Nhiều hiệp hội kiến nghị không tái diễn việc đóng cửa nhà máy

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 09:42, 13/11/2021

Đang vào mùa cao điểm xuất khẩu của các ngành hàng, nhiều doanh nghiệp (DN) đang tiến hành hoàn thiện các đơn hàng trong thời gian tới.

Trong thời gian giãn cách xã hội, mọi hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu của các ngành hàng đều chững lại. Đối với ngành gỗ, thông thường vào tháng 6 hằng năm các DN ngành này đã bắt đầu sản xuất sôi nổi, để chuẩn bị cho mùa xuất khẩu trong ba tháng cuối năm. Mọi hoạt động sản xuất của hầu hết ngành hàng xuất khẩu đã được nối lại sau ngày 1/10/2021 và xuất khẩu đón tín hiệu vui trong những tháng còn lại của năm 2021. 

Đơn cử như với ngành hàng lúa gạo, thời điểm cuối tháng 9, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 423-427 USD/tấn lên 428-432 USD/tấn và dự báo sẽ còn tăng nhẹ trong những tháng còn lại. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới cũng đang có chiều hướng tăng, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo tiêu thụ gạo toàn thế giới mùa vụ 2021-2022 đạt 512,3 triệu đơn vị, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Đây được cho là cơ hội để ngành gạo gia tăng sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới.

Đối với các ngành hàng tỷ đô khác như gỗ, dệt may cũng nhận được những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu vào thời gian tới. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: "Nếu tính lượng đơn hàng của toàn ngành đến cuối năm nay vẫn tương đối đầy đủ. Thậm chí đến thời điểm hiện nay có nhiều DN đã ký được đơn hàng đến tháng 5, tháng 6/2022. 

IMG-20211108-114712-6322-1636703758.jpg

Từ đó, VITAS dự đoán sẽ có ba kịch bản cho ngành dệt may trong năm nay, trong đó kịch bản xấu nhất kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 33,5-34 tỷ USD; kịch bản thứ hai là 36-36,5 tỷ USD và kịch bản thứ ba nếu DN sản xuất được chủ động, linh hoạt bố trí giờ lao động làm việc thì kim ngạch vẫn có khả năng đạt 37-37,5 tỷ USD.

Còn đối với ngành gỗ, nếu việc khôi phục sản xuất được đẩy nhanh, trong ba tháng cuối năm, mỗi tháng xuất khẩu đạt 800 triệu - 1 tỷ USD thì ngành này có thể đảm bảo mục tiêu mang về 14,5 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm, thậm chí có thể sẽ cán đích xuất khẩu 15 tỷ USD khi năm 2021 kết thúc.

Mặc dù đón nhận những tín hiệu tích cực về hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong thời gian qua. Nhưng nhiều DN cho rằng mọi khó khăn chưa chắc đã qua vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Do đó, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) kiến nghị, để có thể tái sản xuất và đạt được những kết quả như kỳ vọng, cần sự đồng hành của các địa phương trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng được liên tục, đặc biệt tại khu vực sản xuất trọng điểm gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh. Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động các tỉnh để họ có thể trở lại nhà máy làm việc trong thời gian sớm nhất.

VITAS cũng kiến nghị, nếu Chính phủ và các địa phương đưa ra kịch bản sống chung với dịch thì cũng nên có hướng dẫn phương pháp kiểm soát dịch bệnh theo hướng để DN tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, trong năm 2022 Việt Nam cần tiếp tục giữ cam kết với quốc tế về cơ chế chính sách kiểm soát dịch bệnh, đừng để tái diễn việc đóng cửa nhà máy suốt 3-4 tháng như trong năm 2021. 

Chỉ khi nào thực hiện được như vậy mới giúp DN có nền tảng, niềm tin để tiếp tục tìm kiếm đơn hàng cho năm 2022. Cùng với những chính sách đồng bộ của Chính phủ, thì các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực cũng là động lực hấp dẫn để các nhãn hàng tiếp tục quay lại với Việt Nam.

Trần Hùng