Nghĩ về người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam
Chân dung - Ngày đăng : 06:00, 20/11/2021
Đứng ra phát động và đồng hành cùng với hàng vạn người Việt Nam yêu nước trong các phong trào ấy là 4 chí sĩ đóng vai trò lãnh tụ: Lương Văn Can (1854-1927), Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Châu Trinh (1872-1926) và Trần Chánh Chiếu (1867-1919). Trong số đó, Lương Văn Can là người tham gia khởi xướng và là chí sĩ duy nhất của phong trào đã kiên trì theo đuổi tư tưởng Duy Tân trong kinh doanh như là giải pháp căn bản và bền vững của sự nghiệp “hóa dân, cường quốc”.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2006, Lương Văn Can cùng với Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà là 4 doanh nhân tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) truy tặng danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu vàcúp Thánh Gióng.
Doanh nhân đầu tiên của người Việt lập ra công ty xuất nhập khẩu
Đối với những người chỉ biết Lương Văn Can là một nhà nho đồng thời là nhà giáo đứng đầu Đông Kinh Nghĩa Thục, cái tư cách doanh nhân tiêu biểu và tư cách người thầy giới doanh nhân Việt Nam của cụ có thể khiến ai đó ngầm thắc mắc: Liệu Lương Văn Can có xứng đáng là người thầy giới doanh nhân Việt Nam?
Như các nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại từng ghi nhận, cụ Lương Văn Can trước hết là nhà giáo dục, một chí sĩ yêu nước, một trong những lãnh tụ của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Nhờ uy tín của mình, cụ đã lần lượt thu hút hầu như tất cả các phái, các tổ chức khác nhau của những người yêu nước đương thời, từ Đông Du - bạo động, Duy Tân - ôn hòa cho đến Việt Nam Quang Phục Hội và Tâm Tâm Xã.
Tuy nhiên, Lương Văn Can không phải chỉ là người hậu thuẫn cho các phong trào. Từ những trải nghiệm và tri thức tích lũy được, cụ đã âm thầm chọn một lối đi phù hợp với hoàn cảnh và tuổi tác của mình. Lối đi ấy là kiên trì giúp thế hệ sau đổi mới nhận thức về giáo dục và doanh thương.
Sau cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp năm 1913, Lương Văn Can bị lưu đày sang Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia). Trong hoàn cảnh phải tự mưu sinh ở nơi đất khách quê người, thay vì thụ động chờ vợ con cấp dưỡng, Lương Văn Can đã xem vùng đất lưu đày như một thị trường chưa khai phá để cụ thực hành tư tưởng Duy Tân trong lĩnh vực kinh doanh. Từ năm 1916-1921, Lương Văn Can đã cùng con gái là Lương Thị Trí và con dâu là Nguyễn Thị Hồng Đính lần lượt mở ba hiệu buôn Đại Thanh, Hưng Thạnh và Nam Gia ở Nam Vang. Phối hợp với phu nhân Lê Thị Lễ ở Hà Nội và một số thương nhân ở Sài Gòn, Lương Văn Can và các con đã tổ chức thành công đường dây buôn bán giữa Hà Nội, Sài Gòn với Nam Vang - một kiểu “công ty xuất nhập khẩu” đầu tiên trong lịch sử của doanh nhân người Việt.
Cụ bà Lê Thị Lễ, phu nhân của cụ Lương Văn Can (1857-1927) |
Viết sách truyền bá tư tưởng kinh doanh “thương đức, thương tài”
Sau khi được giảm án và trở về Hà Nội cuối năm 1921, Lương Văn Can đã để lại toàn bộ cơ sở kinh doanh ở Phnom Penh cho Nguyễn Thị Hồng Đính trông nom đến năm 1931 và tận dụng 6 năm cuối đời để mở trường, viết sách đúc kết, truyền lưu tri thức mới cho thế hệ sau. Trong số 19 tác phẩm mà Lương Văn Can để lại (không kể thơ ca), ngoài những tác phẩm sử dụng sở trường Nho học của cụ, có đến 8 tác phẩm trình bày những tri thức và quan điểm mới, theo hướng Duy Tân: Đại Việt địa dư; Nam Quốc địa ca; Bố y thư; Kim cổ cách ngôn; Phan Tây Hồ di thảo, 3 tập (cùng với Ngô Đức Kế); Thương học phương châm; Trí thức phổ thông mới; Quốc sự phạm lịch sử.
