Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group: "Tinh thần vững của người lãnh đạo là sức khỏe của doanh nghiệp"
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 01:00, 11/12/2021
* Trong lúc hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM khó khăn vì đại dịch Covid-19 nhưng Phúc Sinh vẫn báo tin kinh doanh tốt. Do nỗ lực xoay sở, thích ứng hay do yếu tố khách quan, thưa ông?
- Phải nói năm 2020 là năm vô cùng khó khăn khi cả thế giới và Việt Nam phải quay cuồng với đại dịch Covid-19. Một bức tranh kinh tế ảm đạm chìm trong đại dịch với nhiều nỗi âu lo và luôn bất biến. Nói chuyện với khách hàng ở các nước, tôi nhìn thấy sự hoảng loạn trong giọng nói và nhiều người còn bị tổn thương tinh thần. Và đó cũng là thời điểm việc kinh doanh quốc tế, xuất khẩu không hề dễ dàng.
Giá hạt tiêu tăng liên tục, gấp đôi so với năm 2019 do giới đầu cơ tích trữ đẩy giá lên cao. Điều đó có nghĩa Phúc Sinh cũng sẽ bị lỗ lớn khi hợp đồng cung ứng cho khách hàng đã ký. Trong khi đó, giá cà phê lại không tăng nhưng giá cước tàu, kho hàng lại tăng, nhiều công ty ở nước ngoài phá sản... Một năm 2020 với nhịp điệu kinh doanh luôn căng thẳng nên chúng tôi cũng phải cân não đến từng phút trong từng quyết định.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến Việt Nam, nhất là TP.HCM và mọi hoạt động kinh doanh gần như bị tê liệt do dịch bệnh và giãn cách. Ngay trong khó khăn đó, khẩu hiệu của Phúc Sinh đưa ra là phải giữ kết nối con người và kinh doanh liên tục, không bị gãy. Dịch Covid-19 khiến những chuyến hàng xuất khẩu của chúng tôi kéo dài từ hai tuần lên hơn một tháng. Hàng hóa cũng tiêu thụ ít và chậm hơn. Doanh thu của công ty có thời kỳ giảm tới 40%. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xoay sở, chuyển sang bán tiêu Indonesia, ớt châu Phi và vẫn có doanh thu, đủ trả lương cho nhân viên và trả lãi vay ngân hàng.
Có một chi tiết vui là khi nhân viên của chúng tôi đến ngân hàng làm thủ tục chuyển khoản để xuất hàng đi, cô nhân viên ngân hàng nói: "Hôm nay, tụi em chỉ giải ngân cho mỗi Công ty Phúc Sinh thôi, các công ty khác đóng cửa hết rồi".
Cũng may mắn là trong năm 2021, xuất khẩu tiêu, cà phê Việt Nam đều tăng hơn 60% giá. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng của năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 2,42 tỷ USD, tăng 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu hồ tiêu trong 10 tháng của năm 2021 đạt trên 791,7 triệu USD, về giá trị tăng hơn 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chúng tôi đã rất thành công và có nhiều kết quả khởi sắc với ngành hàng tiêu dùng.
* Nhiều người hay nói: "Trong nguy có cơ” và thời điểm TP.HCM bị giãn cách chính là "cơ”để nhiều người biết đến Kphucsinh.vn?
- Công ty hàng tiêu dùng của Phúc Sinh đã được thành lập 4 năm và năm 2020 trang thương mại điện tử Kphucsinh.vn ra mắt. Khi tất cả cửa hàng, siêu thị và thương mại điện tử đều đóng cửa vì dịch thì Kphucsinh.vn vẫn hoạt động và đi giao hàng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm. Thế là mọi người đổ xô tới đặt và mua hàng. Lần đầu tiên trang web của chúng tôi full (kín) lịch đặt, giao hàng và được mọi người biết tới. Và kết quả kinh doanh được ghi nhận rất tuyệt. Nhưng hạnh phúc nhất là nhiều khách hàng chia sẻ: "May quá, còn Kphucsinh.vn hoạt động nên còn có chỗ để mua đồ ăn".
* Quyết định quay lại thị trường nội địa khi xuất khẩu khó khăn là một "phép thử" kinh doanh của Phúc Sinh và đó là phép thử đúng và dễ hơn thị trường xuất khẩu ?
