Thu hút người lao động về TP.HCM: Giúp họ an cư lạc nghiệp

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 03:22, 28/10/2021

Cả triệu người lao động nhập cư đã rời TP.HCM bởi “dư chấn Covid” khiến doanh nghiệp (DN) thiếu lao động cho tái sản xuất kinh doanh. Vì vậy, để thu hút người lao động trở lại, chính quyền TP.HCM cần có giải pháp dài hạn, trong đó cấp thiết nhất là việc xây dựng nhà ở xã hội dành cho họ, vì quan niệm xưa nay của người Việt là có “an cư” mới “lạc nghiệp”.
Thu hút người lao động về TP.HCM: Giúp họ an cư lạc nghiệp

Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp thu hút người lao động trở lại TP.HCM” tối 27/10 do Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện nghiên cứu TP.HCM, CLB Các Nhà kinh tế (VEC) và Nhóm chuyên gia hiến kế cho TP.HCM thực hiện mục tiêu kép, cộng đồng DN cho rằng ngoài các chính sách ngắn hạn thu hút người lao động quay lại, TP cần có những giải pháp dài hạn, trong đó cấp thiết nhất là xây dựng nhà ở xã hội dành cho họ. 

“O bế” người lao động

Tái khởi động, chuẩn bị cho nhu cầu thị trường cuối năm, các DN đang khát lao động. Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong quý IV/2021, các DN ở TP.HCM cần từ 43.654-56.869 lao động, bao gồm trung tâm thương mại (23%), dịch vụ trong đó có dịch vụ bảo vệ (11,53%), công nghệ thông tin (7,52%), cơ khí tự động hoá (hơn 5%), vận tải kho bãi (5%)…

Trong số này, lao động qua đào tạo chiếm đến trên 87,19%. Cụ thể, lao động có trình độ đại học chiếm 21,07%, cao đẳng 18,81%, trung cấp 26%, sơ cấp gần 20%, còn lại là lao động chưa qua đào tạo. 

Nhu cầu lao động tăng nhưng trong thời gian qua, số lượng lao động trở về địa phương nhiều nên việc sản xuất kinh doanh thiếu hụt lao động trầm trọng. Những người đã về quê thường chọn cách kiếm việc làm ở địa phương hoặc đổi DN khác. Để thu hút người lao động trở lại TP.HCM, nhiều DN đang rất “o bế” công nhân. 

Ông Phan Kỳ Quang Triết - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, hiện có nhiều DN tạo cơ chế đãi ngộ tốt cho người lao động. Bên cạnh chính sách an sinh của nhà nước, nhiều DN đã chủ động thu hút và giữ chân người lao động như "đặt hàng” các nhóm trẻ, nhà trẻ giữ con cho công nhân; liên hệ với các trường đào tạo nghề, đưa sinh viên năm 2 năm 3 về thực tập, bù cho lực lượng lao động thiếu hụt...

nha-may-9951-1635391999.jpg

Cần ưu tiên cho người lao động tay nghề cao 

Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch CLB DN Tam Nông, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, trong 3 tháng cuối năm, DN thường chọn 2 giải pháp: một là khôi phục nhanh để tổ chức sản xuất phục vụ Tết; hai là tạm dừng hoạt động và qua năm tính tiếp. Trong ngắn hạn, TP nên tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động để họ quay trở lại, chẳng hạn như hỗ trợ tiền lưu trú trong 2-3 tháng đầu cho công nhân. Chính sách này nên thực hiện thông qua các DN để số tiền hỗ trợ đến tay người lao động nhanh nhất.

“Vấn đề của TP hiện nay là kích thích DN hoạt động trở lại. TP.HCM là vùng đất thu hút lao động, vì thế, nếu kinh tế phục hồi thì người lao động sẽ nhanh chóng quay trở lại”, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ nói.

Cần chính sách giúp người lao động an cư lạc nghiệp

Cũng theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, bên cạnh chính sách ngắn hạn, TP cần có chính sách dài hạn, căn cơ hơn. Muốn người lao động trở lại lâu dài, có mấy vấn đề TP cần giải quyết mạnh mẽ hơn, đó là giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động, tạo cho họ có riêng không gian tối thiếu. Trên thực tế, có những người đã làm việc ở TP.HCM cả 20 năm nhưng vẫn chưa mua được nhà ở. Vì thế, chính quyền TP cần xây dựng từ 1-2 triệu căn nhà ở xã hội và có chính sách cho vay hợp lý để người lao động có thể mua nhà trả góp. Được như vậy người lao động mới yên tâm cống hiến, gắn bó với công việc và thành phố.

“Điều mong muốn nhất của chúng tôi là lực lượng lao động nòng cốt của DN phải có chỗ ở. Vì có an cư họ mới có thể lạc nghiệp. Nếu TP có chính sách này, các DN chúng tôi sẽ có chương trình hỗ trợ để người lao động có thể mua nhà trả góp, thậm chí chúng tôi sẽ mua những căn nhà ở xã hội để thưởng cho người lao động làm việc tốt”, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ chia sẻ. 

Cùng quan điểm này, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hoà Bình cho rằng, TP cần phải làm sao để người lao động xem TP.HCM là quê hương thứ hai của mình, đừng để họ lo sợ việc giãn cách xã hội trở lại, vì ai cũng mong có sự ổn định việc làm và chỗ ở. “Đây là trách nhiệm của Nhà nước và của cả DN. Chúng ta phải cùng nhau chăm lo và phải tuyên truyền để người lao động không quá lo lắng về dịch bệnh, phải hiểu và sống chung với nó”, ông Lê Viết Hải đề xuất. 

nha-may-1-7045-1635392000.jpg

TP.HCM cần đến gần 57.000 lao động trong quý IV năm nay

Ông TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, Phó chủ tịch Câu lạc bộ các Nhà kinh tế (VEC) cũng đồng tình với việc phải có chính sách bảo đảm đời sống, chỗ ở cho người lao động. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần phải tổ chức đào tạo nghề nghiệp cho người lao động, giúp họ chuyển đồi nghề thích ứng với nhu cầu, đồng thời tái cấu trúc lại lực lượng lao động, ưu tiên cho lao động có tay nghề cao, lao động sử dụng công nghệ…

Theo TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên trường Chính sách công và Quản lý, ĐH Fulbright Việt Nam, trong ngắn hạn, mà cụ thể là từ nay đến Tết, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, đặc biệt là việc tuyển dụng những người đã trở về quê sẽ rất khó. Người lao động thường chỉ nhìn trong ngắn hạn mà hiện nay, dịch bệnh vẫn còn khiến họ lo lắng. Bên cạnh đó, người lao động có tâm lý muốn xả hơi và chính sách không nhất quán của TP thời gian qua khiến họ thiếu niềm tin để quay trở lại.

Tuy nhiên, về lâu dài, theo quy luật cung cầu lao động và sự dịch chuyển của thị trường, người lao động chắc chắn sẽ trở lại TP. Dòng người vẫn chảy từ nơi năng suất thấp đến nơi năng suất cao, vì thế, người lao động sẽ trở lại TP sau những tính toán thiệt hơn. 

“Con người sẽ “tụ tập” ở nơi có năng suất và hiệu quả. Và khi không có việc làm ở quê, họ sẽ phải trở lại TP. Trong 6 tháng tới, việc phục hồi kinh tế là một thử thách đối với TP.HCM, vì vậy, các DN cũng đừng quá trông chờ vào các chính sách của Nhà nước”, TS. Huỳnh Thế Du phân tích. 

Hồng Nga