CEO hãng dược Pfizer được chọn là CEO của năm
Chân dung - Ngày đăng : 04:00, 27/12/2021
Theo CNN, CEO của Pfizer Albert Bourla được chọn vì những gì hãng dược này đã làm trong năm qua, giúp ích cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung trong cuộc chiến chống Covid-19.
"Pfizer đã làm nhiều điều có lợi cho nhân loại và chúng tôi rất tự hào về điều đó. Chúng tôi không chỉ cứu sống nhiều bệnh nhân, mà còn tạo được danh tiếng khá tốt cho doanh nghiệp", Bourla cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNN.
Đại dịch Covid-19 đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt, song theo nhiều phương diện, cuộc sống đã gần như trở lại bình thường với nhiều người. Có được điều này, phải kể đến sự đóng góp của các loại vaccine Covid-19, trong đó có vaccine của Pfizer. Đây là một trong những lý do chính CNN chọn CEO Pfizer làm CEO của năm.
Dù Pfizer không phải công ty duy nhất phát triển vaccine, song tên tuổi của hãng dược này lại gắn liền với cuộc chiến chống Covid-19. Vaccine của Pfizer/BioNTech là vaccine đầu tiên được cấp phép tại Mỹ để sử dụng cho nhóm tuổi 5-11. Bên cạnh đó, Pfizer cũng đang phát triển thuốc uống có thể giảm đáng kể rủi ro triệu chứng nặng, nhập viện và tử vong với những người nhiễm bệnh.
CNN đã cân nhắc nhiều CEO khác cho danh hiệu này năm nay. Trong đó có Lisa Su của AMD, Jim Farley của Ford, Marvin Ellison của Lowe's, David Solomon của Goldman Sachs, Sundar Pichai của Alphabet và dĩ nhiên cả Elon Musk của Tesla/SpaceX.
Link bài viết
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã gây lo ngại trên toàn cầu về hiệu quả của những loại vaccine hiện tại. Tuy nhiên, Bourla cho biết ông tin vaccine Pfizer có thể kiểm soát Omicron "khá tốt", đặc biệt nếu mọi người tiêm 2 liều và liều tăng cường.
Ngoài ra, Bourla cũng thừa nhận việc nhiều người nghi ngờ liệu Pfizer có đang cố kiếm nhiều tiền nhất có thể từ vaccine hay không. Trong báo cáo hồi tháng trước, hãng dược này cho biết đạt doanh thu 13 tỷ USD trong quý III và dự báo thu về 36 tỷ USD năm nay.
Vị CEO nói rằng Pfizer bán cho các nước nghèo và đang phát triển với giá rẻ hơn nước giàu. Tuy nhiên, chi phí không phải là thách thức duy nhất. Ông nói rằng nhiều quốc gia, như các nước ở những vùng xa xôi thuộc châu Phi, "thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản".
"Họ không có trung tâm để tiêm chủng cho người dân. Y tá cũng thiếu nữa", ông nói, "Có nơi lại thiếu bơm tiêm, có nơi thiếu tủ lạnh để bảo quản vaccine. Rất không may là thế".
Do đó, ông hy vọng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các liên minh vaccine công – tư như Gavi có thể giải quyết các vấn đề này. Ông nói rằng Pfizer đang tìm cách vận chuyển bằng thiết bị bay không người lái để đảm bảo mọi người tiếp cận vaccine nhanh hơn. "Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể", ông cho biết.