Công nghiệp xây dựng có thể thành ngành kinh tế mũi nhọn
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:47, 25/10/2021
Ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam có tốc độ phát triển thần kỳ trong thời gian qua. Từ chỗ không có thiết bị xây dựng, công nhân không có thiết bị bảo hộ lao động, nhưng nay áp dụng tiêu chuẩn quốc tế với trình độ cao hơn nhiều nước trong khu vực. Không chỉ dịch vụ xây dựng với tổng thầu xây dựng phát triển nhanh chóng mà ngành vật liệu xây dựng cũng thế.
Năm 2020, dù bị ảnh hưởng Covid-19 nhưng tổng giá trị sản lượng của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đạt 22 tỷ USD, chiếm 6,57% GDP của cả nước. Cụ thể, ngành xi măng có 86 dây chuyền sản xuất hiện đại, tổng công suất 106 triệu tấn nhưng năng lực sản xuất lên đến 120 triệu, đứng thứ 5 thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ. Sản lượng của năm 2020 là 104 triệu tấn, đứng thứ ba thế giới về năng lực thực tế (sau Trung Quốc và Ấn Độ).
Năm 2005, ngành gốm sứ (gạch ốp lát và thiết bị sứ vệ sinh) trước đây nhập khẩu từ các nước Ý, Tây Ban Nha, Ấn Độ... nhưng nay đã đạt đến 575 triệu mét vuông /năm, trên công suất thiết kế 850 triệu mét vuông /năm. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, gạch ốp lát Việt Nam đứng thứ 4 thế giới với 602 triệu mét vuông. Hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ sản xuất gạch cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Điều đáng nói là sản lượng xuất khẩu nằm ở top 25 thế giới. Mảng kính xây dựng, trước chỉ có 1-2 nhà máy chất lượng kém nhưng nay đạt công suất thiết kế đạt 308 triệu mét vuông, đang đứng top 5 các nước ASEAN.
Những điều này cho thấy, ngành vật liệu xây dựng đang có những bước tiến vượt bậc, trở thành “ông lớn” trong bản đồ vật liệu xây dựng toàn cầu.
Trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp xây dựng, ngành chế biến gỗ cũng mang lại chỗ đứng nhất định cho Việt Nam trên trường thế giới. Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Chủ tịch Tập đoàn AA cho rằng, cũng như xi măng, đồ gỗ Việt Nam cũng đứng thứ 5 thế giới (sau Trung Quốc, Đức, Ý và Ba Lan), đứng thứ nhì châu Á và đứng đầu Đông Nam Á.
Năm 2020, ngành đồ gỗ đạt kim ngạch 12,7 tỷ USD. Năm 2021, Việt Nam đặt kỳ vọng gần 15 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đã tăng đến 62% so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 9, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ vẫn đạt 11 tỷ USD và có khả năng đạt 14,5 tỷ USD trong năm nay.
Theo ông Lê Viết Hải - Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Hòa Bình: “Tổng giá trị gia tăng của ngành xây dựng, sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội ngoại thất là khoảng 26% trên GDP cả nước. Nhưng Việt Nam không thể tiếp tục bán lẻ những sản phẩm vật liệu xây dựng và xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng. Việt Nam phải đưa những sản phẩm hoàn chỉnh là các công trình chứ không phải là bán nguyên vật liệu để làm nên công trình đó. Việt Nam có những kiến trúc sư giỏi, có vật liệu xây dựng cạnh tranh, những nhà thầu chuyên ngành mang đến những sản phẩm với năng lực cạnh tranh cao. Bằng việc kết hợp chuỗi cung ứng dịch vụ trong xây dựng cùng với nhà thầu đưa ra nước ngoài, Việt Nam có thể xuất khẩu những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng cao. Đây là triển vọng mà ngành xây dựng đang hướng đến.
“Chúng ta đang có năng lực cạnh tranh ở chuỗi cung ứng và dịch mà chưa biết cách khai thác. Giờ đã đến lúc phải liên kết, hợp tác với nhau để phát huy được năng lực cạnh tranh của tất cả các bên trong chuỗi giá trị của ngành xây dựng. Chúng ta sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho đất nước”, ông Lê Viết Hải nói.
Một lợi thế nữa của ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam là chúng ta đang sở hữu đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên tay nghề cao với số lượng gấp ba lần mức bình quân của thế giới. Trong khi mức bình quân trên thế giới là 3.000 kỹ sư/1 triệu dân thì tỷ lệ này ở Việt Nam là 9.000 kỹ sư/1 triệu dân. Với nguồn nhân lực này, Việt Nam có thể xác định mục tiêu làm gấp ba lần so với thực tế.