5 lưu ý cho doanh nghiệp khi triển khai hóa đơn điện tử

Pháp luật - Ngày đăng : 00:30, 05/12/2021

Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC có nhiều quy định mới khiến nhiều doanh nghiệp gặp một số vướng mắc khi triển khai thực hiện. Chủ doanh nghiệp cần nắm rõ các lưu ý sau đây trong công tác chuẩn bị chuyển đổi hóa đơn điện tử.
5 lưu ý cho doanh nghiệp khi triển khai hóa đơn điện tử

Bắt buộc triển khai hóa đơn điện tử từ tháng 11/2021

Tổng cục Thuế cho biết, mục tiêu đến tháng 7/2022, 100% doanh nghiệp sẽ sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ triển khai theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 - 3/2022 tại 6 tỉnh, thành gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ; giai đoạn 2 từ tháng 4-7/2022 sẽ triển khai tại 57 tỉnh, thành còn lại.

Lựa chọn đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử

Nghị định 123 và Thông tư 78 được ban hành kèm theo những thay đổi về quy định cho hóa đơn điện tử. Do vậy, các doanh nghiệp cần thận trọng lựa chọn các đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử chuẩn theo những quy định mới nhất. Ngày 17/11/2021, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố danh sách 20 tổ chức đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với Tổng cục Thuế. Doanh nghiệp có thể tham khảo tại trang web của Tổng cục thuế.

Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP

Sau khi nhận được thông báo yêu cầu chuyển đổi hóa đơn điện tử từ cơ quan thuế, doanh nghiệp phải đăng ký trên phần mềm của các nhà cung cấp dịch vụ đã đạt chuẩn theo Nghị định 123 và Thông tư 78 mà Tổng cục Thuế đã công bố trước đó. Để đăng ký, doanh nghiệp cần thực hiện đủ ba bước: lập tờ khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; đợi Tổng cục Thuế gửi thông báo đã tiếp nhận đăng ký; đợi thông báo chấp nhận hoặc không chấp nhận từ Tổng cục Thuế.

Nắm rõ thời điểm hủy hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử còn tồn

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 15 Nghị định 123 có nêu rõ, kể từ thời điểm cơ quan thuế chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo nghị định này, doanh nghiệp bắt buộc phải dừng sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định cũ. Để tiêu hủy những hóa đơn còn tồn, doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 27 Nghị định 123. Trong đó, doanh nghiệp cần chú ý chuẩn bị bộ hồ sơ tiêu hủy hóa đơn bao gồm quyết định thành lập hội đồng tiêu hủy hóa đơn; bảng kiểm kê hóa đơn cần tiêu hủy; biên bản tiêu hủy và thông báo kết quả hủy hóa đơn.

Biết cách xác định là đối tượng có mã hay không có mã của cơ quan thuế

Tại Điều 91 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, doanh nghiệp sẽ có đầy đủ thông tin để biết thuộc nhóm đối tượng có mã hay không có mã của cơ quan thuế. Theo đó, các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là những doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng, cung cấp dịch vụ và có rủi ro cao về thuế. Các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là những doanh nghiệp kinh doanh điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch…

HT