Doanh nghiệp tăng tốc tái sản xuất
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:35, 27/11/2021
Từ đầu tháng 10, TP.HCM bắt đầu cuộc sống "bình thường mới", mọi hoạt động sản xuất của các DN được nối lại và đang tăng tốc ngay sau khi thành phố gỡ giãn cách xã hội. Các DN ngành gỗ được nhận định là có những động thái rõ ràng nhất cho hoạt động tăng tốc sản xuất và xuất khẩu. Gần 80% hội viên của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) trong số hơn 600 hội viên đã bắt đầu tái sản xuất để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.
"Hiện tất cả nhà xưởng của chúng tôi tại các tỉnh miền Tây đã tiến hành sản xuất hết công suất, hơn 200 công nhân của công ty gần như phải tăng ca để kịp tiến độ hoàn thiện đơn hàng", giám đốc điều hành mộ công ty nội thất chia sẻ.
Đại diện công ty này cho biết thêm, hiện tại số lượng công nhân của nhà máy chỉ khoảng 70% so với trước dịch bệnh. Do đó, công ty đang gấp rút tuyển thêm lao động, có chính sách về tiền lương tốt hơn cộng thêm các điều khoản đảm bảo an sinh xã hội để thu hút lao động trở lại trong thời gian tới.
Theo tính toán của HAWA, nếu việc khôi phục sản xuất được đẩy nhanh, trong ba tháng cuối năm mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 800 triệu - 1 tỷ USD, bằng với trước khi bùng phát dịch bệnh. Và với con số này, ngành gỗ và lâm sản có thể đảm bảo mục tiêu mang về 14,5 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm, thậm chí có thể sẽ cán đích xuất khẩu 15 tỷ USD.
Không khí sản xuất trong ngành dệt may cũng hết sức tất bật. Ngay từ thời điểm này, toàn bộ các chuyền của Công ty TNHH Việt Thắng Jean đều hoạt động hết công suất. Số lượng sản phẩm làm ra mỗi ngày nhiều hơn so với thời điểm trước giãn cách. Chỉ như thế mới kịp tiến độ giao hàng cho đối tác trong những tháng cuối năm vì số lượng đơn hàng tồn đọng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Ngoài 8 tiếng theo giờ hành chính, công ty khuyến khích phân nửa công nhân chia ra tăng ca để sản xuất. "Số lượng đơn hàng chúng tôi nhận đủ sản xuất cho đến tháng 5/2022, hiện chúng tôi không nhận thêm đơn hàng vì không thể sản xuất kịp tiến độ”, đại diện Việt Thắng Jean cho biết.
Đối với các DN nông sản, cơ hội xuất khẩu trong những tháng cuối năm đang rất lớn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nước ta có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo, khi nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan được dự báo sẽ giảm. Trong khi đó, nhu cầu gạo trên thế giới đang gia tăng.
Nhu cầu lương thực, thực phẩm thế giới kỳ vọng sẽ phục hồi. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, tiêu thụ gạo toàn thế giới mùa vụ 2021-2022 đạt 512,3 triệu đơn vị, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực cho tiêu thụ gạo thị trường thế giới. Giá gạo trên thế giới đã có sự phục hồi giai đoạn tháng 9-10/2021 do nhu cầu thế giới tăng trở lại, trong khi nguồn cung có phần hạn chế.
Ngoài hoạt động xuất khẩu, nhiều DN bắt đầu có những kế hoạch khai thác thị trường nội địa trong thời gian tới. Với Công ty Chanh Việt, từ trước khi TP.HCM thực hiện gỡ bỏ giãn cách xã hội, đơn vị này đã kết nối lại với các chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn để đẩy mạnh các sản phẩm chế biến sâu của công ty. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đang gấp rút tuyển thêm lao động mới để đẩy nhanh quá trình sản xuất.
Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức mà các DN phải đối mặt trong thời gian tới. Vấn đề lớn nhất là tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, số lượng người nhiễm vẫn còn cao, đe dọa không nhỏ đến kế hoạch sản xuất. Ngoài ra, đối với các DN xuất khẩu, chi phí logistics vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá cước vận chuyển vẫn đang ở mức trên 10.000 USD nếu xuất một container từ Việt Nam đến châu Âu.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, hiện không chỉ riêng ngành dệt may mà các ngành khác đều đang khó khăn do ách tắc trong kiểm soát giao thông giữa các địa phương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như việc đi lại cho các chuyên gia, chủ doanh nghiệp. Chẳng hạn ở TP.HCM, hầu hết DN đều có nhà máy đặt tại các địa phương lân cận như Bình Dương, Long An... nên cần phải thông thương giữa các tỉnh.
Vì thế, các ngành hàng kiến nghị Chính phủ giao chỉ tiêu kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế cho các địa phương theo hướng xuyên suốt. Để thực hiện được các chính sách trên, Chính phủ phải đưa ra giải pháp có tính đồng bộ giống nhau để không địa phương nào làm khác. Có như vậy mới tạo được sự xuyên suốt trong vấn đề giao thông cũng như cơ chế cho doanh nghiệp cùng phát triển.