2 đại diện Việt Nam trong nhóm 27 kỳ lân Đông Nam Á là ai?
Start up - Ngày đăng : 01:45, 15/11/2021
Cách đây 7 năm, Đông Nam Á chỉ có 3 kỳ lân là VNG của Việt Nam, Garena (nay là Sea) và Razer của Singapore. Năm qua, số lượng startup với giá trị vốn hoá hơn 1 tỷ USD của khu vực đã vượt qua con số 25. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain, nền kinh tế số của khu vực dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2025. Đồng nghĩa, nhóm kỳ lân của Đông Nam Á sẽ đón thêm nhiều startup mới nữa trong tương lai không xa.
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư chảy vào các công ty công nghệ tài chính (fintech) ở Đông Nam Á tăng hơn gấp 3 lần so với cả năm ngoái, đạt mức kỷ lục 3,5 tỷ USD, theo một báo cáo nghiên cứu chung của Ngân hàng UOB, Công ty kiểm toán PwC Singapore và Hiệp hội Công nghệ tài chính Singapore (SFA).
Nguyên nhân cho sự bùng nổ của các kỳ lân tại Đông Nam Á một phần đến từ lượng người sử dụng Internet ngày một tăng. Và, nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng của khu vực này, khi trong nửa đầu 2021 đã có 19 tỷ USD vốn đầu tư rót vào startup công nghệ Đông Nam Á. Trong số 27 kỳ lân Đông Nam Á được e27 tổng hợp, 2 đại diện duy nhất của Việt Nam là VNG và VNPay.
Thành lập năm 2004, VNG là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam và một trong những kỳ lân sớm nhất Đông Nam Á. Hiện, công ty hoạt động với 4 mảng kinh doanh cốt lõi là trò chơi trực tuyến; nền tảng kết nối; tài chính và thanh toán; dịch vụ đám mây.
Sau 10 năm, VNG được ghi nhận thành vị trí kỳ lân vào năm 2014. Ngoài mảnh đất màu mỡ game online, VNG còn có Zing MP3, Zalo, ZaloPay..., giúp người chơi game có thể mua nhạc hay chuyển tiền tùy thích trong hệ sinh thái này.
Từ vị thế đó, VNG đã có thị trường rất lớn cho dòng tiền lưu chuyển trong hệ sinh thái của mình. Trong 9 tháng đầu năm nay, VNG ghi nhận doanh thu đạt 4.423,9 tỷ đồng.
Trong khi đó, đại diện còn lại của Việt Nam là VNPay cũng mất hơn 10 năm để đạt trạng thái kỳ lân vào tháng 12/2020, sau vòng gọi vốn từ quỹ đầu tư SoftBank Vision Fund và quỹ GIC của Chính phủ Singapore.
Ra mắt năm 2007, VNPay được nhiều người biết đến với mạng lưới thanh toán bằng mã QR, nhất là ở các thành phố lớn. Trong hơn 13 năm, kỳ lân này lần lượt tung ra nhiều dịch vụ thanh toán và thu hút 15 triệu người dùng như ứng dụng Mobile Banking, cổng thanh toán VNPAY, VnShop, website thanh toán hóa đơn và mua hàng trực tuyến Vban.vn,….
Dù con số 2 kỳ lân của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tổng số kỳ lân tại Đông Nam Á và 800 kỳ lân trên toàn thế giới, song với sự bùng nổ của ngành công nghệ trong thời gian qua, không gian phát triển dành cho các startup ở Việt Nam còn rất lớn.
Hơn nữa, Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng sở hữu những cái tên đáng giá, được kì vọng bước lên trạng thái kỳ lân trong những năm tiếp theo. Ví dụ, Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) - nơi sở hữu ví điện tử Momo, được cho là đang nỗ lực huy động thêm ít nhất 100 triệu USD để trở thành kỳ lân công nghệ; Tiki vừa được định giá 832 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E.
Theo một đánh giá của StartupBlink vào năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được xếp ở vị trí 59 trên thế giới. Tính riêng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam nằm trong nhóm 20 - 25 hệ sinh thái hàng đầu.