5 xu hướng công nghệ nổi bật của năm 2021

Công nghệ - Ngày đăng : 05:15, 01/01/2022

Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi gần rất nhiều điều trong cuộc sống con người, trong đó có cách chúng ta sử dụng công nghệ. Dưới đây là 5 xu hướng công nghệ hàng đầu được chú ý và tập trung phát triển trong năm 2021 vừa qua.
5 xu hướng công nghệ nổi bật của năm 2021

Internet vạn vật (IoT)

IoT (Internet of Things) là một hệ thống các thiết bị, máy móc cơ khí và kỹ thuật số, đồ vật được cung cấp các mã nhận dạng duy nhất (UID) và khả năng truyền dữ liệu qua mạng mà không yêu cầu sự tương tác giữa con người với máy tính. IoT sẽ cho phép dự đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe ở mọi người ngay cả trước khi bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện. Những ứng dụng công nghệ cao như hộp đựng thuốc thông minh, IP cho mọi bộ phận quan trọng của cơ thể bạn, đánh giá thực phẩm có tốt cho sức khỏe hay không, cuộc sống của con người sẽ ngày càng trở nên dễ dàng và tiện lợi. Bên cạnh đó, các phương pháp tiếp cận được cá nhân hóa liên quan đến việc kê đơn thuốc và áp dụng các phương pháp điều trị sẽ xuất hiện và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người rất nhiều. Vào năm 2019, có khoảng 26 tỷ thiết bị IoT và theo ước tính, con số này tăng lên 30,73 tỷ vào năm 2020 và 75,44 tỷ vào năm 2025. Với giá trị thị trường là khoảng 150 tỷ USD, ước tính mỗi người Mỹ sẽ có trung bình 15 thiết bị IoT vào năm 2030.

Mạng 5G

5G được thừa nhận là tương lai của truyền thông và là mũi nhọn của toàn bộ ngành công nghiệp di động. Việc triển khai mạng 5G xuất hiện trong khoảng thời gian từ năm 2020-2030, tạo khả năng kết nối không khoảng cách giữa con người và máy móc. Loại kết nối Internet di động này sẽ cung cấp cho chúng ta tốc độ tải xuống và tải lên siêu nhanh (nhanh hơn gấp 5 lần so với khả năng 4G) cũng như kết nối ổn định hơn. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi dù nó có tiềm năng cách mạng hóa cách thức hoạt động của mạng di động. Với sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường 5G có thể trở thành hiện thực sớm hơn dự kiến do số lượng lớn người bị buộc phải cách ly, sự gia tăng làm việc và học tập tại nhà đã gây căng thẳng cho mạng và tạo ra nhu cầu cao hơn về băng thông.

Thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và vũ trụ ảo (metaverse)

metaverse-10-4916-1641024762.jpg

Sự ảnh hưởng của đại dịch đã làm tăng số lượng người sử dụng tai nghe VR để chơi trò chơi điện tử, khám phá các điểm đến du lịch ảo và tham gia giải trí trực tuyến. Với nhiều người sống cách ly ở nhà, công nghệ này được sử dụng để tìm kiếm sự tương tác của con người thông qua các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc đổi tên của Facebook thành Meta nhằm hiện thực hóa metaverse, hệ thống "thế giới ảo" này đang dần trở thành tương lai của tương tác xã hội với sự hỗ trợ của công nghệ VR (Virtual Reality) và AR (Augmented Reality). Nhiều công ty, tổ chức đã bắt đầu chuyển hướng và ra mắt những sản phẩm trên hệ thống ảo này, hứa hẹn một tương lai đầy tiềm năng cho metaverse và các công nghệ VR, AR. Hệ thống này cũng đang được thử nghiệm để đào tạo nhân viên, tổ chức hội nghị, cộng tác trong các dự án và kết nối ảo giữa các nhân viên của các doanh nghiệp, công ty lớn. Tỷ phú Bill Gates cũng đã đưa ra những dự đoán nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ thực tế ảo trong cuộc sống của loài người tương lai.

Điện toán đám mây và điện toán biên

Điện toán đám mây có khả năng nhận được sự triển khai đột biến trên tất cả các loại ứng dụng do sự ảnh hưởng của Covid-19. Việc mọi người buộc phải học tập, làm việc tại nhà khiến cho nhu cầu về hội nghị truyền hình và giảng dạy trên nền tảng đám mây đã tăng vọt. Với sự phát triển của metaverse, nhu cầu sử dụng điện toán đám mây sẽ ngày càng tăng cao và trở nên quan trọng hơn với cuộc sống của con người. Tuy vậy, các tổ chức đã nhận ra những hạn chế của điện toán đám mây trong một số tình huống khi khối lượng dữ liệu mà họ xử lý tiếp tục tăng lên. Điện toán biên được dùng nhằm giải quyết một số vấn đề này bằng cách tránh độ trễ do điện toán đám mây gây ra và cho phép dữ liệu được gửi trực tiếp đến trung tâm dữ liệu để xử lý. Do đó, điện toán biên có thể xử lý dữ liệu nhanh hơn từ xa hơn, cung cấp khả năng hoạt động như một trung tâm dữ liệu nhỏ trong những tình huống cần thiết.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ máy học (ML)

Sau đại dịch Covid-19, hành vi của người tiêu dùng sẽ không quay trở lại các tiêu chuẩn trước đây. Con người sẽ mua sắm qua các dịch vụ trực tuyến nhiều hơn, đồng thời ngày càng có nhiều người làm việc từ xa. Các ứng dụng AI (Artificial Intelligence) sẽ cực kỳ có giá trị trong việc giúp con người thích ứng với các xu hướng mới sau khi đại dịch kết thúc. Các công cụ AI có thể phân tích một lượng lớn dữ liệu để tìm hiểu các mô hình cơ bản, cho phép hệ thống máy tính đưa ra quyết định, dự đoán hành vi của con người, nhận dạng hình ảnh và giọng nói của con người, cùng nhiều thứ khác. Công nghệ ML (Machine Learning) là một phần của AI, đang được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Theo Forrester, công nghệ AI, ML và tự động hóa sẽ tạo ra 9% cơ hội việc làm mới ở Mỹ vào năm 2025, bao gồm các chuyên gia giám sát robot, nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia tự động hóa và người quản lý nội dung, khiến nó trở thành một xu hướng công nghệ quan trọng cần được chú ý.

HT