- Khi nhiều nước bị phong tỏa vì dịch bệnh còn Việt Nam thì chưa bị ảnh hưởng nhiều, tôi tính ngay đến phương án thử quay lại thị trường nội địa. Và thế là cả công ty hăm hở lao vào. Nhiều kế hoạch, ý tưởng mà trước đó còn dang dở nay được hoàn thiện và sáng tạo. Để tập trung vào nội địa, chúng tôi đã thay đổi toàn bộ thiết kế sản phẩm, chất lượng, bao bì và ra mắt hàng loạt sản phẩm mới là tiêu xanh sấy lạnh, sốt tiêu, trà cascara, tiêu hồng... Chúng tôi làm như chưa bao giờ được làm, đến nỗi nhiều người thắc mắc: "Lúc khó khăn cả thị trường im ắng, sao Phúc Sinh lại làm nhiều thế?".
Nhiều người cho rằng, quay lại nội địa dễ dàng hơn nhưng thực tế không dễ, nhiều khi 4-5 giờ sáng chúng tôi đã phải lao ra chợ và ngoài đường để bán hàng. Có một điểm rất khác và khó khi bán hàng trong nước, đó là dù khách hàng đã chốt đơn hàng mua, thậm chí có người đặt mua cả chục thùng xong lại biến mất hoặc xin lỗi. Việc hủy hợp đồng cũng được họ xem là chuyện bình thường.
Song với kinh nghiệm xuất khẩu và bán hàng ra thế giới, lợi thế của chúng tôi khi quay lại nội địa là tư duy và cách làm chuyên nghiệp. Nhờ vậy mà phép thử của tôi đã đúng và đạt doanh số tốt ngay trong lúc đại dịch khó khăn nhất.
* Trong rất nhiều thứ khó phải đối mặt và phải trải qua, ông thấy yếu tố nào quan trọng nhất mà người lãnh đạo phải có và làm được trong thời điểm khó khăn nhất?
- Những gì Phúc Sinh làm được trong đại dịch vừa qua đều dựa vào logic để xử lý và phán đoán. Và trong khó khăn đó, chúng ta không có sự chọn lựa nào khác là nỗ lực tiến lên để vượt qua khó khăn. Trước mắt, vẫn còn rất nhiều thách thức và đại dịch còn nhiều bất biến, ngoài sự phán đoán và logic thì tinh thần vững của người lãnh đạo cũng là điều quan trọng, bởi có rất nhiều thứ đau đầu buộc mình phải tỉnh táo giải quyết. Ví dụ, chỉ riêng việc tổ chức cho nhân viên ăn ở làm việc tại công ty cũng đã có nhiều chuyện, nào là nệm ngủ cứng quá, đồ ăn không hợp, rồi vệ sinh cá nhân, chỗ ở, tâm lý buồn bã, gương mặt nhiều người bị tổn thương, stress vì không được ra ngoài hay về nhà... Khi đó, tôi phải kiên nhẫn nhiều hơn, luôn nghĩ phải làm điều gì đó để mọi người lên tinh thần và vượt qua khó khăn này. Với tôi, tinh thần vững của người lãnh đạo cũng chính là sức khỏe của doanh nghiệp.
* Ông từng nói: "Chuyển đổi số đã giúp Phúc Sinh vượt qua đại dịch. Có những thời điểm trong mùa dịch, doanh số Phúc Sinh còn tăng gấp đôi và đây cũng là một yếu tố quan trọng...
- Đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu cấp thiết buộc nhiều doanh nghiệp phải nghĩ đến việc chuyển đổi số. Thế nhưng, từ 15 năm trước khi thấy khó khăn lớn nhất của một doanh nghiệp sản xuất là kết nối với các hộ nông dân, các bên trung gian hay truy xuất nguồn gốc, Phúc Sinh đã ứng dụng hệ thống phần mềm để có thể tính toán, kiểm tra và thống kê được công việc cụ thể hằng ngày.
Mặc dù việc đầu tư chuyển đổi số là khá tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức, tuy nhiên các giải pháp công nghệ đã giúp Phúc Sinh tăng trưởng ổn định, vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 và là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Cũng nhờ áp dụng phần mềm hiện đại vào làm việc, chúng tôi giảm được từ 20 nhân sự xuống còn 4 người mà vẫn đảm bảo công việc.
* Trong rất nhiều nhận xét về ông như: "Một con người giản dị dễ thương, suy nghĩ hiện đại, táo bạo phóng khoáng, nhạy bén với thời cuộc, sáng tạo và dám nghĩ dám làm"... ông thích nhất nhận xét nào?
