Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Khó hay dễ?

Đời thường - Ngày đăng : 09:00, 06/12/2021

Bên cạnh việc triển khai các mô hình đào tạo nội bộ phù hợp với xu hướng của thời đại 4.0, văn hóa đọc sách cũng được xem là một trong những hoạt động giúp nhân viên nâng cao kiến thức, phát triển tư duy và xây dựng được văn hóa doanh nghiệp đặc trưng. Tuy nhiên cho đến hiện tại, chúng ta phải thừa nhận rằng việc xây dựng văn hóa đọc trong một doanh nghiệp từ trước tới này chưa bao giờ là dễ, đặc biệt trong một doanh nghiệp sản xuất phần lớn là lao động phổ thông.
Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Khó hay dễ?

Như chúng ta cũng biết, thói quen dùng thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính mỗi ngày nơi công sở, hoặc tính chất đặc thù của của người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất vô tình làm cho việc đọc sách trở nên khó khăn hơn. Dù trên thực tế, việc đọc sách là vô cùng quan trọng để giúp mỗi nhân viên phát triển tư duy, kích thích sự sáng tạo để phục vụ công việc hoặc chỉ đơn giản là có được những giây phút thư giãn lành mạnh sau những giờ làm việc căng thẳng.

Nhưng chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng 4.0 - nơi mà sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng xã hội có tác động vô cùng mạnh mẽ đến sinh hoạt và công việc của hầu hết mọi người. Người lao động cũng không đứng ngoài làn sóng công nghệ ấy, họ cũng dần hình thành thói quen tìm hiểu mọi thông tin, kiến thức bằng cách seach trên Google hoặc trên các ứng dụng tìm kiếm khác.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Văn hóa Sách Sài Gòn - Saigon Books thì: “Nếu so sánh với các nước phát triển, rõ ràng tỷ lệ đọc sách trên đầu người của Việt Nam còn thấp, tức là quy mô thị trường sách của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, chứ không nói đến các nước Âu Mỹ”.

Có rất nhiều nguyên nhân chính dẫn đến việc khó phát triển văn hóa đọc nơi công sở, nhưng đa phần có hai nguyên nhân chủ yếu là không có thời gian (áp lực công việc, gia đình, bạn bè…) và đa số các công ty, doanh nghiệp cũng không quá chú trọng đến việc đưa văn hóa đọc vào trong việc đào tạo doanh nghiệp, dẫn đến thực tế là nhân viên và ngay cả người quản lý ít có cơ hội được tiếp cận với các đầu sách phù hợp với mình. Điều này cho thấy việc đưa văn hóa đọc vào các doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng nói chung là điều không thể xây dựng ngày một ngày hai mà cần có những “chiến lược” và định hướng lâu dài.

Nói vậy không có nghĩa rằng việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp không phải không thể, nếu mỗi doanh nghiệp biết cách tuyên truyền và tạo ra những hoạt động phù hợp cho nhân viên của mình. Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đã nói: “Văn hóa đọc thấp tất yếu bức tranh tiêu thụ sách của chúng ta không sáng sủa. Việc đọc lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ thành hình thói quen đọc. Văn hóa đọc cao góp phần vào sự phát triển của ngành xuất bản và cao hơn là sự phát triển của đất nước”.

2-1753-1638693046.jpg

Quả thật vậy, để đất nước phát triển, một trong những yếu tố quan trọng đó chính là giáo dục. Mà sách chính là kiến thức, việc học tập từ việc đọc sách là một trong những nền tảng để giúp mỗi cá nhân đi đến sự thành công và tri thức suốt đời. Nên chúng ta không chỉ áp dụng mô hình đọc sách ở trường, lớp mà mỗi doanh nghiệp cần phải bắt tay vào việc áp dụng mô hình này vào đào tạo cho cán bộ nhân viên.

Trước tiên, các công ty, doanh nghiệp phải nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc, từ đó mới có sự quan tâm và đưa ra phương hướng phát triển văn hóa đọc cho nhân viên. Hiện nay, việc đầu tư xây dựng những tủ sách trong các doanh nghiệp còn rất ít. Trong khi đó, để phát triển văn hóa đọc thì việc trang bị những tủ sách, phòng đọc sách là điều cần thiết cho nhân viên tại môi trường làm việc. Các doanh nghiệp cần có chính sách xây dựng một “thư viện” phù hợp với nhu cầu của văn hóa công ty mình.

Vì thế, trong mỗi doanh nghiệp nên đầu tư xây dựng những tủ sách và đặt ngay tại văn phòng với những nội dung phù hợp với mọi đối tượng nhân viên để kích thích thói quen đọc ngay trong môi trường làm việc. Các lãnh đạo, nhà quản lý cần triển khai thường xuyên các hoạt động truyền thông nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức của nhân viên liên quan đến văn hóa đọc.

Có thể tiến hành điều tra nhu cầu đọc của nhân viên theo định kỳ, từ đó có những kế hoạch đầu tư hợp lý cho việc phát triển văn hóa đọc. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần liên kết, hợp tác với các đơn vị xuất bản sách để mang đến những đầu sách bổ ích nhằm phát huy tính tích cực chủ động nhân viên trong việc đọc sách.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra, chúng ta có thể đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa đọc liên quan đến sách trên các nền tảng online bằng cách sử dụng Internet để tiếp cận ebook, tìm kiếm và biết đến nhiều cuốn sách bổ ích khác thông qua các nền tảng số. Bên cạnh đó, việc lập ra một group chung trong nội bộ công ty để chia sẻ và nêu lên những cảm nhận về những cuốn sách mình yêu thích với đồng nghiệp và lãnh đạo cũng là một cách để mỗi nhân viên phát triển khả năng viết và giao tiếp, đồng thời kéo gần khoảng cách, giúp mọi người hiểu nhau và có thể tìm kiếm được giải pháp để giải quyết các vấn đề trong công việc và cuộc sống mà mỗi cá nhân đang mắc phải.

(*) Saigon Books

KB (*)