Lạm pháp năm nay sẽ thấp hơn so với mức cho phép

Trong nước - Ngày đăng : 01:00, 05/01/2022

Theo các chuyên gia kinh tế, áp lực tăng cao của lạm phát trong năm nay là có thực, nhưng không quá lo ngại, dự báo vẫn trong tầm kiểm soát, CPI sẽ ở mức 2-3,7%, thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%.
Lạm pháp năm nay sẽ thấp hơn so với mức cho phép

Việc kiểm soát lạm phát năm 2022 vẫn gặp nhiều khó khăn và không dễ dàng, CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm do kinh tế thế giới đã và dần phục hồi.

Nhận định trên được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022 do Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 4/1/2022. Theo Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính Nguyễn Bá Minh, qua nghiên cứu, dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,5%), tức từ 2% đến 3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra, là hoàn toàn khả thi.

Lý do khách quan là tình hình Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp; chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn khó lường… khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc, làm giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường quốc tế khó tăng, nên áp lực lạm phát năm 2022 sẽ không quá cao, ông Minh phân tích.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng CPI năm nay tiếp tục duy trì ở mức thấp. Nếu GDP năm 2022 chỉ tăng 6,5% như mục tiêu, hay thậm chí tăng 8-9%, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức 4-5%, thấp hơn nhiều so với mức 6% giai đoạn 2011-2020.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc kiểm soát lạm phát năm 2022 vẫn gặp nhiều khó khăn và không dễ, CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm do kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng tăng. Khi kinh tế phục hồi trong năm 2022, dưới tác động của các gói hỗ trợ và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.

Do Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.

Link bài viết

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, lạm phát năm 2021 ở Việt Nam có yếu tố liên quan đến nhập khẩu lạm phát, thậm chí có thể được chuyển sang năm 2022. Lạm phát năm ngoái cũng không phải lạm phát tiền tệ do chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá hối đoái và chính sách tín dụng vì cung tiền vẫn được kiểm soát. 

Lạm phát cơ cấu, lĩnh vực cá biệt có dấu hiệu xuất hiện và sẽ tác động tới lạm phát năm 2022 khi CPI năm 2021 tăng thấp, song giá tài sản như chứng khoán, vàng và bất động sản lại tăng cao. Bên cạnh đó, lạm phát tâm lý đã xuất hiện từ cuối năm 2021 rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4%, nhất là khi tổng cầu tiêu dùng phục hồi kéo CPI đi lên

Về giải pháp kiểm soát, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đẩy mạnh phòng chống Covid-19 sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả mặt hàng. Ngoài ra, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. 

Tăng trưởng kinh tế quý IV/2021 sau khi mở cửa lại đã đạt 5,22% dù nhiều chuỗi cung ứng chưa hồi phục và nhiều ngành nghề dịch vụ chưa hoạt động lại. "Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng lạm phát do tâm lý”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Song song với đó là theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, nhất là thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán để có các biện pháp điều tiết cung cầu phù hợp, tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn từ việc tái đàn; kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là trong thời điểm Tết...

Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, ông Long cho rằng cần tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép. 

P.V