Cần chính sách tài khóa đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Trong nước - Ngày đăng : 05:55, 16/10/2021

TP.HCM cần chấp nhận số ca nhiễm Covid-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, chính quyền TP nên dùng khoảng 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng cho người lao động, áp dụng từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022.
Chủ tịch UBND TP.HCM nêu 3 vấn đề cho quá trình phục hồi kinh tế TP

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu 3 vấn đề cho quá trình phục hồi kinh tế TP. Ảnh: TTBC

Đây là những đề xuất tại hội thảo khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025" do UBND TP.HCM tổ chức sáng ngày 16/10/2021. 

Ba vấn đề cần tập trung và hai mục tiêu

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ TP chưa bao giờ gặp khó khăn như thời gian qua, khi phải gánh chịu tác động nặng nề từ đại dịch. Dù cơ bản đã kiểm soát được dịch, TP vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn  để kết quả hiện nay được bền vững. Theo ông, quá trình phục hồi kinh tế của TP cần tập trung vào ba vấn đề và ông mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học.

Thứ nhất là đánh giá và nhận diện xu hướng, diễn biến dịch; tác động tích cực, tiêu cực đến kinh tế thế giới và cả nước, đặc biệt là TP.HCM.

Thứ hai là làm sao giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế của TP.HCM với cả nước; đồng thời, giữ vị trí của mình trong mối tương quan với các thành phố trong khu vực và thế giới.

Trong giai đoạn ngắn hạn, TP sẽ tập trung vào công việc khẩn cấp nhưng cũng cần tính toán để bảo đảm vị thế của TP trong dài hạn.

Thứ ba, trong bối cảnh này, TP.HCM làm thế nào thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP.HCM đã đặt ra, phấn đấu có kết quả cao nhất có thể hay điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển TP.HCM cho rằng cần xác định rõ hai mục tiêu trước mắt:

Thứ nhất là nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, khôi phục sự gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường.

Thứ hai là thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng, gắn với chương trình "số hóa" và tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo ông Ngân, TP.HCM cần tập trung vào hai mục tiêu, trên cơ sở đánh giá tổng quan hiện trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa ở TP.HCM và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chấp nhận ca nhiễm tăng trong tầm kiểm soát

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Trường ĐH Y dược TP.HCM kiến nghị TP.HCM cần chấp nhận số ca nhiễm Covid-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.

Ông Đỗ Văn Dũng cho rằng, TP.HCM cần chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát (Ảnh TTBC)

PGS-TS Đỗ Văn Dũng - trường ĐH Y dược TP.HCM kiến nghị TP.HCM cần chấp nhận số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Ảnh: TCBC

Với tỷ lệ gần 100% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 và hơn 74% người dân đã tiêm đủ 2 mũi, ông Dũng cho rằng TP.HCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng.

Do vậy, theo ông Dũng, chính quyền TP nên bớt khắt khe trong các biện pháp chống dịch. Các biện pháp chế tài cực đoan có thể không phù hợp mà thay vào đó sử dụng biện pháp kiểm soát kinh tế sẽ hiệu quả hơn.

Để từng bước phục hồi kinh tế, ông Dũng kiến nghị TP.HCM cho phép các doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch và sử dụng biện pháp kiểm soát kinh tế để yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ.

Cần chính sách tài khóa đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Từ phân tích các số liệu kinh tế giảm sâu trong 9 tháng đầu năm, PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM cho rằng về tổng thể, quy mô nền kinh tế đang vận hành trong tháng 9 chưa đạt 50% so với trạng thái bình thường ở thời điểm cùng kỳ năm 2020.

Tình hình xấu đi rất nhiều trong tháng 8/2021, doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hằng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7/2021.

Một trong những gợi ý về các chính sách chủ lực để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế TP.HCM, ông Hoàng Công Gia Khánh nêu vấn đề chính sách tài khóa. 

Ông Hoàng Gia Khánh nêu đề xuất gói hỗ trợ lên đến 250.000 tỷ đồng (Ảnh TTBC_

PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Luật - đề xuất gói hỗ trợ lên đến 250.000 tỷ đồng. Ảnh: TCBC

Theo ông Khánh, ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, rất nhỏ để kỳ vọng các gói hỗ trợ này đủ mạnh để đạt hiệu quả phục hồi trọn vẹn.

“Do đó, chúng tôi đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ lên đến 250.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP. Đây là con số khả thi với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam”, ông Hoàng Công Gia Khánh đề nghị

Đối với TP.HCM, ông Khánh khuyến nghị cần sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói tức thời và gói kích thích đầu tư mang tính trung hạn từ các nguồn như tái phân bổ chi ngân sách, kiến nghị ngân sách trung ương cấp bổ sung, phát hành trái phiếu đô thị, chuyển nhượng tài sản công...

Về vấn đề nguồn lao động, ông Khánh cho biết chỉ tính riêng từ ngày 1/10 đến 7/10 đã có 141.462 người từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về các địa phương miền Tây qua cửa ngõ Long An và 43.000 người về Tây Nguyên qua cửa ngõ Bình Phước. Vì thế để giữ chân người lao động, ông Khánh đề xuất TP.HCM cần sử dụng ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng áp dụng từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022, chia làm hai giai đoạn: đến tháng 12/2021 và quý 1/2022. Ước tính quy mô gói hỗ trợ này khoảng 4.000 tỷ đồng, tương đương 0,29% GRDP của TP.

Cùng với đó, ông Khánh còn đề xuất phát triển chương trình nhà ở giá hợp lý, cần bảo đảm đa dạng các hình thức nhà ở, bao gồm cả sở hữu (mua nhà), thuê tài chính, thuê trọn đời, thuê dài hạn, thuê ngắn hạn, đáp ứng được cho các đối tượng, kể cả lao động tự do. Từ đó sẽ tạo điều kiện thu hút lao động quay trở lại TP.HCM và góp phần chỉnh trang đô thị.

Đồng thuận với đề xuất cần có một chính sách tài khóa, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - trường ĐH Fulbright, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nêu giải pháp song hành là chính sách tiền tệ.

Trong đó, về chính sách tiền tệ, tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, bảo đảm thanh khoản dồi dào. Chính sách tài khóa, kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao, tài trợ bằng trái phiếu chính phủ và khởi động một chương trình đầu tư công trung hạn (2022-2025). Nếu tiêm đủ vaccine trên cả nước vào trước Tết Nguyên đán 2022, thì tất cả các hoạt động kinh tế trong nước cần được mở lại ngay sau Tết và cũng bắt đầu luôn lộ trình mở cửa quốc tế.

Hội thảo đã nhận được 14 bài tham luận có chất lượng từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học gửi về. Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế thành phố, các tham luận nhìn nhận quy mô nền kinh tế chưa vận hành đến 50% trong tháng 9/2021, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực xuất hiện khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành so với tháng 8.

Các tham luận cũng nhận định, các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Điều này rất có thể sẽ khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng, tăng trưởng kinh tế suy giảm, cân đối ngân sách căng thẳng. Do đó, mức hỗ trợ của TP.HCM cần phải gia tăng mới đủ khả năng hồi phục.

Băng Tâm