Độc đáo bìa sách chất liệu Việt

Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 06:00, 14/11/2021

Lựa chọn chất liệu làm bìa cho những phiên bản sách đặc biệt không chỉ mang đến sự độc đáo và mới lạ, mà còn góp phần tôn vinh giá trị văn hóa và thẩm mỹ truyền thống trong đời sống hiện đại.
Kim-Van-Kieu-in-tren-giay-do-6860-163653

Kim Vân Kiều in trên giấy dó

Có một thực tế là dù ngôn ngữ phương tiện số phát triển mạnh, nhưng đời sống của sách in vẫn ngày càng phong phú. Để thuyết phục và duy trì văn hóa đọc, đặc biệt là những người trẻ thích sưu tập sách, tích lũy các giá trị văn hóa và thẩm mỹ, giới làm sách Việt Nam đã rất nỗ lực đầu tư cho sách ngày càng đẹp và bền. Trong đó nhiều phiên bản sách đặc biệt, cao cấp, giới hạn (S100, S200, S500) được đầu tư in ấn làm bìa bằng chất liệu cao cấp. Đơn cử như phiên bản đặc biệt của Cây cam ngọt của tôi (in 555 cuốn) có bìa bằng da PU màu lục sẫm, họa tiết phụ ở bìa trước, bìa sau được ép nhũ màu cam ánh đồng; Việt Nam phong tục (111 cuốn) bìa bằng da bò Vachetta nhập khẩu, Napoléon Bonaparte (S500) có bìa bọc bằng da PU với hoa văn dập chìm, tên sách và một số họa tiết ép nhũ; hai bản đặc biệt Cuốn theo chiều gió có bìa bọc bằng da bò màu xanh Avocado và màu nâu Argil nhập khẩu từ Ý, Leonardo Da Vinci có bìa mạ vàng... Nhưng đáng trân trọng nhất là một số nhà làm sách đã tìm tòi, sáng tạo trên các chất liệu truyền thống của Việt Nam.

Từ trăm năm trước, giấy dó là chất liệu làm tranh dân gian Đông Hồ rất được ưa chuộng. Trước năm 1945, bản đặc biệt của nhiều tác phẩm như Lều chõng, Việt Nam sử học, Đại Việt sử ký toàn thư đã được in bằng giấy dó và nay vẫn còn bền đẹp. Nhận thấy giấy dó dân dã, mộc mạc, thuần Việt, có tính ứng dụng cao, Mai Hà Books đã in 105 bản đặc biệt Kim Vân Kiều cả bìa và ruột đầu bằng giấy dó, phụ bản dó đặt trong hộp sơn mài do các nghệ nhân làng nghề Hạ Thái chế tác và để trong túi lụa thêu đàn nguyệt - kết tinh sức sáng tạo của sơn mài và kỳ công in trên giấy dó. Ngoài giấy dó, trước đó Thái Hà Books từng phối hợp với họa sĩ Phan Hải Bằng đem nghệ thuật trúc chỉ vào 6 bìa sách Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế, ba bìa sách Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX. Trúc chỉ là một loại hình nghệ thuật trên giấy của người Việt được khai thác từ nguyên liệu xơ sợi của rơm, tre, mía, chuối, bèo, bắp, dứa, dâu, cỏ...

Vải bố ngoại từng được bọc bìa cho nhiều cuốn sách, nhưng 100 bản đặc biệt của Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (Đỗ Bích Thúy) có bìa bồi vải lanh, tranh bìa thêu trên nền vải lanh. Chất liệu Việt này được phụ nữ dân tộc H’Mông làm thủ công trải qua 41 công đoạn từ tước cây lanh lấy vỏ, se sợi, dệt vải, vẽ họa tiết thổ cẩm nhiều màu...

Độc đáo và mới lạ nhất là Phuc Minh Books vừa ra mắt hai phiên bản (đặc biệt và vi quyển) của cuốn Những người phụ nữ bé nhỏ với bìa bồi thủ công từ lụa tơ tằm Bảo Lộc và được thủy ấn họa trên lụa bằng màu tự nhiên do nghệ nhân Đồng Phước Quang (Quảng Nam) nghiên cứu pha chế từ hạt cà phê, vừa thân thiện với môi trường vừa có độ bền cao. Nội dung Những người phụ nữ bé nhỏ viết về chủ đề nữ quyền và thiên tính nữ, việc sử dụng chất liệu lụa tơ tằm thoảng hương cà phê thật giàu tính sáng tạo nghệ thuật.

Sử dụng chất liệu ngoại nhập hay thuần Việt đều đòi hỏi sự đầu tư công phu khiến giá sách rất đắt đỏ, từ vài ba triệu đến gần chục triệu đồng/cuốn, nhưng chúng vẫn được các nhà sưu tập, người mê sách săn đón. Thái Hà Books từng đấu giá một bản trúc chỉ Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế thu về 42 triệu đồng, ba bản trúc chỉ Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX thu về 100 triệu đồng.

Ở khía cạnh khác, cùng với sự phát triển của ngành xuất bản, số lượng sách - trong đó có các phiên bản đặc biệt, cao cấp, giới hạn xuất bản ngày càng nhiều theo nhu cầu độc giả và quá trình cạnh tranh giữa các nhà làm sách. Đầu tư cho thiết kế và in ấn bìa sách tạo ấn tượng riêng là rất cần thiết cho xây dựng thương hiệu. Hiện Phuc Minh Books và một số nhà sách vẫn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu chất liệu thuần Việt để làm sách, vừa tôn vinh giá trị Việt trong đời sống hiện đại, vừa có được những cuốn sách độc đáo và mới lạ, thực sự là tác phẩm nghệ thuật.

Khánh Bình