Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với doanh nghiệp" 2021 sắp khai mạc

Trong nước - Ngày đăng : 05:15, 03/12/2021

Sau những biến động toàn cầu do Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt bắt đầu kế hoạch phục hồi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, văn hóa kinh doanh được xem là một trong những lực đẩy mạnh mẽ để doanh nghiệp vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Diễn đàn quốc gia thường niên

Ban tổ chức Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp trong chương trình họp báo

"Hòa nhập nhưng không hòa tan"

Trước những yêu cầu đổi mới của cuộc cách mạng 4.0 cùng đòn bẩy "bất đắc dĩ" của đại dịch Covid-19, việc tái cấu trúc bộ máy doanh nghiệp (DN) và chiến lược kinh doanh đã không còn là xu hướng của các nền kinh tế phát triển mà trở thành một giải pháp tất yếu cho mọi DN muốn tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên mới. Điều này đặt ra thách thức cho các DN khi vừa phải đổi mới và hòa nhập với những xu hướng tiên tiến của thị trường, vừa phải củng cố, giữ gìn bản sắc và những giá trị cốt lõi của DN.

Bà Tiêu Yến Trinh – Tổng giám đốc (TGĐ) công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet) chia sẻ: "Đại dịch đã khiến nhiều nhà quản trị nhận ra, cốt lõi của một DN vững mạnh không đến từ những con số doanh thu, tăng trưởng… mà được xây dựng từ chính đội ngũ nhân tài và một văn hóa kinh doanh bền vững. Như một cây cổ thụ chỉ vững vàng trước gió bão khi gốc rễ cắm sâu vào đất, nền văn hóa DN đậm bản sắc, thể hiện rõ tinh thần và giá trị cốt lõi của DN và được truyền thông rộng rãi đến đội ngũ nhân viên mới giúp DN không lạc lối trước làn sóng hòa nhập và đổi mới toàn cầu".

Một văn hóa DN vững mạnh là sự tổng hòa của bản sắc, nội lực vốn có của DN và những tinh hoa của thế giới. Đây cũng chính là ý nghĩa của khái niệm "tiếp biến văn hóa", nghĩa là "tiếp thu và biến đổi văn hóa". Việc tiếp thu, học hỏi những tri thức, kinh nghiệm, tư duy… từ những nền kinh tế phát triển là điều tất yếu để DN Việt bắt kịp nhịp phát triển của thế giới. Nhưng, nếu không có sự chọn lọc, sáng tạo của bản thân thì DN có thể "đánh mất chính mình" và gãy vụn trước làn sóng toàn cầu hóa. "Hòa nhập nhưng không hòa tan" chính là kim chỉ nam để DN tỉnh táo xây dựng chiến lược phục hồi phù hợp, hướng tới phát triển bền vững trong thế giới hậu Covid.

3-12-2-8485-1638508077.jpg

Các diễn giả trong phiên 1 của Diễn đàn

Xây dựng chuẩn mực văn hóa kinh doanh tại Việt Nam

Có thể thấy, "tiếp biến văn hóa" dù có thể là một khái niệm lạ lẫm nhưng lại rất hợp thời trong bối cảnh vô định, liên tục thay đổi như hiện nay. Diễn đàn quốc gia Văn hóa với doanh nghiệp năm 2021 đã chọn "Tiếp biến văn hóa – Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế" là chủ đề năm nay nhằm khuyến khích DN Việt nâng cao văn hóa kinh doanh, đồng thời xây dựng chuẩn mực văn hóa kinh doanh tại Việt Nam. 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF) cho biết: "Văn hóa là giá trị xuyên thấu trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động và mọi thành phần. Văn hóa không phải chỉ là hoạt động chuyên môn của một ngành mà là chiều kích trong mọi lĩnh vực, là vấn đề không phải của riêng một người hay nhóm người, mà nên là mối quan tâm của tất cả chúng ta.

Văn hóa càng giữ vai trò quan trọng khi nhắc đến doanh nhân và DN vì trong bối cảnh đổi mới kinh tế, doanh nhân, DN cũng là bộ mặt của đất nước. Chúng ta cần quan tâm làm thế nào để DN, doanh nhân không chỉ mang "bề nổi" của sự giàu có, sung túc trên thị trường trong nước và quốc tế, mà còn phải có văn hóa. Đó mới là hình ảnh toàn vẹn." 

