Nguyễn Phan Quế Mai: Như cái cây đã bắt rễ thật sâu vào Việt Nam

Đời thường - Ngày đăng : 04:02, 23/10/2021

Tôi như một cái cây đã bắt rễ thật sâu vào Việt Nam. Đất Việt đã nuôi dưỡng tôi bằng vô số thành ngữ và tục ngữ thông qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Như một hệ quả, thành ngữ, tục ngữ và những hình ảnh sử dụng trong The Mountains Sing là một phần vốn từ vựng tiếng Việt của tôi”, Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ...
nguyen-phan-que-mai-02-2058-1634615863.j

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai

Góp phần giúp thế giới hiểu người Việt 

The Mountains Sing là tiểu thuyết tiếng Anh đầu tay của Nguyễn Phan Quế Mai, kể về một gia đình người Việt qua nhiều thế hệ. Qua góc nhìn và lời kể của những người phụ nữ trong gia đình, Việt Nam hiện ra với nạn đói, chiến tranh, những mất mát nhưng sau cùng vẫn là hy vọng và lòng nhân ái.

Tác phẩm đã giành nhiều giải thưởng quốc tế như giải nhì Giải thưởng Văn học vì hòa bình Dayton 2021, Giải thưởng Sách Quốc tế 2021 ở hạng mục Tác phẩm văn chương hư cấu và Đa văn hóa hư cấu (The 2021 International Book Awards, Giải PEN Oakland/Giải thưởng Văn chương Josephine Miles 2021) cùng một số giải thưởng khác.

“Người Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm, đến nỗi chuyện của mỗi gia đình đều có thể viết thành một bộ sách. Trong nhiều năm, tôi đã muốn viết một cuốn sách không chỉ về những gì gia đình tôi đã trải qua, mà còn là chuyện của nhiều gia đình khác. Tôi muốn tạo ra một không gian thật sự Việt Nam, từ tính cách, ngôn ngữ, thơ ca, văn hóa”, Nguyễn Phan Quế Mai trả lời câu hỏi của Hoopla Digital.

“Tôi cũng đáp trả các bộ phim Hollywood và tiểu thuyết của các tác giả phương Tây - những người vẫn chỉ thấy đất nước chúng tôi như là vùng đất của chiến tranh, còn người Việt Nam là những kẻ không cần cất tiếng nói, hoặc nếu có thì nghe có vẻ đơn giản, ngớ ngẩn, tàn nhẫn hoặc cơ hội. Đã có những tác phẩm viết bằng tiếng Anh về Việt Nam nhưng lại thiếu tiếng nói của chính người Việt Nam”, Nguyễn Phan Quế Mai tâm sự. 

Trong The Mountains Sing, với mong muốn đưa tiếng nói, hình ảnh, văn hóa Việt Nam đến gần hơn với thế giới, Nguyễn Phan Quế Mai lồng ghép thành ngữ, tục ngữ vào tác phẩm, có nhiều từ tiếng Việt tác giả cố ý giữ nguyên, không dịch sang tiếng Anh, chẳng hạn “nón lá”.

“Bằng cách lật mở trang đầu tiên của The Mountains Sing, bạn cũng sẽ mở cánh cửa đến một Việt Nam chân thực nhất, nơi những câu tục ngữ được dùng phổ biến trong đời sống hằng ngày, nơi những khúc hát ru và thơ ca được hát lên. Bạn cũng sẽ được trải nghiệm nhiều sắc thái, sự phong phú và phức tạp của văn hóa đất nước tôi, bắt đầu từ cái tên Việt Nam và ngôn ngữ”, Nguyễn Phan Quế Mai tự hào chia sẻ.

