng sừng sững giữa trung tâm thành phố Enterprise, đài kỷ niệm này không chỉ là lời tri ân về sự thật rằng thảm hoạ có thể là chất xúc tác cho thay đổi, mà còn là lời nhắc nhở phải có tinh thần như thế nào trước nghịch cảnh.
… đến câu chuyện DN nhìn lại để bứt phá
Đương nhiên, mọi sự so sánh đều có điểm khập khiễng, và không cần phải đặt lên bàn cân mới thấy được mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 khủng khiếp như thế nào so với "dịch bọ". Tuy nhiên, bài học về cách vượt qua khó khăn và bứt phá thành công là không thay đổi.
Không thể xem Covid-19 là một yếu tố tích cực khi đại dịch đang tạo nên vô số thách thức và khó khăn không thể vượt qua đối với nhiều cá nhân, tổ chức. Song, "biến cố" này cũng là dịp để nhiều DN học cách thay đổi, học cách thích nghi, "nhìn lại" và "làm lại" để bứt phá. Đây cũng là nội dung xuyên suốt được các doanh nhân khách mời của toạ đàm "Bứt phá", thuộc khuôn khổ chương trình kỷ niệm 16 năm thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, chia sẻ.
Toạ đàm có sự tham gia của bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Gỗ An Cường, với điều phối viên là luật sư Nguyễn Hoàng Dương - Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn.
Các doanh nhân nhận hoa và kỷ niệm chương tại toạ đàm "Bứt phá", trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 16 năm thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn. |
Với việc PNJ đã hoàn thành gần 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 6 tháng đầu năm 2021 dù tình hình dịch bệnh khó khăn, bà Cao Thị Ngọc Dung nói: "Trong tình hình mới, trong giai đoạn mới, nếu chúng ta không tự làm mới mình, không tự thay đổi, thì không thể nào có sự bứt phá". Nữ Chủ tịch PNJ cũng khẳng định bứt phá không có nghĩa lúc nào cũng phải chạy tới trước, mà có thời điểm chúng ta cần dừng lại, nhìn lại bản thân để chuẩn bị cho sức bật mới.
"Tuy nhiên công việc này không đơn giản, và đòi hỏi mỗi người lãnh đạo phải nhìn lại bản thân mình cũng như dũng cảm từ bỏ những gì đã từng định hình nên mình trong quá khứ", bà Dung nói. Để nhìn lại cá nhân lẫn tổ chức một cách hiệu quả, nữ doanh nhân cũng chia sẻ việc tự đặt câu hỏi rằng "những điều trong quá khứ đã giúp làm nên bản thân và mang đến kết quả cho mình, nhưng liệu trong thời điểm hiện tại có còn phù hợp hay không?".
"Chúng tôi luôn luôn đổi mới, để có thể đi từ một đơn vị nhỏ trở thành công ty có vị trí hàng đầu châu Á. Năm 2020, chúng tôi chính thức nhận được giấy chứng nhận là DN xuất sắc nhất ngành kim hoàn châu Á. Nhìn lại mình sau 30 năm, dù chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu trong nước và châu Á, nhưng chúng tôi tuyệt đối không chủ quan", bà Dung nói, đồng thời cho biết tại PNJ, văn hoá DN là học tập liên tục và mỗi 5 năm lại tái cấu trúc 1 lần để nhân lực tự học hỏi, đánh giá.
"Làm lại" cần có sự chuẩn bị
Về sự chuẩn bị cần cho DN trước khi tiến lên, ông Lê Viết Hải cho rằng, nền tảng đổi mới sáng tạo là cần thiết. "Để DN có thể bứt phá, cần sự đổi mới sáng tạo một cách toàn diện, chứ không phải chỉ đơn thuần là xác định một sản phẩm, một thị trường mới hay công nghệ mới", Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nói.
Vị doanh nhân cho biết, điều ông trăn trở hơn cả là sự phát triển bền vững của DN, "chứ không phải chỉ phát triển mạnh mẽ trong một giai đoạn rồi sau đó lại đi thụt lùi". Theo đó, để phát triển bền vững, ông Hải cho rằng, yếu tố quan trọng vẫn là xây dựng một văn hoá DN hoàn thiện, tốt đẹp và toàn diện, dựa trên hệ giá trị cốt lõi.
"Thực sự, văn hóa DN không phải chỉ xây dựng bằng câu từ là được, mà phải như mưa dầm thấm lâu và những người lãnh đạo phải gương mẫu để qua đó phản ánh văn hóa DN của mình. Từ chính sách, hợp đồng, cách thức làm việc với các bên hay làm việc với nhau, cho đến cách ứng xử với nhau hay cách hoạt động, tất cả phải luôn phù hợp với giá trị cốt lõi đã định hình", ông Hải nói.
Cũng đề cập đến việc người lãnh đạo phải làm gương, doanh nhân Lê Đức Nghĩa khẳng định, khi DN muốn tái cấu trúc để bứt phá thì trước tiên người lãnh đạo "phải đi trước". "Tôi phải thay đổi chính bản thân tôi, từ cách làm, cách nghĩ, thì nhân viên mới có thể làm theo được".
DN nếu muốn bứt phá, đột phá, nhất định phải thay đổi từ bên trong |
Theo Chủ tịch Công ty CP Gỗ An Cường, cá nhân hay DN nếu muốn bứt phá, đột phá, nhất định phải thay đổi.
"Sáu năm qua, chúng tôi phát triển gấp 6 lần. Nếu chúng tôi không tái cấu trúc DN và không tái cấu trúc bản thân thì không thể nào làm được những việc như vậy. Chỉ sau khi chúng tôi tái cấu trúc, DN mới đi vào hoạt động một cách có nề nếp, phát triển rồi sau đó mới có thể kêu gọi đầu tư và giúp DN bứt phá", ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, vị doanh nhân cũng khuyên các SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) nên quan tâm đến sự minh bạch về tài chính và quan tâm đến lợi ích lâu dài là giá trị DN hơn là trốn thuế.
"Nếu chúng ta lãi được 10 tỷ, nhưng trên sổ sách chỉ có 1 tỷ, thì sẽ không nhà đầu tư nào bỏ tiền vào để đầu tư cho chúng ta. Hiện nay, có rất nhiều cách định giá DN, và một trong số đó là tỷ số P/E. Vậy, nếu chúng ta giấu lợi nhuận, thì chúng ta đang kéo tuột giá trị DN của chúng ta. Nếu chúng ta muốn đi đường dài, muốn kêu gọi đầu tư, kêu gọi quỹ, thì phải minh bạch", ông Nghĩa nói.
18 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 được đánh giá là phép thử khắc nghiệt đối với sức chống chịu của DN. Tuy nhiên, không thiếu tổ chức đã tìm ra hướng đi đúng đắn và thậm chí vươn lên nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và biết nắm bắt cơ hội. Dù Covid-19 có thể sẽ không biến mất như "dịch bọ" tại Enterprise, song với những DN biết "nhìn lại" và tái cấu trúc hợp lý, dựa trên nền tảng văn hoá vững vàng, cơ hội "bứt phá" chắc chắn sẽ đến.