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình cấp quốc gia nhằm xem xét và vinh danh những DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh tại Việt Nam. Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) năm nay đều là những chuyên gia với thâm niên và kinh nghiệm dày dặn trong nhiều lĩnh vực, với nhiều cống hiến cho sự phát triển kinh tế và văn hóa Việt Nam nói chung, gồm: 

- Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF)

- Ông Phạm Phú Ngọc Trai - sáng lập và Chủ tịch công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC)

- Ông Võ Quang Huệ - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)

- Bà Tiêu Yến Trinh - TGĐ công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet)

3-12-3-2243-1638508077.jpg

Các diễn giả trong phiên 2 của Diễn đàn

Chia sẻ về ý nghĩa của chương trình năm nay, ông Võ Quang Huệ - Phó chủ tịch VASI cho biết: "Ban hành chuẩn mực về văn hoá kinh doanh Việt Nam là việc làm mang tính tiên phong, thúc đẩy việc xây dựng nền tảng cho các DN phát triển bền vững, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng văn hóa dân tộc. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, tôi nhận thấy hầu hết các DN tham gia đều có những hoạt động nêu cao trách nhiệm xã hội, điển hình là trong việc hỗ trợ chính phủ và người dân cả nước chống dịch Covid-19. Theo tôi, đây chính là tiền đề tích cực cho viêc xây dựng một bản sắc văn hóa kinh doanh của Việt Nam".

Các DN được vinh danh năm nay được hội đồng thẩm định xem xét, đánh giá dựa trên 5 nhóm tiêu chí: Lãnh đạo DN phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa DN; Thương tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội. Bộ tiêu chí này được xây dựng rất chi tiết, chặt chẽ nhằm bảo đảm đánh giá một cách toàn diện và công bằng chất lượng và bản sắc văn hóa của một DN. Đây là kết quả làm việc và nghiên cứu của các chuyên gia văn hóa, kinh tế đầu ngành của Việt Nam hiện nay, dưới sự giám sát của Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. 

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - sáng lập và Chủ tịch công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) nhận xét: "Tham gia thẩm định các DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, tôi nhận thấy rất nhiều DN đã thực sự nhận ra tầm quan trọng của văn hóa DN vững mạnh và có sự đầu tư nghiêm túc. Đây là một tín hiệu đáng mừng không chỉ cho bản thân DN mà còn với nền kinh tế Việt Nam, cùng hướng đến sự phát triển bền vững và mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho DN mà còn cả cộng đồng và xã hội. Từ đó, vị thế của DN Việt Nam sẽ được nâng tầm và tự tin hơn để sánh vai với các nền kinh tế lớn".

Diễn đàn quốc gia thường niên Văn hóa với Doanh nghiệp năm 2021 sẽ khai mạc ngày 5/12/2021 nhằm phân tích, nhận diện những giá trị của tiếp thu và biến đổi văn hóa trong việc phục hồi kinh tế từ góc độ văn hóa kinh doanh, từ đó trả lời cho câu hỏi văn hoá có thể là liều vaccine cho DN trước khó khăn hay không. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình cũng sẽ vinh danh 10 DN đạt chuẩn văn hóa DN Việt Nam năm 2021.

Diễn đàn quốc gia thường niên đầu tiên "Văn hóa với doanh nghiệp" gồm 02 phiên thảo luận chính.

* Phiên 1: "Tiếp biến văn hoá và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hoá kinh doanh", được thảo luận bởi các diễn giả: 

- TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 

- Ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), 

- GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân, 

- GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện VHNT QG Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam. 

Phiên 1 sẽ được dẫn dắt dưới sự điều phối của ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Le Group of Companies; Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam. 

* Phiên 2: "Vắc xin văn hoá doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19" là câu chuyện về vai trò của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại chịu nhiều tác động của dịch bệnh, có sự tham gia của các diễn giả: 

- Bà Tiêu Yến Trinh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet), 

- Ông Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), 

- Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PetroVietnam, 

- Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam 

- Bà Trần Trâm Anh - TGĐ Vùng Công ty TNHH Coats Phong Phú. 

Phiên 2 được điều phối bởi ông Lê Tấn Phước - Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty CP Searefico, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam.

Chương trình được Ban tổ chức triển khai cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" tổ chức, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công thương, Bộ VH-TT & DL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Phòng Thương mai & Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đường link đăng ký tham dự trực tuyến: https://cbf2021.vnabc.org.vn/

Anh Tuấn