Ôm mộng văn chương giữa vùng quê nghèo

Nguyễn Phan Quế Mai sinh năm 1973 tại Ninh Bình. Năm 6 tuổi, chị theo gia đình chuyển vào Bạc Liêu. Lớn lên trong thời hậu chiến, Mai chứng kiến hậu quả tàn khốc của chiến tranh. “Khi còn là một đứa trẻ, tôi đứng trên những con đường đất nơi làng quê của tôi ở Việt Nam, nhìn vào sự tàn phá hiện hữu xung quanh, cũng như những người đã mất các thành viên trong gia đình, hoặc mất chính tay, chân của họ”, lời mở đầu của Mai được đăng tải trên trang web Giải thưởng Văn học vì hòa bình Dayton. “Những cuốn sách giúp tôi tạm thoát ra khỏi cảnh tuyệt vọng và đói nghèo. Gia đình tôi chuyển từ miền Bắc vào miền Nam chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc... Tôi hiểu được nguyên nhân sâu xa đã chia rẽ các gia đình và đất nước tôi”.

Năm lên 10, Mai lén gia đình gửi bài tham dự một cuộc thi viết và giành được giải thưởng. Bố mẹ cô không ủng hộ con gái theo nghiệp văn chương. Giữa cảnh khốn khó của gia đình, Mai gác lại giấc mơ viết lách. Cô sẵn sàng làm nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống, từ làm ruộng, bán rau đến bán thuốc lá dạo trên đường phố.

the-mountains-sing-Copy-1216-1634615863.

Bìa tiểu thuyết The Mountains Sing được phát hành tại Anh Quốc

Và mặc dù The Mountains Sing giành nhiều giải thưởng quốc tế, có một sự thật là Mai đã không được học tiếng Anh cho đến năm lên lớp 8. “Với một học sinh vừa làm ruộng, vừa bán hàng rong như tôi, thế giới phương Tây thật bí ẩn, chỉ thấy được trong những bộ phim đen trắng chiếu ngoài trời mà đôi khi tôi được xem trong lúc bán thuốc lá dạo... Thi thoảng, tôi ngồi dưới bóng cây quanh ao cá, nhìn chằm chằm vào những chữ tiếng Anh trong tập vở mà tôi lén lấy của người anh. Tôi cảm thấy đằng sau những từ kỳ lạ đó có những cánh cửa nhiệm màu và nếu biết cách mở ra, tôi có thể bước vào một thế giới thật rộng lớn”, Mai hồi tưởng.

Hướng về quê nhà

Năm 1992, Nguyễn Phan Quế Mai giành được học bổng của Chính phủ Úc và tốt nghiệp thủ khoa Khoa Quản lý và Quản trị kinh doanh Đại học Monash.

Sau tốt nghiệp, lĩnh vực hoạt động chính của Mai là truyền thông phát triển, truyền thông lồng ghép giới (Gender Mainstreaming) và làm phim hay media. Cô hợp tác cùng một số chương trình tại Việt Nam và các nước, với cơ quan chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ địa phương, các cơ quan quốc tế như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO), Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UN Vietnam). Thông qua công việc và các chương trình ấy, cô góp phần vào việc xây dựng và phát triển Việt Nam và khu vực châu Á.

Từ tháng 11/2007, Nguyễn Phan Quế Mai trở thành người đứng đầu Ban Cố vấn của nhóm tình nguyện Chắp cánh ước mơ (Making Dreams Come True) do cô sáng lập với hơn 100 tình nguyện viên hỗ trợ tinh thần và tâm lý cho hơn 3.000 bệnh nhi ung thư điều trị tại Bệnh viện K Tam Hiệp và Bệnh viện Nhi Trung ương.

Dù bận rộn, Mai vẫn không quên ước mơ viết lách từ năm lên 10. Cô bắt đầu viết từ năm 2006 và xuất bản một số tập thơ bằng tiếng Việt, như Trái cấm (2008), Cởi gió (2010), Những ngôi sao hình quang gánh (2011), Tổ quốc gọi tên mình (2015). Cô còn dịch sách, một số ấn phẩm được độc giả đón nhận, trong đó phải kể đến tập truyện ngắn Bay lên (2018) do NXB Phụ nữ ấn hành gồm tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng như Margaret Atwood, Viet Thanh Nguyen và Junot Díaz.

Cùng với chồng và hai con, Nguyễn Phan Quế Mai không sống ở một nơi cố định mà di chuyển qua nhiều quốc gia như Bangladesh, Philippines, Bỉ, Indonesia và tất nhiên không thể thiếu Việt Nam. 

Thùy Chi