- Thế hệ của tôi sinh ra đúng vào năm đất nước thống nhất hai miền Nam Bắc, cái mới đến mà chưa kịp khẳng định, mọi thứ đều mới mẻ ngỡ ngàng và cũng không ít xáo trộn trong tâm tư tình cảm cũng như cách làm ăn kinh tế. Tôi đã dám vứt bỏ cái cũ, thoát ra cái vòng ràng buộc kim cô của cách làm bao cấp quốc doanh để chọn cho mình một con đường riêng. Và trong kinh doanh, tôi cũng là người thích tìm thử thách, sáng tạo. Và thực tế đã chứng minh nhờ tinh thần luôn suy nghĩ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà Phúc Sinh luôn mới, luôn khác biệt.
Trong quá trình làm việc, tiếp xúc với khách hàng, tôi cũng được ảnh hưởng của phong cách châu Âu, Mỹ và một trong những phẩm chất đáng quý nhất tôi thấm nhuần là luôn nỗ lực hết sức để tạo ra chất lượng sản phẩm tốt để khách hàng hài lòng. Thị trường hiện tại rất nhiều cạnh tranh nhưng thiếu sự sáng tạo. Vì vậy, tôi luôn tìm tòi và thích làm điều mới mẻ.
* Ngoài kinh doanh, gần đây ông còn viết sách. Vì mục đích gì? Vì ông muốn nổi tiếng, muốn trở thành nhà văn hay muốn thử sức ở một sân chơi khác...?
- Người ta giải tỏa áp lực bằng chơi golf, tennis, tôi tìm đến nghệ thuật tao nhã là chơi tranh và viết văn. Với những trải nghiệm đã từng, những thành công, thất bại và sai lầm đã qua, tôi muốn viết sách để truyền tải động lực đến tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ thế hệ đi sau, những người đang muốn khởi nghiệp có thể vươn lên, vượt qua những khó khăn để lập nghiệp, tránh đi lại những vấp váp mà tôi từng phải trả giá đắt.
Trong suốt hành trình sự nghiệp của mình, tôi đã đi nhiều nơi và mỗi nơi, tôi đều muốn ghi lại những khoảnh khắc, thuận lợi, khó khăn. Với năng lượng tích cực nhất mà tôi có được đặc biệt là trong đại dịch, tôi muốn lan tỏa đến nhiều người. Và trên hết, thông điệp mà tôi muốn gửi gắm đến bạn đọc qua các trang sách của mình, đó là suy nghĩ tích cực trong cuộc sống và chỉ có sáng tạo mới có thể vượt lên những thời khắc khó khăn. Ngoài ra, sách của tôi không chỉ đơn thuần kể chuyện bí quyết kinh doanh mà còn là sự suy ngẫm của tôi về nhiều góc nhìn khác nhau về con người và đời sống. Là tri thức, là kinh nghiệm rút tỉa từ các thương vụ trên thương trường, kinh doanh, cuộc sống và nền văn hóa trên khắp thế giới.
Cuốn sách đầu tiên Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh của tôi đã bán được 13.000 bản in và cho đến nay vẫn còn rất nhiều độc giả tìm kiếm. Vượt lên, những con đường kinh doanh là cuốn sách thứ hai vừa được tung ra thị trường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng đã bán được gần 7.000 bản đến thời điểm này.
* Khi nói về startup, quan điểm của ông là không quan trọng bằng cấp bằng việc làm được gì cho bản thân và xã hội, vì sao thưa ông?
- Lâu nay, nhiều phụ huynh và các bạn trẻ quen với việc có một tấm bằng đại học hay xa hơn có một tấm bằng đại học danh giá là đủ và đi làm là yên phận. Thực ra, việc học hành là quan trọng nhưng chỉ là bước đầu để có một việc làm tốt. Cái chính là phải luôn nỗ lực để làm ra nhiều sản phẩm tốt, sáng tạo và có tính cạnh tranh cho chính mình và xã hội. Muốn có được tinh thần đó thì phải giáo dục và truyền lửa cho các bạn trẻ từ lúc còn thiếu niên và bản thân cũng cần phải phấn đấu cả đời. Đôi khi thành công phụ thuộc vào cái gì đó bên trong con người chứ không phải tiền bạc hay bằng cấp.
* Là người cũng thích tranh và chơi tranh, nhưng xem ra ông cũng có khá nhiều suy tư về tranh?