Trong đó, có ý nghĩa thời đại nhất là Kim cổ cách ngôn (1925) và Thương học phương châm (1928) - hai tác phẩm đúc kết những chiêm nghiệm của Lương Văn Can về đạo đức làm người, đạo đức kinh doanh và tri thức kinh doanh.
Trong Kim cổ cách ngôn, cụ đưa ra lời khuyên cho giới kinh doanh, đặc biệt là những người quen dùng thủ đoạn kinh doanh gian xảo, gây tiếng xấu cho cả giới thương nhân trong lịch sử. Theo cụ, người kinh doanh cần phải có tâm đạo công bình, sử dụng nguồn tiền và dòng tiền lương thiện.
Trong Thương học phương châm, sau khi nhấn mạnh tình trạng thương mại yếu kém của nước nhà, Lương Văn Can vạch ra một loạt nguyên nhân, trong đó người nước ta ít có chí theo đuổi thực nghiệp, tức là những nghề nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người như công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, lại thiếu những đức tính và kỹ năng cần thiết để có thể tiến xa trên thương trường. Để khắc phục tình trạng đó, mọi người cần xem trọng thực nghiệp, đặc biệt cần phải lưu tâm nghiên cứu “thương học” (khoa học về kinh doanh, thương mại), vì “thương học” gồm đủ cả “thương đức” (đạo đức kinh doanh), “thương tài” (tri thức và kỹ năng tổ chức và quản lý kinh doanh). Có làm được như vậy thì Việt Nam mới phát triển nghề buôn. Và có phát triển nghề buôn thì dân mới giàu, nước mới mạnh.
Một nhà Nho xuất thân khoa bảng ở độ tuổi lão niên lại có thể tự học và tự đổi mới kiến thức và tư tưởng của mình, đã là một việc phi thường, đáng cho người ta khâm phục. Huống hồ những hành động, kiến thức và tư tưởng mới về kinh doanh, thương mại ấy còn đáp ứng đúng nơi đúng lúc các nhu cầu của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Lương Văn Can đã trở thành một trong những người tiên phong phát động phong trào chấn hưng thực nghiệp để cổ võ giới công thương người Việt. Hoạt động kinh doanh thành công đã giúp cho gia đình cụ “lập nên môn hộ, có được tiểu khang sản - nghiệp” (Lương gia thứ chi phả).
Sách Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn được tái bản năm 2020 |
Tấm gương về nhân cách
Nhưng dẫu vậy, có thể có người vẫn còn thắc mắc: “Thầy” (âm Hán Việt cổ của “sư” 師 / 师) vừa là người dạy học, người giỏi một chuyên môn nào đó, vừa có nghĩa là gương mẫu nữa. Vậy Lương Văn Can có phải là một tấm gương về nhân cách?
Theo gương các thầy học của mình, Lương Văn Can đã khước từ mọi chức vị mà chế độ thực dân - phong kiến ban tặng để chọn nghề dạy học. Khi gia nhập hàng ngũ các nhà cách mạng, cụ cũng lấy nghề dạy học làm “võ khí” đánh dẹp sự tối tăm lạc hậu trong học sinh.
Đi đày về, bạn đồng chí tan tác hết, cụ lại mở trường dạy học để tiếp tục truyền thụ kiến thức và nhân cách cho thế hệ sau. Trong hoạt động kinh doanh, ngay trong cảnh lưu đày, cụ đã tự mình thể nghiệm bằng việc tổ chức kinh doanh xuyên biên giới.
