Việt Nam có cơ hội tốt để bứt phá từ cách mạng công nghiệp 4.0

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 09/12/2021

Việt Nam đã lọt vào tốp 20 quốc gia có số dân sử dụng Internet đông nhất thế giới với 64 triệu người, đạt tỷ lệ gần 67% dân số… Thị trường thương mại điện tử tăng 69%, đưa Việt Nam vào tốp 3 thị trường thương mại điện tử có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Việt Nam có cơ hội tốt để bứt phá từ cách mạng công nghiệp 4.0

Các chuyên gia cho rằng, hơn 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam phát triển không ngừng cả về hạ tầng và thị trường. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển mạnh. Trong đó, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) cũng có chuyển biến mạnh mẽ. Ngân hàng Nhà nước đã chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động quản lý, kinh doanh ngành ngân hàng, đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống.

Chủ trương ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản phẩm theo chuỗi trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Các chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai được Chính phủ ban hành đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp trong nước, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam...

Tuy nhiên, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn văn bản pháp luật như sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông và xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về hạ tầng số, về công nghiệp công nghệ. Đồng thời, cần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu trong từng ngành, lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho việc tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin.

Cần ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước và có giải pháp cụ thể cho ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo đạt tỷ lệ 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Việt Nam cần đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất cho các địa phương, các đơn vị tuyến huyện, xã, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới…

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực; các đơn vị cần tăng khả năng phối hợp, liên kết đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực giữa nhà trường, các trung tâm đào tạo với doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Từ góc độ doanh nghiệp, toàn cầu hóa kinh tế số mang lại sự tăng trưởng cho tất cả phân đoạn của khu vực kinh tế công và tư nhân đồng thời cho phép hình thành một thị trường có thể tiếp cận toàn thế giới. Vì vậy, trên bình diện chung, doanh nghiệp số dù ở quy mô nào cũng có thể mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường, cung cấp các dịch vụ qua biên giới đến khách hàng ở bất cứ quốc gia nào. Từ đó, việc xâm nhập vào thị trường mới trở nên hiệu quả hơn do dễ dàng vượt qua được các rào cản với chi phí thấp hơn so với các mô hình kinh doanh truyền thống.

Trước xu thế cạnh tranh mới, nhu cầu mới từ khách hàng cũng như những mô hình đáp ứng mới, yêu cầu về nhân tài và động lực toàn cầu mới, các doanh nghiệp phải tìm được cách giải quyết tất cả những thách thức bất ngờ trong khi vẫn phải đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.

HT