Tình trạng khan hiếm chip có thể kéo dài 2-3 năm nữa
Quốc tế - Ngày đăng : 00:11, 16/10/2021
Dù phần lớn tin tức về tình trạng khủng hoảng chip tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp ô tô, song thực tế là hàng loạt ngành công nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng. |
"Tuy nhiên, nếu những lệnh trừng phạt thương mại và kinh tế giữa các quốc gia tiếp tục thì mọi chuyện sẽ hết sức khó đoán", Jia Shaoqian - Chủ tịch của Hisense, một trong những nhà sản xuất hàng gia dụng và tivi lớn nhất Trung Quốc, nhận xét.
Trên thực tế, hầu như không có giải pháp nhanh chóng nào cho tình trạng khan hiếm chip ở thời điểm hiện tại, và thế giới sẽ cần các khoản đầu tư đáng kể vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu trong những năm tới. Trả lời CNBC, Chủ tịch Hisense dự báo tình trạng khan hiếm chip trên thế giới có thể kéo dài thêm 2-3 năm nữa mới chấm dứt.
Không chỉ Jia, nhiều nhà sản xuất ô tô cùng các chuyên gia phân tích khác giờ đây cũng cho rằng tình trạng trên sẽ còn kéo dài với tác động ngày càng đáng kể, trái ngược với quan điểm ban đầu cho rằng tác động của việc khan hiếm chip sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và hạn chế.
Năm qua, cuộc khủng hoảng nguồn cung chip toàn cầu đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất của nhiều ngành công nghiệp. Với sự tiến bộ về mặt công nghệ của nhiều lĩnh vực, chất bán dẫn thực sự đã trở thành "trái tim" của hàng tỷ sản phẩm, từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng, ô tô, thiết bị gia dụng, dược phẩm, công nghệ nông nghiệp, ATM và hơn thế nữa.
Tất cả thành phần như mạch tích hợp, vi mạch, bóng bán dẫn và cảm biến điện tử đều được chế tạo bằng vật liệu bán dẫn. Chúng cho phép máy móc thực hiện các chức năng chính như điều khiển hoạt động, xử lý dữ liệu, lưu trữ, quản lý đầu vào và đầu ra, cảm biến, kết nối không dây và hơn thế nữa. Thế nên, dù phần lớn tin tức về tình trạng khủng hoảng chip tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp ô tô, song thực tế là hàng loạt ngành công nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng.
Với Hisense - tập đoàn sản xuất tivi và thiết bị gia dụng được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, Jia nói họ cũng đã bắt đầu cảm nhận rõ rệt tác động từ cuộc khủng hoảng này, khi chi phí sản xuất đội lên nhưng hoạt động kinh doanh vẫn như cũ. "Hisense sản xuất đồ gia dụng và hàng tiêu dùng nên cần những con chip khá đơn giản. Dù nguồn cung chip bị thắt chặt và chi phí ngày càng cao hơn, nhưng hoạt động kinh doanh vẫn bình thường", Jia cho biết.
Đáng chú ý, chất bán dẫn còn là một trong những vấn đề gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Về phần mình, Mỹ đã tìm cách loại nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC ra khỏi các sản phẩm công nghệ của nước này. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố nữa dẫn đến tình trạng thiếu hụt chip, như nhu cầu thiết bị điện tử tiêu dùng tăng lên do giãn cách xã hội, thương chiến Mỹ - Trung khiến nhiều công ty Trung Quốc tăng tích trữ chip lẫn các thiết bị liên quan.
Và dù chính phủ các nước đang gấp rút tăng cường năng lực sản xuất chip của mình, song thực tế là các nhà máy sản xuất chất bán dẫn không thể mở cửa trong một sớm một chiều. Ondrej Burkacky - đối tác cấp cao của hãng tư vấn McKinsey, nói: "Việc xây dựng một nhà máy chip mới cần có thời gian, lên tới hơn 2 năm rưỡi. Vì vậy, hầu hết các hoạt động mở rộng đang bắt đầu từ bây giờ sẽ không tăng công suất khả dụng cho đến năm 2023".