Sự sụp đổ của Evergrande chỉ mới bắt đầu?
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 15/10/2021
Sức cám dỗ của mở rộng đa ngành
Trong những ngày đầu tháng 10, Evergrande đã phải bán hàng loạt tài sản để huy động tiền trả nợ, giữa lúc Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu các công ty quốc doanh mua lại tài sản của công ty này, bên cạnh việc trả nợ bằng các bất động sản mà công ty đang phát triển. Từ một đế chế phát triển bất động sản hàng đầu ở đại lục, Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn đã mở rộng phạm vi hoạt động sang nhiều ngành kinh doanh khác, từ tài chính, xe điện, cho đến những lĩnh vực chẳng mấy liên quan như giải trí hay bóng đá.
Cũng chính vì việc huy động vốn quá dễ dàng, không chỉ trong nước mà còn từ các nhà đầu tư quốc tế, nên những công ty tiền quá nhiều như Evergrande khó lòng cưỡng lại sức cám dỗ của việc phải tăng quy mô hoạt động và lấn sang những ngành nghề khác. Tuy nhiên, phát triển đa ngành chưa bao giờ là một điều dễ dàng với bất kỳ doanh nghiệp nào, vì vậy không có gì lạ khi các mảng kinh doanh mới của Evergrande ngày càng sa sút và thua lỗ.
Đơn cử như việc thành lập startup ô tô điện Evergrande NEV bị xem là một trong những sai lầm lớn của tỷ phú Hứa Gia Ấn, dù trước đó vị chủ tịch này từng mạnh miệng tuyên bố Evergrande NEV sẽ nhanh chóng vượt qua Tesla của tỷ phú Elon Musk tại thị trường Trung Quốc, bất chấp việc công ty này chưa hề có công nghệ cũng như kinh nghiệm sản xuất xe hơi.
Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, bên cạnh việc sử dụng startup ô tô điện làm phương tiện huy động vốn cho cả tập đoàn, Evergrande còn được lợi dụng để tiếp cận nguồn đất công. Tập đoàn này cam kết xây nhà máy ô tô điện 2,7 tỷ USD tại thị trấn Nam Thông gần Thượng Hải hồi năm 2019 để lấy được diện tích đất khổng lồ tại đây. Đến nay, nhà máy này vẫn chưa được xây.
Với khoản nợ hiện nay đã lên đến 305 tỷ USD, tập đoàn này đang đứng trước nguy cơ phá sản ngày càng hiện hữu. Những tuần vừa qua đã chứng kiến Evergrande không thể chi trả các khoản lãi vay đến hạn và phải tìm cách điều đình với chủ nợ. Tình hình bết bát trong hoạt động và nguy cơ mất thanh khoản của công ty này cũng gây áp lực lớn thị trường tài chính châu Á trong những tuần vừa qua.
Chỉ là mới bắt đầu
Dù các cơ quan quản lý Trung Quốc đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để ổn định tình hình, nhưng giới quan sát cho rằng Bắc Kinh khó lòng lựa chọn giải cứu doanh nghiệp này nếu như không muốn tạo một tiền lệ xấu, về một tập đoàn quá lớn nên không thể sụp đổ. Dù vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và cơ quan quản lý ngân hàng cho biết họ vẫn sẽ bảo vệ người mua nhà.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia phân tích cũng tin rằng sự sụp đổ dần của Evergrande chỉ là khởi đầu cho sự lao dốc của thị trường bất động sản, thậm chí làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng domino tiềm tàng đối với nền kinh tế và thị trường tài chính của Trung Quốc giai đoạn tới. Thực tế giữa cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande, các hãng xếp hạng tín nhiệm đã hạ bậc của hai tập đoàn bất động sản khác tại Trung Quốc là Fantasia Holdings và Sinic Holdings vì những rủi ro thanh khoản.
Cụ thể, Fantasia chưa thể trả nợ trái phiếu đến hạn vào ngày 4/10/2021, trong khi cổ phiếu của doanh nghiệp này đã giảm gần 60% trong năm nay và cũng đã bị ngưng giao dịch kể từ ngày 9/9/2021. Trong khi đó, Tập đoàn Sinic cũng đứng trước khả năng vỡ nợ đối với 246 triệu trái phiếu bằng USD đến hạn vào ngày 18/10/2021. Các công ty con của Sinic cũng không thể trả lãi trái phiếu 38,7 triệu USD đối với trái phiếu định danh bằng nhân dân tệ đến hạn vào ngày 18/9/2021.
Nhiều chuyên gia phân tích cũng tin rằng, sự sụp đổ dần của Evergrande chỉ là khởi đầu cho sự lao dốc của thị trường bất động sản, thậm chí làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng domino tiềm tàng đối với nền kinh tế và thị trường tài chính của Trung Quốc giai đoạn tới.
Vị thế tài chính của các tập đoàn bất động sản Trung Quốc khác cũng hứng chịu áp lực nặng nề sau khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra các quy định để siết cho vay với các công ty bất động sản. Các biện pháp này bao gồm áp tỷ lệ nợ trên dòng tiền, tài sản và vốn của công ty.
Những diễn biến trên lần nữa khiến mọi người lo ngại tình trạng nợ nần đang ăn sâu trong lĩnh vực bất động sản được mở rộng quá mức của Trung Quốc, khi chiếm đến 29% nợ quá hạn của các ngân hàng Trung Quốc trong quý II/2021. Lĩnh vực này rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc vì bất động sản và các ngành liên quan chiếm khoảng 30% GDP nước này.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo cú sụp của Evergrande có thể trở thành “khoảnh khắc Lehman” của Trung Quốc. Khoảnh khắc Lehman ý muốn nói tới sự phá sản của Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn - vốn là yếu tố châm gòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhà đầu cơ huyền thoại George Soros gần đây cũng cảnh báo vụ vỡ nợ của Evergrande có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ.
Thực tế, các nhà đầu tư phương Tây cũng đang tháo chạy khỏi các công ty Trung Quốc, khi lo ngại những rắc rối về chính trị cũng như sự bất ổn về chính sách và ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc trước nguy cơ lao dốc của thị trường bất động sản nước này. Mới đây, các đại diện từ Man Group, Soros Fund Management và Elliott Management đều tỏ ra lo ngại về triển vọng của thị trường chứng khoán Trung Quốc và cho biết đây không phải là thời điểm thích hợp để đầu tư vào Trung Quốc.