Tăng tốc sản xuất cuối năm: Doanh nghiệp vẫn khó vì thiếu lao động

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:00, 11/12/2021

Dù số lượng lao động là F0 gia tăng khiến tình trạng thiếu lao động ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), nhưng các DN vẫn tăng tốc sản xuất để thực hiện đơn hàng cuối năm.

Tăng tốc sản xuất cuối năm

Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong nước cũng như trên thế giới, nhất là khi biến thể Omicron mới vừa phát hiện. Tuy còn đang nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của chủng virus mới nhưng các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa, cầu hàng hóa trên thị trường đang hồi phục trở lại. Đây là cơ hội để các DN đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ lực. 

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, từ tháng 10/2021, các DN đã tập trung bắt tay vào sản xuất để kịp đơn hàng xuất khẩu. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn DN dệt may đều đã có đơn hàng đến hết quý I/2022 và tiếp tục đàm phán, ký hợp đồng cho những tháng tiếp theo, đồng thời phấn đấu đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Công ty TNHH May mặc Dony đang tăng cường sản xuất để kịp trả đơn hàng cho đối tác. Ngay khi hoạt động trở lại vào đầu tháng 10, DN này đã ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, Trung Đông, Mỹ và Nhật Bản, tổng giá trị khoảng 2 triệu USD. 

Tương tự, Công ty Việt Thắng Jean (thành phố Thủ Đức) cũng đang nỗ lực để xuất xưởng 1,2 triệu sản phẩm sang 8 nước châu Âu. Hiện quần áo của Việt Thắng Jean đã lên kệ ở khắp châu Âu để bán vào dịp Noel và năm mới thông qua vận chuyển bằng máy bay. Công ty đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2022.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), dự báo trong hai tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ sẽ khả quan hơn, do nhiều DN đã có đủ đơn hàng đến hết năm, thậm chí đến hết quý I/2022. Để kịp các đơn hàng, DN huy động người lao động làm thêm giờ, ứng dụng các giải pháp, công nghệ để tăng năng suất lao động trong những tháng cuối năm. Bà Tâm Như Hạnh - Giám đốc Công ty Nội thất xuất khẩu Lâm Hoàng Phát cho biết, công ty đang tăng tốc làm việc ba ca để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các đơn hàng vừa ký.

Với DN chế biến thực phẩm, nhiều công ty cũng đang tăng tốc hoàn thiện đơn hàng. Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Công ty Vinamit cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn đặt hàng của công ty đang tăng và sản lượng của công ty cũng đã tăng gấp đôi so với năm ngoái và công nhân đang phải tăng tốc làm ba ca cho kịp tiến độ giao hàng và cung ứng nguồn hàng cho thị trường Tết.

CLA-3-1142-1639105274.jpg

Ứng phó khi thiếu lao động

Dù các DN đang tăng tốc và đơn hàng đang tăng cuối năm nhưng rất nhiều DN bị thiếu công nhân do người lao động về quê vẫn chưa quay trở lại hoặc một số lao động lại bị F0-F1đang tăng khiến nhân sự trong dây chuyền sản xuất bị thiếu hụt, năng suất lao động của DN khó kịp tiến độ các đơn hàng. Một khảo sát gần đây cho thấy, trung bình hiện nay mỗi ngày DN bị thiếu hụt mất 20% lao động.

Với gần 300 lao động nhưng Công ty TNHH Hoàng Gia GMT (huyện Trảng Bom) mới chỉ có trên 60% lao động trở lại làm việc. Số lao động còn lại bị nhiễm Covid-19 đang điều trị hoặc xin nghỉ phép không lương để ở nhà trông con. Thiếu lao động sản xuất buộc DN phải giảm các đơn hàng ký mới để đảm bảo tiến độ giao hàng cho đối tác.

Tại Công ty TNHH Hwaseung Vina - DN có số lượng lao động lớn nhất huyện Nhơn Trạch với khoảng 15.000 người, nhưng đến nay mới chỉ có 70% lao động trở lại làm việc do lao động bị F0 đang nghỉ điều trị, F1 phải cách ly và một số lao động đã về quê hoặc xin nghỉ phép ở nhà trông con, hỗ trợ con học trực tuyến. 

Trước tình trạng DN bị thiếu người, nhiều DN phải bố trí nhân sự tuyển dụng hằng ngày tại cổng công ty hoặc kết nối lao động với nhiều hình thức nhưng khó đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Một số công ty ngoài việc đón lao động về quê trở lại làm việc còn bố trí nhân sự về các tỉnh tuyển dụng lao động, phục vụ sản xuất các đơn hàng trong năm 2022. Công ty Vinamit hiện vẫn chỉ có 1/3 lao động quay trở lại nhà máy nên giải pháp của công ty này là điều công nhân từ các nông trường về nhà máy sản xuất. 

Theo ông Trần Tiến Phát - Tổng giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, công nhân mắc Covid-19 phải về địa phương cách ly hoặc vào khu thu dung điều trị của khu công nghệ cao nên ít nhiều cũng xáo trộn sản xuất. Tuy nhiên, công ty vẫn có thể bù đắp được bằng hoạt động cho công nhân làm thêm giờ hoặc là tuyển thêm công nhân mới. Kế hoạch sắp tới, chúng tôi sẽ tuyển thêm 10-15 % nhân lực so với hiện tại để đáp ứng nhu cầu đơn hàng của nước ngoài về rất cao trong dịp cuối năm.

Bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc Việc Làm Tốt cho biết, sau giãn cách, mức lương trung bình của các công việc đăng tuyển cao hơn 7-10% so với tháng trước dịch. Để nhanh chóng quay lại guồng sản xuất, nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra mức lương cao hơn để thu hút ứng viên, đồng thời mở rộng phạm vi công việc trên mỗi đầu nhân sự để giảm gánh nặng tuyển dụng và tối ưu hóa quỹ lương. 

Theo khảo sát người dùng vào tháng 10/2021, chỉ có 58% người lao động đã về quê có dự định quay trở lại TP.HCM làm việc, 42% còn lại đều khẳng định sẽ không quay lại.

Minh Quân