Sở dĩ Lương Văn Can không trở thành “đại phú hộ” là vì cụ và gia đình cụ đã dùng lợi nhuận kinh doanh để làm việc nghĩa và trợ giúp các nhà ái quốc. Năm 1907, vợ chồng Lương Văn Can đã bán đứt một hiệu buôn ở Hàng Ngang để trang trải công nợ cho Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 1910 và 1912, Lương Văn Can gởi tiền chi viện cho các nhà cách mạng Đông Du ở Quảng Đông và Quảng Tây. Từ năm 1916-1931, Lương Văn Can, tiếp nối là Nguyễn Thị Hồng Đính, dùng lợi tức kinh doanh ở Nam Vang để tài trợ cho các chiến sĩ cách mạng và chu cấp cho những người yêu nước bị tù đày ngoài Côn Đảo. Năm 1924, Lương Văn Can bỏ tiền xây trường và lót gạch đường làng ở Nhị Khê…
Trong khi đó, gánh nặng sinh kế của gia đình cụ không hề nhẹ chút nào. Trong những năm cuối đời của Lương Văn Can, cả 5 người con trai và 1 nàng dâu của cụ đều đã từ trần: Lương Trúc Đàm, Lương Ngọc Quyến, Lương Ngọc Nhiễm, Lương Ngọc Bân, Lương Ngọc Môn, và Lê Thị Niệm vợ Lương Trúc Đàm.
Cụ có 3 người con gái thì Lương Thị Tín mất sớm, Lương Thị Thi và Lương Thị Trí đã gả chồng. Đại gia đình của Lương Văn Can gồm có cụ và phu nhân Lê Thị Lễ, với 8 người cháu nội đang tuổi ăn học, gồm 3 người cháu là con của Lương Trúc Đàm, 5 người cháu là con của Lương Ngọc Bân, chưa kể 2 cháu nội là con của Lương Ngọc Quyến đang ở với mẹ là Nguyễn Thị Hồng Đính tại Nam Vang.
Vì thế, cụ Lương Văn Can và cụ bà Lê Thị Lễ phải cùng nhau gánh vác gia đình cho đến khi hai cụ theo nhau từ trần hồi năm 1927, mà cơ sở kinh doanh chỉ còn lại căn nhà số 4 Hàng Đào, vừa làm cửa hiệu vừa làm trường học. Để có thể làm việc nghĩa, vợ chồng cụ và các nàng dâu là Nguyễn Thị Hồng Đính (vợ Lương Ngọc Quyến) và Nguyễn Thị Vân Thiềm (vợ Lương Ngọc Bân) hẳn phải hết sức chuyên cần và tiết kiệm.
Vào lúc tuổi già bóng xế, cụ đã viết di chúc, dặn dò: “Nhà ta nhờ tổ tôn tích đức, ta hai người thành khẩn cần kiệm mới gọi là lập nên môn hộ, có được tiểu khang sản - nghiệp. Đương buổi đời này thương chiến cạnh tranh rất mạnh, khôn sống vụng chết, hơn được kém thua, cứ như bấy nhiêu tư bản, hợp lại thời còn đủ xoay xở, chia ra thời không thể tranh đua. Phàm trong nhà con cùng cháu, dâu cùng rể, đều nên đồng tâm hiệp lực, cùng làm cùng lo, đừng nghĩ tiền chung mà tiêu hoang, đừng nghĩ của chung mà làm biếng, ăn cũng cùng vị, mặc cũng cùng sắc. Trẻ con phải bắt học cho sớm, chớ để nhớn lên, mà vô nghiệp. Cứ giữ lấy chữ công, chữ nhẫn mà ở mấy nhau. Mỗi năm một lần tính vốn, chia lợi tức làm 4 phần, hai phần để làm chi tiêu, một phần để thêm vào vốn, một phần để làm sự công ích, hoặc đỡ người cấp nạn…” (Lương gia thứ chi phả).
Tức là, trong gia đình, cụ răn dạy con cháu chẳng những về sự kết đoàn, công tâm, nhẫn nại trong việc kinh doanh, mà còn về nghĩa vụ đối với xã hội và đồng bào còn khốn khó hơn mình.
Cuộc đời của Lương Văn Can là minh chứng đầy đủ nhân cách đặc biệt của một chí sĩ Duy Tân: yêu nước, bất khuất, kiên nhẫn, hy sinh, hiếu học, đổi mới, xông pha. Tất cả những gì mà cụ đã làm, đã hy sinh, đã viết, vô hình trung đã đúc nên một tấm gương cho doanh nhân Việt Nam.
(*) Giảng viên Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM