Chúng tôi muốn lan toả văn hoá đọc trong doanh nghiệp
Đời thường - Ngày đăng : 00:15, 30/11/2021
Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn Trần Hoàng - Trưởng ban tổ chức Tuần lễ Doanh nhân và Sách |
* Vì sao Doanh Nhân Sài Gòn lại tổ chức Tuần lễ Doanh nhân và Sách? Tổ chức hoạt động này, Doanh Nhân Sài Gòn mong muốn điều gì?
- Mục đích của Doanh Nhân Sài Gòn là muốn xây dựng hình ảnh doanh nhân tri thức. Thông qua Tuần lễ Doanh nhân và Sách, Tạp chí mong muốn thúc đẩy tinh thần khuyến đọc, khuyến viết trong đội ngũ doanh nhân, DN. Công tác khuyến đọc nếu làm tốt sẽ góp phần nâng cao khả năng làm việc của người lao động, nâng cao khả năng điều hành của DN trong tình hình mới.
Hiện nay, các bạn trẻ khởi nghiệp hầu hết tham khảo và tìm hiểu các câu chuyện thành công của các doanh nhân thế giới. Ngay các trường đại học cũng dùng sách doanh nhân thế giới dạy sinh viên. Tuy nhiên, sách doanh nhân thế giới đang lưu hành tại Việt Nam chỉ có thể vận dụng 60 -70% về mặt quản trị, nhưng 30 - 40% còn lại phụ thuộc nhiều rất nhiều vào yếu tố văn hoá và thế chể chính trị của Việt Nam. Do vậy, nếu sinh viên và các bạn trẻ khởi nghiệp đọc được những cuốn sách hay của doanh nhân Việt Nam, dù thất bại hay thành công cũng gần gũi, có thể vận dụng vào kinh doanh và dễ thành công hơn.
Chúng tôi muốn xây dựng hình ảnh doanh nhân Việt Nam gắn liền với bốn chữ: Trí, Tâm, Tài, Tín và thành lập một Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân là những doanh nhân yêu mến sách, có tâm với việc phát triển sách để cùng Tạp chí phát triển công tác khuyến đọc, khuyến viết trong doanh nhân, DN Việt Nam.
* Ông có thể cho biết Tuần lễ Doanh nhân và Sách năm nay có gì khác với năm trước?
- Việc tổ chức Tuần lễ Doanh nhân và Sách năm nay là nỗ lực rất lớn của Doanh Nhân Sài Gòn, Hội xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam, Công ty TNHH Đường sách TP.HCM trong điều kiện khó khăn, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Điều mới trong chương trình năm nay là chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động trực tuyến bên cạnh trực tiếp.
Với chủ đề Phát triển văn hoá đọc trong DN, chúng tôi muốn góp phần khuyến khích các DN xây dựng tủ sách trong DN của mình. Vì thế, trước khi bình chọn “Top 10 cuốn sách đáng đọc”, chúng tôi có “Top 100 cuốn sách đáng có trong DN”. Và Top 100 cuốn sách này dựa trên nguồn 212 cuốn sách của 23 nhà xuất bản toàn quốc đề cử về Ban tổ chức. Trên cơ sở đó, Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân đã đọc và chọn ra 100 cuốn đáng có trong tủ sách DN. Từ đó mới tổ chức để bạn đọc bình chọn “Top 10 cuốn sách đáng đọc”.
Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan liên quan như Liên đoàn Lao động TP.HCM, các hiệp hội DN, nhà xuất bản, công ty phát hành… thực hiện chương trình xúc tiến thương mại để đưa “combo 100 cuốn sách” này đến với DN với mức chiết khấu từ các nhà xuất bản lên đến 25%.
Rất vui là trong "Top 10 cuốn sách đáng đọc" năm nay có 2 cuốn sách của doanh nhân viết. Đây là tín hiệu tích về mặt nhận thức, sự đón nhận của bạn đọc đối với sách doanh nhân viết.
Với chủ đề văn hoá đọc, chúng tôi còn tổ chức một hội thảo về vấn đề này. Có ba mục tiêu chúng tôi muốn hướng đến, đó là tạo diễn đàn để các DN chia sẻ về việc xây dựng văn hoá đọc tại DN. Các DN cũng đưa ra các yêu cầu với các nhà xuất bản nên xuất bản loại sách gì, như thế nào cho phù hợp. Đây cũng là cơ hội để các nhà xuất bản nhận đặt hàng từ các doanh nhân, DN trong việc sản xuất sách. Chúng tôi cũng hy vọng các nhà xuất bản sẽ đưa ra một số chương trình phối hợp cụ thể với các DN và những khuyến nghị đối với cơ quan chức năng để đẩy mạnh văn hoá đọc trong DN.
Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân đã đọc và chọn ra 100 cuốn đáng có trong tủ sách DN. Từ đó mới tổ chức để bạn đọc bình chọn “Top 10 cuốn sách đáng đọc” |
* Nhưng chương trình khuyến đọc, khuyến viết cũng đã được nhiều cơ quan ban ngành tổ chức, thưa ông?
- Tôi cho rằng, lâu nay Chính phủ, các địa phương và đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Thông tin Truyền thông rất quan tâm vấn đề khuyến đọc. Nhưng Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn với tư cách là cơ quan truyền thông của UBND TP.HCM, là tiếng nói đồng hành cùng doanh nhân, DN, chúng tôi tập trung vào khuyến đọc trong DN. Nếu làm tốt điều này sẽ góp phần rất lớn vào việc bổ sung tri thức cho đội ngũ người lao động, nâng cao hiệu quả làm việc cho họ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh nhân và Sách, chúng tôi ra mắt Tủ sách doanh nhân Việt Nam giới thiệu những cuốn sách do doanh nhân viết và sách viết về doanh nhân Việt Nam. Chúng tôi cũng đã làm việc với 9 trường đại học và trong khuôn khổ chương trình sẽ ra mắt 9 tủ sách tại những trường này. Tín hiệu rất vui là các trường đại học đều ủng hộ.
Năm nay, chúng tôi còn tổ chức chương trình Hành trang lập nghiệp của doanh nhân qua những trang sách. Đây là hoạt động giao lưu giữa doanh nhân với sinh viên ở các trường đại học. Tại chương trình, các doanh nhân chia sẻ về những cuốn sách làm thay đổi cuộc đời kinh doanh của họ, những cuốn sách hay họ đã đọc, nhờ đó giúp họ thành công. Chương trình không chỉ được tổ chức trong năm nay mà sẽ kéo dài trong nhiều năm sau, gắn với hoạt động của Doanh Nhân Sài Gòn và Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân.
* Với tâm huyết như vậy, hẳn “Tủ sách doanh nhân Việt Nam” có nhiều điều rất thú vị?
- Có rất nhiều điều thú vị về Tủ sách doanh nhân Việt Nam. Đó là những cuốn sách rất đặc biệt do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tuyển chọn dựa trên đề xuất của Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân. Năm nay, có 12 đầu sách của doanh nhân viết trong “Top 100 cuốn sách đáng đọc”. Bên cạnh đó, tủ sách có những cuốn sách hay của các doanh nhân trong Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân như sách của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Hoà Bình, bà Lê Thị Thanh Lâm - nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group - một doanh nhân trẻ trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản…
Từ hôm nay chúng tôi cũng tiếp tục tìm kiếm những cuốn sách hay của các doanh nhân Việt Nam để trưng bày ở các tủ sách trên cả nước. Những tủ sách này không chỉ đặt ở các trường đại học mà sẽ đến với các trường phổ thông trung học. Các cháu học sinh cấp 3 sẽ được tiếp cận sách viết về những doanh nhân, về những vấn đề kinh doanh, giúp hướng nghiệp cho các cháu.
Xa hơn nữa, chúng tôi mong muốn sẽ cùng với các trường đại học trên cả nước chọn ra những cuốn sách doanh nhân hay nhất của Việt Nam và dịch ra tiếng Anh. Chúng tôi sẽ mang những cuốn sách này đến với các thư viện của các trường đại học khác trên thế giới, một điều hoàn toàn khả thi, dựa trên cơ sở định hướng của Doanh Nhân Sài Gòn và Hội đồng Sách doanh nhân cùng sự ủng hộ tích cực từ các trường đại học. Tôi tin sẽ có nhiều cuốn sách của doanh nhân Việt Nam ngang tầm với doanh nhân thế giới.
* Tuần lễ Doanh nhân và Sách đã được tổ chức hai năm liên tiếp, vậy Ban tổ chức có xem đây là chương trình định kỳ?
- Đây sẽ là chương trình thường niên do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chủ trì. Chúng tôi hy vọng với mục đích cao đẹp như đã chia sẻ, Tuần lễ Doanh nhân và Sách sẽ được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nhân trên địa bàn TP.HCM cũng như cả nước để lan toả tinh thần đọc những cuốn sách của doanh nhân để lại cho thế hệ sau.
Tôi quan niệm rằng, doanh nhân làm ra gia sản để lại cho gia đình, con cái hoặc một phần cống hiến cho xã hội nhưng những điều ấy có thể mất đi theo thời gian. Nhưng nếu doanh nhân viết những cuốn sách được cộng đồng đón nhận sẽ tồn tại mãi theo thời gian.