10 năm sau thảm họa, nông dân Fukushima vẫn đối mặt 'bóng ma' ô nhiễm
Quốc tế - Ngày đăng : 09:00, 08/11/2021
Nông dân tại tỉnh Fukushima lo ngại kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân có thể sẽ gây ra tình trạng nhiễm độc và ảnh hưởng tới giá các sản phẩm nông nghiệp họ đang canh tác, phá hủy nỗ lực phục hồi, vốn rất chậm, sau thảm họa động đất, sóng thần xảy ra cách đây hơn 10 năm về trước.
Nhật Bản đang lên kế hoạch xả hơn 1 triệu tấn nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nằm tại đông bắc nước này, ra biển khi công suất chứa đã gần chạm tới mức giới hạn. Cho dù nhiều cơ quan quốc tế lên tiếng ủng hộ, kế hoạch này vẫn làm dấy lên không ít quan ngại từ các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, bên cạnh đó là một bộ phận ngư dân và nông dân Nhật Bản.
"Giá bán mới chỉ phục hồi lại ngưỡng bình thường sau khi giảm mạnh trong giai đoạn sau thảm họa, nhưng hiện tại, chúng tôi một lần nữa có thể sẽ phải đối mặt với những thiệt hại về danh tiếng nếu như kế hoạch này được thực hiện", theo Hiroaki Kusano - một người nông dân trồng lê, đồng thời là phó chủ tịch hợp tác xã nông nghiệp địa phương.
Lượng nước thải sẽ được xử lý để loại bỏ đi các tạp chất phóng xạ nhưng sẽ không thể tách được tritium. Nước thải với chất đồng vị phóng xạ này sẽ được pha loãng với tỷ lệ 1:7 với nước thông thường theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau đó xả ra Thái Bình Dương với khoảng cách 1 km tính từ bờ biển, dự kiến được thực hiện vào mùa xuân năm 2023.
Các nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu thường xuyên xả nước thải có chứa tritium, được coi là một sản phẩm phụ ít độc hại nhất, ra môi trường.
Năm 2020, lần đầu tiên kể từ thảm họa động đất và sóng thần, xảy ra hồi năm 2011, phá hủy khu vực bờ biển vùng đông bắc và gây ra một thảm họa hạt nhân, giá lê Fukushima được bán tại Tokyo đã vượt qua giá các sản phẩm tương tự tới từ một vài địa phương khác, gần 2 USD/kg, theo dữ liệu từ Tokyo Metropolitan Central Wholesale Market.
Một năm sau thảm họa, lê Fukushima chỉ được bán với giá gần 0,7 USD/kg, thấp hơn khoảng 20% so với giá trung bình lúc đó. Sản phẩm lê của Fukushima phải vượt qua rất nhiều các khâu kiểm tra phóng xạ trước khi đưa ra thị trường.
Kỹ thuật viên chuẩn bị kiểm tra hàm lượng cesium trong thịt bò nuôi ở Fukushima trong phòng thí nghiệm Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Fukushima, Koriyama, tỉnh Fukushima ngày 2/11. Ảnh: Reuters. |
Trong vòng một thập kỷ qua, lê của Fukushima phải "đi qua một quy trình kiểm nghiệm toàn diện, vô cùng chặt chẽ", theo Kazuhiro Okazaki, tới từ Trung tâm Công nghệ nông nghiệp Fukushima, đơn vị đảm nhiệm công tác quét phóng xạ từ tháng 6/2011. Fukushima đạt sản lượng 13.000 tấn lê trong năm 2020, giúp địa phương này vươn lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những địa phương sản xuất lê lớn nhất Nhật Bản.
Giải thể nhà máy
Kế hoạch xả thải tại nhà máy điện hạt nhân Daiichi được thực hiện là một phần của chiến dịch "dọn dẹp" dài hơi của công ty chủ quản Tepco, được dự báo mất tới hàng chục năm để hoàn thành. Nhà máy này hiện có khoảng 1.000 bồn chứa, mỗi bồn cao tới 12 m, có dung tích chứa nước nhiễm phóng xạ tương đương với 500 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Kế hoạch xả thải lần này sẽ đánh dấu một bước chuyển mới trong quá trình giải thể nhà máy, cũng như giải phóng sức chứa phục vụ công tác tẩy uế trong tương lai.
Tepco sẽ bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi quá trình xả thải này, theo Junichi Matsumoto, đại diện của công ty phụ trách quá trình này. Tepco cho biết công ty này cũng đã thanh toán khoảng 89 tỷ USD tiền đền bù thiệt hại từ cuộc khủng hoảng.
"Bước đầu tiên là lắng nghe ý kiến của những người bị ảnh hưởng", ông Matsumoto cho biết.
Cũng đã xuất hiện không ít những lo ngại khác liên quan tới việc lượng nước thải đó đã nằm chờ quá lâu trong vòng nhiều năm, theo Toru Watanabe, một nhà nghiên cứu phóng xạ tại Viện nghiên cứu khoa học hàng hải và ngư nghiệp Fukushima.
"Nước thải đã nằm trong những bồn chứa đó quá lâu. Chất lượng nước cần được đánh giá kỹ lưỡng trước khi bị xả ra môi trường", ông nói.
Nhiều nông dân cho biết họ sẽ không thể làm gì nhiều một khi lượng nước thải này được xả ra môi trường. Họ lo ngại về khả năng tiêu thụ các sản phẩm mà mình làm ra vì người tiêu dùng Nhật Bản nổi tiếng khó tính và rất quan tâm đến độ tươi ngon cũng như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
"Điều mà chúng tôi có thể làm là giải thích về tất cả những biện pháp được áp dụng nhằm đảm bảo sự an toàn của sản phẩm", Tomoichi Yoshioka, một nông dân trồng lê, chia sẻ. "Quyết định cuối cùng vẫn nằm ở phía người tiêu dùng".
(Theo Người Đồng Hành - Tựa bài do DNSG đặt lại)