Danh tướng - Các nhà cầm quân vĩ đại nhất trong lịch sử

Sách hay - Ngày đăng : 08:00, 25/10/2021

Cuốn sách "Danh tướng - Các nhà cầm quân vĩ đại nhất trong lịch sử" đưa ra cái nhìn mới về giới lãnh đạo quân sự, những người đã làm nên lịch sử bằng những trận chiến trên bộ, trên biển, cũng như trên không, từ Alexander Đại Đế, nhà chinh phạt lẫy lừng của thế kỉ 4 TCN, tới chư tướng dẫn dắt các chiến dịch ở Afghanistan và Iraq ngày nay.
Danh tướng - Các nhà cầm quân vĩ đại nhất trong lịch sử

Tác giả cuốn sách "Danh tướng - Các nhà cầm quân vĩ đại nhất trong lịch sử" R. G. Grant là nhà viết sách lịch sử. Ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm, nhiều trong số đó liên quan đến chiến tranh và quân sự. Các chủ đề của ông bao gồm cách mạng Hoa Kỳ, Thế chiến I, Thế chiến II, và chiến tranh Việt Nam. Ông là tác giả các cuốn Chiến trận, Bay, Hải chiến và Chiến binh do DK xuất bản. Giới thiệu về cuốn sách, R. G. Grant khẳng định, dù hoàn cảnh lịch sử thế nào, điều binh khiển tướng luôn là một trọng trách phức tạp.

Thời kì Nội chiến Hoa Kỳ, Tổng thống Lincoln ca ngợi Tướng Grant, xem ông như không thể thay thế, đơn giản vì “hắn biết đánh.” Nhưng cầm quân không chỉ có đánh trận. Vị chỉ huy còn phải biết huấn luyện binh sĩ, duy trì sĩ khí, bảo đảm hậu cần, quân nhu, khiến người ngựa luôn no, máy móc được bảo dưỡng. Ngoài ra, cũng phải thu thập tình báo, phân tích thông tin, hoạch định kế sách, phương lược, rồi khúc chiết truyền đạt lại cho cấp dưới. Chỉ huy giỏi biết thắng mới đánh, còn cứ xua quân ra, năm ăn năm thua, thì dù giành thắng lợi, chưa được coi là tài. Dĩ nhiên, những vị tướng táo bạo, dám chấp nhận rủi ro như Alexander Đại Đế, Richard Sư Tử Tâm và George Patton, luôn được chú ý nhiều. Song le, nhiều nhà quân sự lỗi lạc lại sở hữu tính cách khác hẳn chư vị trên, như Dwight D. Eisenhower luôn điềm tĩnh, khôn khéo trong giao tiếp, hay Moltke Lớn, người thông thái, chú trọng việc hàm dưỡng tính tình. 

Thập niên 1960, Moshe Dayan, vị tướng nổi tiếng của Israel, từng viết sách, nuối tiếc “những ngày cũ huy hoàng”, khi bên bờ chiến trận, “tướng quân lên lưng bạch mã, phi nước đại thẳng tiến quân thù, giữa tiếng kèn trận âm vang.” Thật vậy, thời Cổ đại, Alexander Đại Đế hoàn toàn có thể dẫn đầu đoàn Chiến Hữu Kị Binh, đích thân xông pha chiến địa. Ngay những nhà cầm quân điềm đạm hơn, Julius Caesar chẳng hạn, cũng ở sát tiền tuyến, đủ gần để hô hào động viên binh sĩ. Đến tận thế kỉ 19, vị chỉ huy vẫn dựng trại ngay sau sa trường, để tiện dùng ống nhòm theo dõi toàn bộ chiến cuộc. Nhưng rồi quy mô quân đội ngày càng lớn, súng ống hiện đại ra đời, sức công phá ngày càng mạnh, tầm bắn ngày một dài. 

Thêm vào đó, các phương tiện truyền thông mới, như điện thoại và đài vô tuyến, giúp tướng lĩnh có thể chỉ đạo từ xa. Tới đầu thế kỉ 20, tướng Đức Alfred von Schlieffen dự báo: trong tương lai, “chỉ huy sẽ ngồi tại hậu phương, giữa căn nhà với đủ văn phòng rộng rãi, chễm chệ trên ghế êm, trước bàn làm việc lớn.” Tuy nhiên, chắc von Schlieffen cũng không tưởng tượng được rằng 100 năm sau, năm 2001, ngay từ tổng hành dinh ở Florida, tướng tá Hoa Kỳ có thể chỉ đạo chiến dịch tại Afghanistan.

Moshe Dayan nuối tiếc cũng phải, vì hệ thống quản lí quân đội hiện nay đã trở nên quá phức tạp, đến nỗi rất khó xác định ai là chỉ huy một chiến dịch cụ thể nào đó. Hannibal thống lãnh quân đoàn Carthage trong chiến dịch Italy vào thế kỉ 3 TCN; Nelson thống lãnh hạm đội Anh tại Trafalgar năm 1805; những điều ấy đã quá rõ, không phải nghi ngờ. Song ở trận Passchendaele, Thế chiến I, tuy là chỉ huy thực địa, tướng Canada Arthur Currie lại dưới quyền tướng Anh Herbert Plumer; bản thân Plumer cũng dưới quyền Thống chế Douglas Haig. Cuốn sách này cố gắng xác định và chỉ viết về những chỉ huy hải – lục – không quân thực sự. Những ai cấp bậc quá thấp, hoặc cao nhưng chỉ trên danh nghĩa, đều bị loại bỏ. Từ thế kỉ 18 trở về trước, chỉ huy quân đội thường cũng là lãnh đạo chính trị, song lãnh đạo chính trị nào không đích thân cầm quân, thì dù có can thiệp việc binh nhung, vẫn không được tính.

Trong kỉ nguyên hiện đại, sự kính ngưỡng dành cho các nhà quân sự có phần giảm sút. Khi xưa không ai không phục Alexander Đại Đế và Julius Caesar, còn nay, người ta xét lại, vạch ra dã tâm quyền lực, nhấn mạnh các cuộc thảm sát do họ gây nên. Tuy vậy, những nhân vật trong sách này, ai nấy đều thể hiện được, không ít thì nhiều, một số đức tính của con người, như ngoan cường, quyết đoán, dũng cảm can trường, không ngại khó khăn, có tình huynh đệ chi binh, và sẵn sàng đảm đương trách nhiệm lớn. Những đức tính thượng võ ấy, rất có thể, cần thiết cho ta hơn ta vẫn tưởng. Và tương lai sẽ cho thấy câu trả lời. 

Cuốn sách bao gồm thông tin tiểu sử và hình ảnh tướng lãnh, bản đồ trận đánh và chi tiết sống động về các cuộc hành quân. Đây là cẩm nang bằng hình giúp bạn tìm hiểu về các thiên tài quân sự trên thế giới.

Cuốn sách "Danh tướng - Các nhà cầm quân vĩ đại nhất trong lịch sử'  của tác giả R. G. Grant. Dịch giả Nguyễn Minh. Sách do Nhà xuất bản Dân trí xuất bản. Đơn vị phát hành là Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A.

Mời quý bạn đọc tham gia Bình chọn "Top 10 quyển sách đáng đọc năm 2021" >>>Tại Đây

DNSG