4 địa phương kiến nghị hỗ trợ hơn 83.000 tỷ đồng làm Vành đai 3
Bất động sản - Ngày đăng : 06:00, 25/11/2021
Vành đai 3 TP.HCM là dự án trọng điểm quốc gia, giúp kết nối các đô thị vệ tinh TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm phát huy tối đa lợi thế các tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng... Sau 10 năm được phê duyệt, toàn tuyến hiện chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài khoảng 16km đã được đầu tư. Mới đây, dự án thành phần 1A dài gần 9km, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được phê duyệt và đã xác định nguồn vốn đầu tư.
Theo nghiên cứu phương án đầu tư Vành đai 3 của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn hoàn thiện tuyến đường sẽ có 8 làn cao tốc, vận tốc 100km/giờ và đường song hành hai bên. Trong đó, giai đoạn một sẽ triển khai giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh, làm trước 4 làn cao tốc cùng đường song hành, tổng mức đầu tư gần 83.300 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn một, việc đầu tư Vành đai 3 dự tính chia thành hai dự án thành phần. Trong đó dự án một sẽ giải phóng mặt bằng, làm đường song hành (gồm các tuyến nối) và hạ tầng kỹ thuật, tổng mức đầu tư hơn 52.400 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 làm tuyến chính là cao tốc với 4 làn xe, dài hơn 76km, tổng đầu tư gần 33.000 tỷ đồng.
Các địa phương đều thống nhất việc đầu tư khép kín Vành đai 3 là cần thiết, giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn và tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến vành đai này theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và dùng ngân sách địa phương giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn, không thể thực hiện giai đoạn 2021-2026.
Trường hợp triển khai theo hình thức BOT, tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư hơn 15.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% tổng mức đầu tư của dự án. Thời gian hoàn vốn cũng kéo dài trong 29 năm, khó hấp dẫn được doanh nghiệp, chưa khả thi. Ngoài ra, theo phương án trên, dự án sẽ phải trình Quốc hội xem xét và thông qua cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng; các trình tự, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian hơn so với đầu tư công...
Hiện các địa phương thống nhất kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư dự án, trong bối cảnh cả 4 tỉnh, thành chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt Covid-19 thứ tư. Tổng nguồn vốn gần 83.300 tỷ đồng muốn được hỗ trợ sẽ dùng để đầu tư toàn bộ giai đoạn một của dự án, gồm giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh, xây 4 làn cao tốc (gồm các nút giao, đường song hành). Trường hợp ngân sách trung ương không đủ, 4 tỉnh, thành đề xuất hỗ trợ riêng phần giải phóng mặt bằng, còn xây lắp sẽ do địa phương thực hiện.