Bắc Giang hút lao động trở lại sau dịch thế nào?
Pháp luật - Ngày đăng : 05:00, 25/10/2021
Công nhân quay trở lại các nhà máy ở Bắc Giang làm việc sau dịch bệnh. Ảnh VGP/Thiện Tâm |
Để thu hút lao động quay trở lại làm việc sau khi khống chế được đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng công nhân, lao động trong và ngoại tỉnh quay lại các khu công nghiệp, coi đây là "lực lượng tuyến đầu tạo ra của cải, vật chất" cho nên được ưu tiên cao nhất, để có điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết: "Trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch Covid-19, số ca nhiễm tăng nhanh, lây lan rộng trong các doanh nghiệp (DN), khu công nghiệp có đông người lao động làm việc, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp (Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê-Nội Hoàng) để phòng, chống dịch. Thời điểm đó có hơn 150.000 lao động tạm thời ngừng việc".
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn kiểm tra tình hình sản xuất tại doanh nghiệp. Ảnh VGP/Thiện Tâm |
Khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh quyết định mở cửa trở lại các khu công nghiệp, tuy nhiên DN đã gặp nhiều khó khăn do chưa đón đủ số công nhân đến làm việc theo nhu cầu. Nguyên nhân thiếu hụt lao động là do nhiều DN sử dụng lao động ngoại tỉnh, trong khi đó số lao động này đã trở về địa phương cư trú. Hơn nữa, tâm lý e ngại của người lao động khi quay trở lại làm việc lại lo sợ lây nhiễm dịch bệnh nên gây ra khó khăn cho DN.
Chính vì vậy, để thu hút lao động, hạn chế những khó khăn đã được lường trước, ngay trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập các tổ công tác hỗ trợ DN khôi phục sản xuất. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên tiêm phòng cho 100% công nhân có mặt tại khu công nghiệp và đang lưu trú tại các địa phương của tỉnh để công nhân yên tâm đi làm.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc phòng, chống dịch Covid-19 tại các DN sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định cụ thể các nội dung về điều kiện để DN được hoạt động như thành lập Tổ an toàn Covid-19, định kỳ xét nghiệm cho người lao động, yêu cầu người lao động phải tiêm vaccine phòng Covid-19, ban hành điều kiện tuyển dụng công nhân mới…
Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo Sở Lao động Thương binh & Xã hội, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh cho người lao động trên địa bàn nắm được. Tổng hợp nhu cầu tìm việc làm của người lao động và định kỳ thứ năm hằng tuần cung cấp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm.
DN tuyển lao động theo thứ tự ưu tiên sẽ tuyển lao động đang ở các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh; tuyển lao động trong tỉnh; tuyển lao động ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng còn lập nhóm Zalo của người Bắc Giang đang làm việc tại các tỉnh, thành phố để mời gọi về làm việc tại tỉnh.
Theo ông Mai Sơn, điều này đã tạo ra sự gắn bó giữa tỉnh với công nhân lao động và mang tính bền vững (vì công nhân ăn nghỉ ngay tại chính nhà, quê hương của họ…). Các tỉnh, thành khác không phải lo vấn đề hậu cần, an sinh xã hội khi công nhân quay trở lại để làm việc. Đây là điểm thu hút lao động của Bắc Giang mà tỉnh đã tính toán và đã làm rất hiệu quả vấn đề này.
"Khi lao động các tỉnh ngoài chưa về Bắc Giang thì lực lượng lao động của Bắc Giang đã bù đắp vào số lượng này rồi, số lao động tăng trước dịch là hơn 36 nghìn lao động, Bắc Giang không bị thiếu lao động trầm trọng mà còn tăng hơn so với trước dịch", ông Sơn cho biết thêm.
Công nhân quay trở lại các nhà máy ở Bắc Giang làm việc sau dịch bệnh. Ảnh VGP/Thiện Tâm |
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng khuyến khích DN nâng cao mức lương, thưởng và các chế độ phúc lợi đối với người lao động nhằm giúp người lao động ổn định tư tưởng, yên tâm trong sản xuất khi quay trở lại làm việc sau dịch.
Đồng thời hỗ trợ giải quyết khó khăn trong việc bố trí chỗ ở tập trung (thuê trọ) cho người lao động (cụ thể là chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp hỗ trợ DN trong việc rà soát các nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp).
Đối với vấn đề thu hút lao động ngoại tỉnh, Bắc Giang tạo điều kiện cho 100% số công nhân được tiêm vaccine Covid-19, bởi Bắc Giang xác định công nhân là lực lượng tuyến đầu để tạo ra của cải vật chất cho nên được ưu tiên cùng với lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, Bắc Giang đã nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhiều DN đã hoạt động ổn định trở lại.
Tính đến nay, tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn Bắc Giang đã hoạt động trong trạng thái bình thường, có hơn 186.000 lao động thực tế đang đi làm, tăng 36.000 lao động so với thời điểm dịch bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.
Theo ông Mai Sơn, từ ngày 2/9, Bắc Giang không có ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh khôi phục sản xuất trong các khu công nghiệp.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trường kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang duy trì tăng trưởng khá, đạt 5,5% (quý 2 giảm 6,8%, quý 3 tăng 6,7%); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 207 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh Bắc Giang thu hút được hơn 853 triệu USD vốn đầu tư quy đổi; thu hút FDI của tỉnh xếp thứ 7 trong cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt dự toán giao, tổng thu nội địa đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng, tăng 53,5% so với cùng kỳ, vượt 4,1% dự toán năm…
Dự kiến, GRDP quý 4 của tỉnh Bắc Giang sẽ tăng hơn 10% và cả năm sẽ tăng khoảng 7%. Kết quả đó đã tạo thêm vị thế mới cho tỉnh Bắc Giang, cho thấy sự nỗ lực, đoàn kết cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ - Tựa bài do DNSG đặt lại)