Người lao động có nhu cầu tìm việc ở ngành kinh doanh thương mại cao nhất và thấp nhất là marketing
Trong nước - Ngày đăng : 03:30, 15/12/2021
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm) về “Chất lượng lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2021” tại 2.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM (TP), hơn 120.000 người có nhu cầu việc làm, hơn 64.000 lượt DN có nhu cầu tuyển dụng với 174.412 chỗ làm việc. Trung tâm ghi nhận kết quả này từ khảo sát gián tiếp thông qua Google Form, với sự tham gia của hơn 15.000 lượt DN, 12.000 sinh viên, học viên và 2.000 người lao động.
84,94% tổng DN khảo sát bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, dẫn đến tăng trưởng kinh tế âm
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê TP cho thấy tình hình kinh tế TP năm 2021 như sau: Tăng trưởng trong 9 tháng 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ và dự báo cả năm 2021 GRDP của TP giảm 5,06% so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2020 tăng 1,39%).
Một con số khác: Từ 1/1 đến 15/10/2021, TP đã cấp phép cho 23.847 DN với tổng vốn đăng ký 392.624 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 28,1% và vốn giảm 47%.
Mặt khác, kết quả khảo sát của Trung tâm cho thấy 13.286 DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm 84,94% tổng số DN khảo sát. Lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, chiếm 36,74% và ngành thông tin và truyền thông bị ảnh hưởng ít nhất, chiếm 3,69%.
Ngoài ra, DN gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm chiếm 42,7%; khó khăn về vốn chiếm 27,15%; cần hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước chiếm 18,23%; thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất chiếm 11,92%.
Nhu cầu tìm việc ở ngành kinh doanh thương mại cao nhất và thấp nhất là marketing
Cũng theo khảo sát của Trung tâm, năm 2021 nhu cầu tìm kiếm việc làm tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; hành chính - văn phòng - biên dịch; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kỹ sư - kiến trúc sư, nhân sự... Trong đó, nhu cầu thấp nhất là ngành marketting, chiếm 3,63% với 4.919 người, nhu cầu cao nhất là ngành kinh doanh thương mại, chiếm 17,34% với 23.565 người; các nhóm nghề khác chiếm 20,04% với 27.158 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động TP năm 2021 - Theo khảo sát của Trung tâm |
Về nhu cầu tìm việc theo trình độ chuyên môn kỹ thuật: Trình độ đại học trở lên có 57.349 người có nhu cầu tìm việc, chiếm 42,32%; trình độ cao đẳng có 22.861 người, chiếm 16,87%; trình độ trung cấp có 14.662 người, chiếm 10,82%; trình độ sơ cấp có 12.006 người, chiếm 8,86%.
Về nhu cầu tìm việc theo mức lương và kinh nghiệm làm việc: yêu cầu mức lương từ 5 – 10 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ cao nhất với 66,09% và trên 20 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ thấp nhất với 2,89% tổng nhu cầu tìm việc.
Ngoài ra, nhu cầu tìm việc ở lao động có 1 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 18,82%; từ 2 – 5 năm kinh nghiệm chiếm 35,39%; trên 5 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 18,80% và chưa có kinh nghiệm chiếm 26,99%; chưa qua đào tạo chiếm 21,13%.
Nhu cầu tuyển dụng của DN ngoài nhà nước chiếm 94,96%
Thực trạng nguồn lao động năm 2021 theo khảo sát của Trung tâm cũng cho thấy toàn TP có gần 5 triệu lao động đang làm việc, trong đó, lao động đang làm việc đã qua đào tạo chiếm 85,67%. Theo tính toán của Trung tâm, năm 2021 tổng số lao động làm việc trong các loại hình DN là 3.050.348 người. Trong đó, lao động đang làm việc trong DN nhà nước chiếm 3,36%, DN ngoài nhà nước chiếm 73,88% và DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 22,76%.
Kết quả khảo sát 82.222 lượt DN trên địa bàn TP, có tổng nhu cầu 174.412 chỗ làm việc, trong đó nhu cầu tuyển dụng của DN ngoài nhà nước chiếm 94,96%, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 4,17%, DN nhà nước chiếm tỷ lệ khá thấp với 0,87% tổng nhu cầu nhân lực.
Các nhóm ngành kinh tế có nhu cầu nhân lực cao năm 2021 |
Về nhu cầu nhân lực theo khu vực kinh tế: Khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 63,14%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 35,22% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,64%.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được đánh giá có tiềm năng do tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hỗ trợ cho việc hình thành và hoạt động có hiệu quả DN trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở lĩnh vực cây trồng, chăn nuôi và thủy sản.
Còn khu vực công nghiệp – xây dựng gặp khó khăn về lao động, phần lớn ở các DN phi chính thức do người lao động trở về quê khá nhiều, tuy nhiên tình hình đã cải thiện đáng kể vào cuối năm.
Đến đầu tháng 10, tình hình dịch bệnh tại TP cơ bản được kiểm soát, nhiều DN dần khôi phục, quay trở lại sản xuất và thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
Tuy nhiên, một số DN vẫn còn hoạt động "cầm chừng" vì chưa bảo đảm số lao động cho sản xuất trực tiếp, mặt khác còn thăm dò tình hình sợ dịch bùng trở lại. Vì vậy, để tạo sự ổn định và khôi phục hoàn toàn thị trường lao động, cần có thêm thời gian và cần sự đồng lòng chung tay của cả DN, người lao động cũng như của TP và các tỉnh, thành trên cả nước.