Ứng xử với di sản kiến trúc: Bảo tồn và phát huy đúng giá trị
Thư giãn - Ngày đăng : 09:00, 14/11/2021
Quy hoạch di sản phải nằm trong quy hoạch đô thị |
“Di sản là tài sản chung của cộng đồng. Vì vậy, bảo tồn di sản không chỉ là bảo tồn những kiến trúc, cơ sở vật chất hiện hữu mà là bảo tồn lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo tồn đời sống tinh thần của cả cộng đồng”, TS. Nguyễn Thị Hậu - Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM chia sẻ tại hội thảo khoa học “Bảo tồn di sản kiến trúc truyền thống trong đô thị Việt Nam: Cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm từ các nước ASEAN”.
Hiện TP.HCM có 9 loại hình di sản đô thị, bao gồm di tích khảo cổ học được khai quật, toàn bộ cảnh quan của đô thị, công trình kiến trúc nghệ thuật, công trình tôn giáo, nhà ở truyền thống và biệt thự, hạ tầng công nghiệp và đô thị, lăng tẩm, mộ táng, đồn trú và khu vực Chợ Lớn. Qua thời gian dài tồn tại, đặc biệt chịu tác động của chỉnh trang đô thị và đô thị hóa, một số di sản đã biến mất hoặc có nguy cơ biến mất. Do đó, mối quan hệ gắn bó trong sự phát triển và bảo tồn là không thể phủ nhận.
TS. Nguyễn Thị Hậu lưu ý: “Việc bảo tồn di sản không chỉ tiếp cận và nhìn nhận ở góc độ không gian vật thể mà cần có cách tiếp cận rộng hơn, như chính trị, xã hội và kinh tế. Vì vậy, việc quy hoạch di sản phải nằm trong quy hoạch đô thị. Các nhà quy hoạch, các tổ chức chính trị cần xác định rõ giá trị không thể đánh đổi của di sản trong quá trình phát triển đô thị, từ đó sẽ có cách bảo tồn bền vững, chẳng hạn như chợ Bến Thành - một trong những di sản kiến trúc tiêu biểu của TP.HCM, có nhiều đóng vào sự phát triển kinh tế, góp phần thu hút khách du lịch”.
Ông Gan Yee Chun - Tổng giám đốc Công ty TNHH Samtec Việt Nam cho rằng, bảo tồn các di sản, đặc biệt là di sản về kiến trúc phải đi đôi với việc phát triển kinh tế. Di sản không chỉ có ý nghĩa về văn hóa, bảo tồn các giá trị truyền thống, lịch sử mà còn tác động đến sự phát triển của kinh tế nói chung.
Di tích chùa Hội Sơn trước khi xảy ra hỏa hoạn |
Giải pháp “bốn nhà”
Bảo tồn di sản là sự dàn xếp mâu thuẫn giữa vai trò của chính sách nhà nước, nhà quản lý đô thị, nhóm nghiên cứu về văn hóa, di sản và cả cộng đồng dân cư sinh sống trong và xung quanh di sản đó. TS. Nguyễn Đức Tuấn - Trường Đại học Văn hóa TP.HCM nêu rõ: “Với quá trình đô thị hóa hiện nay, các di sản kiến trúc đang gặp phải nhiều thách thức về vấn đề quản lý, bảo tồn và phát huy giá giá trị. Ví dụ, chùa Hội Sơn ở quận 9, sau vụ hỏa hoạn vào tháng 7/2012, toàn bộ kiến trúc bằng gỗ tại gian lớn và hơn 30 pho tượng gỗ bị cháy rụi. Dù hiện tại đã được trùng tu nhưng những giá trị về văn hóa, kiến trúc cổ đã mất. Vì vậy, những di sản kiến trúc này cần được quan tâm và bảo tồn kịp lúc”.
