Nỗi lo khi già hóa dân số

Sống khỏe - Ngày đăng : 04:00, 15/12/2021

Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số nhanh nhưng phần lớn người dân không chuẩn bị cho giai đoạn chông chênh này.
Nỗi lo khi già hóa dân số

Già hóa dân số là vấn đề hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, đặc biệt là Việt Nam đang trong quá trình già hóa nhanh. Theo dự báo, thời gian chuyển từ "bắt đầu già" (ageing) sang "già" (aged) chỉ khoảng 26 năm (bắt đầu từ 2011 đến năm 2036). Với tốc độ này, dự tính vào năm 2050, nhóm dân số già tại Việt Nam sẽ có 29,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên.

Trong khi đó, nhận thức của người dân về việc chuẩn bị cho tuổi già từ khi trẻ còn hạn chế, đồng thời việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta còn nhiều thách thức. Nghiên cứu Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già do Viện nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS) và Công ty Prudential Việt Nam với sự tham gia của 2.019 người, từ 30 đến đủ 44 tuổi tại 6 tỉnh, thành trong tháng 9 và 10/2021 cho thấy, nguồn thu nhập của họ đến từ việc làm của bản thân (93,24%), hỗ trợ từ vợ hoặc chồng (55,20%) và từ kinh doanh của gia đình (31,55%).

Trong số đó, chỉ 22,67% người có đầu tư (hình thức phổ biến nhất là gửi tiết kiệm ngân hàng), 28,19% có khoản tiết kiệm. Đáng nói, có đến 46,15% hộ gia đình của những người già có khoản nợ và chỉ 2,58% có nguồn thu nhập trong cuộc sống hằng ngày từ trợ giúp xã hội.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người cao tuổi khi kết quả nghiên cứu cho thấy, đến 80% người cao tuổi bị giảm thu nhập trong 2 năm qua. Do thu nhập giảm, tiết kiệm không có nên các khoản chi cho giáo dục phát triển bản thân, chăm sóc sức khỏe, tập luyện, vui chơi, du lịch… của người cao tuổi cũng giảm dần theo.

Khi ở tuổi già, thu nhập người dân Việt Nam rất thấp, đến 48% ở mức dưới 60 triệu đồng/năm. Có gần 5% số người được hỏi nói rằng "không biết hoặc sẽ không có nguồn thu nhập nào khi về già". Đây chính sự bấp bênh về nguồn thu nhập của người Việt Nam khi về già, vì thiếu sự chuẩn bị tốt từ khi còn trẻ. 

nguoi-gia-jpeg-1611-1639541643.jpg

Người già mong muốn có đủ sức khỏe và tiền bạc để không làm phiền con, phiền cháu

Chia sẻ tại hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về giàAn sinh xã hội cho người cao tuổi ngày 14/12/2021, TS. Bùi Tôn Hiến - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, tốc độ già hóa dân số đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam.

Tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ. Đến nay, mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, và khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng. 

Cũng theo TS. Bùi Tôn Hiến, hiện các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội và hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển là những thách thức lớn cho xã hội. Điều này có thể dẫn đến gánh nặng "chưa giàu đã già" nếu như chúng ta không có các biện pháp kịp thời và hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số. 

"Vấn đề này đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp chính sách kịp thời, toàn diện hướng đến tất cả các nhóm dân số để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa, chứ không chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề của nhóm người cao tuổi", ông Hiến nói. 

Minh Hào