Nuôi dưỡng ý chí thực nghiệp
Đời thường - Ngày đăng : 07:19, 06/12/2021
Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn Trần Hoàng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cùng lãnh đạo các Hội doanh nghiệp, HUBA và các doanh nhân thực hiện nghi thức ra mắt tủ sách. |
Lan toả tư tưởng "thương đức", "thương tài"
Với tư tưởng xây dựng đội ngũ doanh nhân có "thương đức", "thương tài", đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cụ Lương Văn Can đã mở đường xây dựng thế hệ doanh nhân Việt Nam thời hiện đại. Hai tác phẩm Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm được cụ Lương Văn Can trước tác vào những năm cuối đời gửi gắm nhiều điều tâm huyết, đúc kết từ nhận thức và thực tiễn kinh doanh mà cụ đã dấn thân trải nghiệm.
Trên thực tế, cả cuộc đời cụ Lương Văn Can là minh chứng cho "đạo kinh doanh" mà cụ xây dựng: Kinh doanh chính là phụng sự xã hội - Kinh doanh phải minh bạch và chính đáng - Cần kiệm là cái đạo lớn của người kinh doanh - Sử dụng đồng tiền để phục vụ lại xã hội.
Từ những nỗ lực cổ xúy kinh doanh của cụ Lương Văn Can nói riêng, và các nhà nho trí thức khi ấy nói chung, đến đầu thế kỷ XX, một tầng lớp thương nhân đã từng bước hình thành ở Việt Nam và ngày càng phát triển lớn mạnh.
Trong 20 năm qua, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn với tôn chỉ "Cùng doanh nhân - Vì doanh nhân" đã lấy tư tưởng của cụ Lương Văn Can làm kim chỉ nam cho hoạt động truyền thông của mình. Trong đó, có việc đề xuất Thủ tướng lấy ngày 13/10 hằng năm làm ngày Doanh nhân Việt Nam và tổ chức Giải thưởng tài năng Lương Văn Can sau khi được gia đình cụ chấp thuận.
Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn Trần Hoàng phát biểu tại sự kiện |
Tiếp tục sứ mạng đó, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã tổ chức Lễ cung thỉnh tượng cụ Lương Văn Can về tòa soạn. Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí cho hay: "Hôm nay, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn vui mừng cung thỉnh tượng cụ Lương Văn Can về trụ sở làm việc là tiếp tục kế thừa và thể hiện tính nhân văn sâu sắc đối với các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm của Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn; thể hiện lòng biết ơn vô hạn những tư tưởng kinh doanh của cụ Lương Văn Can đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và cần được phát huy để làm kim chỉ nam cho doanh nhân Việt Nam".
Khuyến khích tinh thần học hỏi và lưu truyền giá trị kinh doanh
Cùng với việc cung thỉnh tượng cụ Lương Văn Can, Tủ sách Doanh Nhân Việt Nam cũng được đặt tại tòa soạn Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, với mong ước khuyến khích tinh thần học hỏi và viết sách của doanh nhân để có thêm nhiều tác phẩm lưu truyền cho hậu thế. Tủ sách Doanh nhân Việt Nam là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng sách do doanh nhân Việt Nam viết hoặc sách viết về doanh nhân Việt Nam trên thế giới. Trong thời gian qua, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân đã tổ chức lễ trao tặng Tủ sách Doanh nhân Việt Nam tại 9 trường đại học ở TP.HCM.
Theo ông Trần Hoàng, nhìn ra thế giới, chúng ta dễ tìm thấy những tựa sách của người thành đạt, hầu như mỗi doanh nhân thành đạt đều có ít nhất 1 cuốn sách để lại cho đời. Nhìn lại Việt Nam, sách do doanh nhân viết để lại còn rất hạn chế. Các trường đại học ngày nay đa phần lấy những cuốn sách của doanh nhân nước ngoài để giảng dạy hoặc truyền cảm hứng cho sinh viên. Điều ấy tốt nhưng chưa trọn vẹn khi văn hóa của Việt Nam khác với họ. Do vậy, đứng ở góc nhìn này, việc có nhiều sách hay của doanh nhân Việt phục vụ nhu cầu giảng dạy, truyền cảm hứng cho người học là rất quan trọng.
"Doanh nhân Việt tham gia viết sách hoặc làm nhân vật để viết thành sách dù ở bất kỳ quy mô doanh nghiệp như thế nào cũng là một hoạt động cộng đồng tri thức rất ý nghĩa. Chúng tôi tin rằng, mỗi cuốn sách của doanh nhân lưu truyền một giá trị kinh doanh", ông Trần Hoàng nói.
Đề cao tâm huyết của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn trong việc phát triển văn hóa đọc, đạo đức trong kinh doanh, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM kỳ vọng trong thời gian tới, hành động này sẽ lan tỏa đến các doanh nhân, đặc biệt là tầng lớp doanh nhân trẻ. Ngoài ra, những thanh niên khi được tiếp xúc với giáo trình này cũng sẽ được đào tạo đạo đức, văn hóa trong kinh doanh chứ không chỉ học hỏi công cụ, phương pháp, kế sách trong kinh doanh.
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM hoan nghênh những việc làm của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn liên quan đến phát triển văn hóa đọc |
Ông Nguyễn Ngọc Hoà - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM đánh giá, việc Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn xây dựng Tủ sách Doanh nhân Việt Nam rất hay và cần thiết đối với doanh nhân Việt Nam.
Ông nói: "Thời gian trước, cá nhân tôi thấy tủ sách dành cho doanh nhân còn chưa phát triển mạnh và hạn chế. Do đó, từ đây tôi mong muốn có thêm những tác phẩm ghi chép cuộc đời của doanh nhân Việt Nam chịu khó học hỏi và vượt khó. Thông qua tủ sách, học sinh, sinh viên cũng sẽ hiểu hơn về hoạt động của cộng đồng doanh nhân TP.HCM và doanh nhân Việt Nam nói chung, từ đó các em có thể hun đúc khát vọng trở thành doanh nhân giỏi, có khát vọng làm giàu, đồng thời đào tạo ra thế hệ doanh nhân mới rạng danh nền kinh tế Việt".