Văn hóa đọc giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Đời thường - Ngày đăng : 05:00, 03/12/2021
Hội thảo do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chủ trì, phối hợp với Hội xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam, Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân và Công ty TNHH Đường sách TP.HCM tổ chức, diễn ra sáng 3/12/2021, trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh nhân và Sách năm 2021.
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các Hiệp hội, Hội, Câu lạc bộ doanh nghiệp, đơn vị xuất bản, phát hành sách và các doanh nghiệp (DN). Nội dung 11 bài tham luận trong Hội thảo là 11 góc nhìn của các đơn vị xuất bản, DN, doanh nhân, nhà khoa học thể hiện các góc nhìn khác nhau nhưng cùng một mục tiêu chung tay xây dựng văn hoá đọc trong DN.
Hội thảo "Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp" diễn ra vào 9g00 sáng 3/12, trực tiếp tại Hội nhà báo TP.HCM và trực tuyến qua Zoom |
Hệ sinh thái tri thức trong DN
"Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi doanh nhân là lực lượng quan trọng tạo động lực cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình hình thành đội ngũ doanh nhân này, tôi cho rằng sách là một trong những phương tiện quan trọng, thậm chí quan trọng hàng đầu", ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Theo ông, sách chính là người thầy, người bạn, là phương tiện cung cấp những nguồn tài sản vô tận cho giới doanh nhân nói riêng, cả cộng đồng, xã hội nói chung. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa đọc trong DN, lan tỏa việc đọc sách đến tất cả cán bộ công nhân viên của DN là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này tại một số DN đang vấp phải nhiều khó khăn.
Trong tham luận "Một số giải pháp phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp thời 4.0", ông Nguyễn Anh Dũng - Người sáng lập công ty CP SBooks chia sẻ 4 khó khăn dễ thấy nhất, đó là: DN không có sách phù hợp; cán bộ công nhân viên không có thời gian đọc sách hoặc DN không có phong trào; nhân sự tại DN không có động lực và lý do để đọc sách; thiếu sự kết nối giữa sách với người đọc để các chương trình, phong trào đọc sách diễn ra thuận lợi.
Ông Dũng nói: "DN cần ý thức việc xây dựng văn hóa đọc là cần thiết, người lao động cũng cần ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách. Quá trình này có thể thực hiện thông qua việc giải quyết 4 điểm yếu và thiếu trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong DN tôi đã nêu".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Cảnh Bình - sáng lập, Chủ tịch HĐQT Alpha Books chia sẻ: "Việc phát triển văn hóa đọc trong DN đòi hỏi chiến lược và cách tiếp cận toàn diện. Trong đó, mục tiêu chính là biến DN trở thành một tổ chức học tập với việc xây dựng hệ sinh thái tri thức bao gồm 3 cột trụ chính là Sách và Tri thức; Không gian đọc và các hình thức khuyến đọc, trao đổi, thảo luận; Các hoạt động khuyến đọc thông qua giải thưởng hoặc vinh danh.
Cụ thể, công cụ chính để phát triển văn hóa đọc trong DN là sách, là tủ sách hoặc thư viện. Song trong thời đại 4.0, sách không chỉ giới hạn là những quyển sách in mà còn là những quyển sách mềm hoặc số hóa như sách điện tử, sách nói, những bản tóm tắt sách, những review, trích dẫn sách… sao cho đáp ứng mong muốn tiếp cận sách của nhân viên trong DN. Việc lựa chọn những quyển sách chất lượng để đưa vào tủ sách DN cũng cần được quan tâm. Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân bình chọn là một gợi ý phù hợp.
Mặt khác, không gian đọc thoải mái và các hoạt động chuyên sâu tại DN như hội sách quản trị kinh doanh, hội thảo giới thiệu, truyền đạt các ý tưởng sách, các buổi trao đổi, trò chuyện hằng tuần về nội dung sách, chia sẻ các kiến thức học được và ứng dụng từ sách vở… Hay các hoạt động khuyến đọc thông qua việc trao đổi, vinh danh, đánh giá xếp hạng hoặc áp KPI cũng là một trong những trụ cột quan trọng giúp xây dựng và phát triển văn hóa đọc bền vững trong DN.
Con thuyền tri thức càng nặng, DN càng vững chãi
Đại diện phía DN, bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo Việt Nam chia sẻ: "Để xây dựng văn hóa đọc trong DN, lãnh đạo phải là người định hướng rõ ràng, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và có những cách truyền thông cụ thể đến cán bộ công nhân viên về lợi ích, ý nghĩa của việc đọc sách".
