Trong bối cảnh đặc biệt, phải có giải pháp đột phá
Trong nước - Ngày đăng : 03:30, 10/12/2021
Nhiều diễn giả tham gia diễn đàn cho rằng, cần phải phối hợp chặt chẽ, hài hòa cả chính sách tài khóa và tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác, có quy mô đủ lớn, phủ rộng các thành phần kinh tế, các ngành nghề, có lộ trình trong hai năm 2022-2023 và kéo dài sang những tháng đầu năm 2024, với những mục tiêu dài hạn và những dự án đầu tư công, từ đó mới mau chóng khôi phục và phát triển nền kinh tế đất nước.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, sự phục hồi kinh tế hiện nay của Việt Nam đang ở dạng hình chữ U, thay vì chữ V như nhiều nước trên thế giới. Theo dự báo, năm 2022, nền kinh tế nước ta còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nếu không có những giải pháp đặc biệt, có thể sẽ bị lỡ cơ hội phát triển, thậm chí tụt hậu.
Diễn đàn đánh giá cần thiết phải có chính sách hỗ trợ và sớm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về cải cách nền kinh tế, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm quốc gia với các tổ chức và cộng đồng quốc tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp FDI.
Do đó, các chính sách tổng thể phải tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành và lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi đại dịch Covid-19; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chuẩn bị năng lực đầu tư, đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao và có tính dài hạn. Trong cải cách thể chế kinh tế, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Đối với kết cấu hạ tầng logistics, chuyển đổi số, các chính sách cần xác định đúng và trúng đối tượng, tạo ra tác động lan tỏa kích thích phục hồi kinh tế và đảm bảo hiệu quả của dòng vốn đầu tư.
Phát biểu tại phiên bế mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cần quan tâm nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế. Trong hai năm 2022-2023, tập trung hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động và kích cầu thị trường. Các chính sách không chỉ khắc phục hậu quả của khủng hoảng do đại dịch, mà còn tính về lâu dài là cơ cấu, cấu trúc lại nền kinh tế để hướng tới phát triển theo hướng xanh, số và bền vững.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh tới việc cần phải thay đổi nhận thức, tư duy về hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể là chú trọng quan hệ hữu cơ gắn kết giữa ngân sách nhà nước, tín dụng ngân hàng và nhu cầu của doanh nghiệp, người dân. Doanh nghiệp, người dân tạo ra của cải, đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng như tạo ra dòng tiền với hệ thống ngân hàng. Do vậy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển hệ thống ngân hàng.
Về hỗ trợ lãi suất, cần tập trung vào tháo gỡ điểm nghẽn và vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, tức là hỗ trợ có điều kiện chứ không phải là hạ chuẩn. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chú trọng cải tạo chung cư cũ. Hỗ trợ tài chính để nhà đầu tư xây dựng và sửa chữa chung cư có lãi.