TS. Nguyễn Đức Tuấn đề xuất giải pháp “bốn nhà” là sự phối hợp của Nhà nước - nhân dân - nhà khoa học - doanh nghiệp, theo đó vai trò của Nhà nước phụ thuộc phần lớn vào sự quan tâm của chính quyền địa phương nơi di sản tồn tại. Pháp luật đã quy định về cách thức bảo tồn, những điều luật nên và không nên làm để duy trì giá trị truyền thống của di sản. Vì vậy, ban quản lý di sản, chính quyền các cấp, các ban ngành ở địa phương phải quan tâm đến di sản bằng cách vận dụng quy định của pháp luật để đưa những di sản này vào hành lang pháp lý, bảo tồn một cách có kế hoạch. Vấn đề cốt yếu của di sản không chỉ là việc được công nhận mà còn là việc bảo tồn và phát huy đúng giá trị.
Nhân dân, hay nói hẹp hơn là cộng đồng dân cư sống trong hoặc xung quanh di sản, vì thế với bất cứ sự quy hoạch nào, chính quyền phải lấy ý kiến từ cộng đồng để tạo sự đồng thuận. Đồng thời, việc phát huy giá trị di sản phục vụ lợi ích kinh tế, dù cho bất cứ cá nhân, cơ quan nào thực hiện cũng phải hướng đến lợi ích của người dân. Trong nghiên cứu “Hiện trạng bảo tồn di sản kiến trúc đô thị dựa trên sự tham gia của cộng đồng tại TP.HCM”, TS. Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM nêu rõ: “Di sản kiến trúc đô thị là những cấu trúc sống động, mang tiếng nói và sức nặng của cộng đồng. Do đó, cộng đồng dân cư hiểu rõ nhất vai trò của di sản với đời sống và có quyền quyết định đến tương lai của di sản”.
Nhóm nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà kiến trúc, nhà khảo cổ học là nguồn lực mà Chính phủ có thể tận dụng và tham khảo để tìm cách bảo tồn, phát huy các di sản kiến trúc truyền thống. Đặc biệt, trong nhóm “bốn nhà” không thể không kể đến nhà doanh nghiệp. Vì nhà doanh nghiệp là những đối tác quan trọng trong việc khai thác giá trị di sản ở khía cạnh kinh tế, góp phần lan tỏa truyền thống văn hóa, giúp công chúng tiếp cận gần hơn với di sản. Với nhà doanh nghiệp, Nhà nước có thể cung cấp các gói hỗ trợ và chính sách ưu đãi để họ cùng tham gia vào quá trình bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản.
Tư nhân cùng bảo tồn di tích
Singapore đã trao quyền cho tư nhân bảo tồn, phát huy các di sản kiến trúc truyền thống là một trong những bài học mà Việt Nam có thể tham khảo. Cụ thể, nước này đã có nhiều chính sách ưu đãi để cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tu sửa, bảo tồn những kiến trúc truyền thống và sử dụng phần không gian được phép kinh doanh để di sản tồn tại và tiếp cận gần hơn với công chúng. Mặt khác, khi tư nhân vào cuộc để quản lý di sản thì có thể hỗ trợ Chính phủ bảo tồn trong trường hợp Nhà nước không đủ kinh phí.
Tại TP.HCM hiện nay, các tòa nhà di sản cũng thu hút doanh nghiệp vì chúng mang tính biểu tượng cao, có thể dùng làm trụ sở, văn phòng, điểm du lịch, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn. Tòa nhà Sở Giao dịch Chứng khoán Sài Gòn và Khách sạn Continental là hai ví dụ. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là nếu chủ đầu tư không đủ kinh nghiệm quản lý và thiếu ý thức bảo tồn thì những di sản này sẽ dễ xuống cấp và mất dần giá trị. Mặt khác, với sự phân tầng xã hội hiện tại, TS. Nguyễn Đức Tuấn bày tỏ: “Việc chuyển đổi này có thể hạn chế cơ hội tiếp cận và tận hưởng không gian di sản văn hóa nói chung bởi sẽ có một bộ phận người dân không thể đến quán cà phê hay nhà hàng sang trọng mà tư nhân đã xây dựng trong di sản”.