Tại New Toyo, việc đọc sách gắn liền với mục tiêu học tập và phát triển của công ty. Vì vậy, mỗi năm, mỗi phòng ban phải chọn ít nhất 4 đầu sách để cùng đọc; mỗi quản lý, trưởng bộ phận phải chọn 4 quyển sách khác để đọc thêm. Hằng quý, cả công ty sẽ có những buổi review, chia sẻ về sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình với sự tham gia của toàn thể nhân viên và ban lãnh đạo.
Trong xu thế phát triển của sách nói hiện nay, bà Quân cũng đầu tư chuẩn bị bộ sách nói cho nhân viên để các bạn có thể tận dụng thời gian rảnh tiếp cận với sách nhiều hơn. Trong tương lai, New Toyo dự kiến sẽ tặng các gói sách nói miễn phí cho các khách hàng, đối tác thân thiết để nhân rộng văn hóa đọc trong các DN khác và lan tỏa ra toàn xã hội.
Business Startup Support Centre (BSSC - Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp) là tổ chức hỗ trợ cho thanh niên Việt Nam thực hiện ước mơ kinh doanh và khởi nghiệp, môi trường làm việc toàn nhân sự trẻ. Song đơn vị này cũng ý thức rõ về vai trò của việc đọc sách và xây dựng văn hóa đọc.
Bà Bùi Thị Thanh Tú - Trưởng bộ phận Truyền thông của BSSC cho biết: "Câu hỏi yêu thích của BSSC khi phỏng vấn nhân sự, đặc biệt dành cho các bạn trẻ là 'Em thường làm gì trong thời gian rảnh?'. Bởi chúng tôi đánh giá cao những bạn trẻ có tư duy sự học là sự nghiệp suốt đời, không ngừng cập nhật kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, quan sát, lắng nghe, đào sâu suy nghĩ để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề. Đặc biệt, BSSC thường khuyến khích các bạn trẻ rèn luyện thói quen đọc sách".
Mỗi năm, từng nhân sự của BSSC được yêu cầu chọn 3 quyển sách yêu thích để đọc, ưu tiên sách bổ sung kiến thức nghiệp vụ chuyên môn hoặc nâng cao kỹ năng lãnh đạo. Ban giám đốc sẽ mua các đầu sách này bổ sung vào "Thư viện BSSC" với cam kết từ mỗi nhân sự: đọc, tóm tắt và chia sẻ. Vào mỗi thứ 6 hằng tuần, BSSC tổ chức buổi chia sẻ sách trong vòng 1 tiếng, đây được xem là một hoạt động tập thể bắt buộc, dựa trên cam kết cá nhân của mỗi thành viên BSSC.
"Sau 1 năm triển khai việc đọc sách, tất cả nhân sự BSSC đều đồng tình với nhận định: Con thuyền chở nặng có thể chìm, nhưng con thuyền tri thức càng nặng càng như một chiến thuyền vững chãi băng băng vượt sóng giữa biển khơi. Tất cả chúng tôi là đoàn thủy thủ trên chiến thuyền say mê với hành trình khám phá tri thức, phát triển bản thân và đóng góp giá trị cho tổ chức", bà Tú kết luận.
11 tham luận trong Hội thảo "Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp": 1."Làm gì để văn hóa đọc "ăn sâu bén rễ" trong doanh nghiệp" - NXB Tổng hợp TP.HCM; 2."Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Khó hay dễ?" - Saigon Book; 3."Cách Business Startup Support Centre nâng cao văn hóa đọc cho nhân sự" - BSSC; 4."Lợi ích của việc đọc sách từ cá nhân đến doanh nghiệp" - Kỹ sư Huỳnh Kim Thịnh - Tổng giám đốc công ty TNHH Học Viện VSE; 5. "Xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp và vấn đề lợi ích" - ThS. Nguyễn Minh Hải - trang tin điện tử Đảng bộ thành phố; 6."Tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách gắn với giải pháp phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp tại TP.HCM hiện nay" - Phòng Báo chí - Xuất bản - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; 7."Phát triển văn hóa đọc cho doanh nghiệp - Bước đầu hình thành hệ sinh thái tri thức của một tổ chức học tập" - Nguyễn Cảnh Bình, Trần Thị Khuyên - Alpha Books; 8."Một số giải pháp phát triển văn hóa đọc sách trong doanh nghiệp thời 4.0" - Công ty CP Sbook; 9."Văn hóa đọc - Hướng đi lâu dài đưa doanh nghiệp đi xa hơn" - Công ty CP Văn hóa Huy Hoàng - Chi nhánh phía Nam; 10."Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp" - Đinh Hà Duy Linh - Tổng giám đốc công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT 11."Doanh nhân 4.0 và Sách" - Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản - In - Phát hành sách. |