- Tôi chơi tranh từ năm 2012. Đầu tiên, tôi chỉ mua tranh để treo kín bức tường trống trải. Khi mua hai bức đem về treo, thấy căn nhà ấm cúng hẳn lên. Thế là tôi tiếp tục mua tranh, ngắm tranh từ đó. Đam mê tranh của tôi cũng nhen nhóm từ những lần đi cùng đối tác đến các bảo tàng nghệ thuật hay đến thăm gia đình họ, tôi thấy họ treo tranh, thể hiện sự trân trọng với tác phẩm nghệ thuật. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi cảm nhận được cái đẹp. Tôi đi rất nhiều nên có sự rộng lượng về văn hóa.
4 năm chơi tranh, tôi thấy chủ doanh nghiệp nước ngoài từ nhỏ đến lớn rất nhiều người chơi tranh, sưu tập và đầu tư tranh. Cái đấy cũng rất khác với việc chơi, mua và sưu tập tranh tại Việt Nam. Việt Nam có nhiều họa sĩ vẽ đẹp nhưng người chơi tranh lại rất ít là chủ doanh nghiệp, chủ ngân hàng và các quỹ đầu tư. Nếu thị trường tranh Việt Nam chỉ dựa vào các người chơi nước ngoài thì giá tranh của họa sĩ Việt Nam làm sao tăng lên được, làm sao có sự công bằng được?
Ở nước ngoài, các ông chủ khi để lại tài sản kế thừa, ngoài tiền, bất động sản thì danh mục rất quan trọng và nhiều giá trị là các bức tranh, nhưng tại Việt Nam thì tài sản để lại là tranh thì gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay.
* Đại dịch vừa qua cũng là lúc nhiều người ngẫm cho mình được nhiều giá trị sống, bản thân ông đã ngẫm được điều gì trong kinh doanh, cuộc sống, gia đình, bạn bè...?
- Tôi có viết một số bài về sống chậm và sống hạnh phúc trong cuốn sách Vượt lên, những con đường kinh doanh. Đôi khi biển lại sạch hơn, lấp lánh hơn, nhiều cá hơn và không khí trong hơn, thiên nhiên tốt hơn nhiều trong hai năm vừa qua. Có phải con người chúng ta hủy hoại môi trường nhiều quá không?
* Ông quan niệm thế nào về hạnh phúc?
- Hạnh phúc nhiều khi rất đơn giản. Khi Covid-19 xảy ra thì hạnh phúc của nhiều người chỉ là được đi làm hằng ngày, là được nhận đủ lương hằng tháng, là được ngồi ăn cơm với đầy đủ người thân vào cuối ngày.
* Trên suốt hành trình kinh doanh của mình, ông rút ra được bài học gì tâm đắc nhất?
- Đó là sự thấu hiểu, sự đồng cảm giữa con người và con người.
* Với những sai lầm đã qua, ông có nghĩ mình sẽ không còn vướng sai lầm?
- Sẽ vẫn còn sai lầm, nhưng chắc chắn sẽ ít hơn so với những ngày đầu chập chững kinh doanh. Với tôi, sai lầm tôi không hối tiếc mà quan trọng là cách xử lý để lần sau sẽ ít hay không vấp phải sai lầm nữa.
* Niềm vui lớn nhất khi cuốn sách thứ hai ra đời với ông là gì?
- Là chạm tới trái tim độc giả, là sự thấu hiểu và đồng cảm của độc giả.
* Có nhiều câu chuyện trong quản trị và kinh doanh trong quá khứ nhưng được ông hồi tưởng lại, hỏi thật nhớ lại những câu chuyện đó có khiến ông buồn hơn không?
- Có những câu chuyện tôi buồn kinh khủng khi phải nghĩ tới nó, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn có tiếng nói riêng, đó là phải đối diện và viết nó ra. Có những câu chuyện mình không muốn nhắc tới nữa vì nó quá buồn, nhưng khi viết được ra thì nó làm mình nhẹ nhàng đi rất nhiều, vơi đi rất nhiều sự trĩu nặng chất chứa.
Và khi nỗi niềm được vơi đi sẽ đến lúc cạn và mình không còn nhớ và buồn về nó nữa. Ngẫm lại, khi mình quyết đối mặt với mọi thứ, thì đó là cách giải quyết tốt nhất để mọi thứ nhẹ nhàng.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị.