Trung Quốc: Tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 11/01/2022

Về cơ bản, một quốc gia khi nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gây áp lực giảm giá đồng nội tệ, nhưng tình hình tại Trung Quốc dường như đang ngược lại. Nhiều dự báo cho rằng, nhân dân tệ (NDT - CNY) có thể tiếp tục mạnh lên trong năm 2022, mở ra cơ hội để Đại lục thúc đẩy kế hoạch quốc tế hóa đồng tiền này.
Trung Quốc: Tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Đồng NDT trong hai năm qua đã tăng giá gần 9% so với đô la Mỹ. Đáng nói là đồng USD trong năm vừa qua đã không ngừng mạnh lên so với các đồng tiền chính khác, với chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền khác là euro, yên Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển, franc Thụy Sĩ cũng đã tăng gần 8%.

Điều này nghĩa là so với các đồng tiền khác, đồng NDT đã tăng rất mạnh. Diễn biến này gây không ít ngạc nhiên cho thị trường, khi mà nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2021 đã tăng trưởng chậm lại, trước những tác động của chính sách chống dịch Covid-19 rất cứng rắn, tình trạng thiếu hụt năng lượng kéo dài và nguy cơ khủng hoảng thị trường bất động sản.

Hệ quả là Trung Quốc đã phải quay trở lại với chính sách nới lỏng tiền tệ, với hai lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm 2021, hạ lãi suất cho vay chuẩn và nhiều lần bơm tiền để hỗ trợ thanh khoản thị trường. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC), việc này nhằm nới lỏng tín dụng và hỗ trợ nền kinh tế chịu thiệt hại do tình trạng thiếu điện và dịch Covid-19.

Theo giới phân tích tài chính, xuất khẩu bùng nổ và dòng tiền nước ngoài tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn từ trái phiếu Chính phủ Trung Quốc là nguyên nhân kéo NDT lên cao, bất chấp tăng trưởng kinh tế giảm. Nhiều dự báo cho rằng, đồng NDT có thể tiếp tục mạnh lên trong năm 2022, ngay cả khi kinh tế Trung Quốc vật lộn với lạm phát, sản xuất, bất động sản giảm tốc và siết chặt quản lý kinh tế tư nhân.

hinh-bai-2-5627-1641819073.jpg

Diễn biến cặp tỷ giá USD/CNY trong hai năm qua

Xu hướng mạnh lên của đồng NDT có thể ảnh hưởng tiêu cực lên xuất khẩu của Trung Quốc, khiến hàng hóa của họ trở nên kém cạnh tranh ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn kéo dài và hàng hóa Trung Quốc vẫn đang là tầm ngắm đánh thuế của giới hoạch định chính sách Mỹ.

Dù vậy, điểm tích cực là khi NDT lên giá sẽ giúp hàng nhập khẩu vào Trung Quốc rẻ hơn và kiềm chế được lạm phát, do Trung Quốc mua rất nhiều hàng hóa được định giá bằng USD. Đồng NDT mạnh sẽ càng thúc đẩy ngân hàng trung ương nhiều nước tăng cường nắm giữ đồng tiền này như là một tài sản dự trữ, mở ra cơ hội quốc tế hóa đồng NDT.

Mới đây, PBoC cho biết, trong năm 2022, Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trên phạm vi thế giới, bằng cách hỗ trợ nhiều hơn cho Hồng Kông như một trung tâm giao dịch nước ngoài, đồng thời đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối. PBoC không nói rõ về chính sách hỗ trợ mà đặc khu sẽ nhận được, nhưng tiềm năng rất lớn cho việc phát hành các sản phẩm tài chính bằng đồng NDT, thanh toán thương mại và sử dụng đồng NDT kỹ thuật số.

Có thể thấy, Bắc Kinh đang đẩy nhanh kế hoạch quốc tế hóa NDT đưa ra từ năm 2009, với hy vọng phá vỡ quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ, nhưng mục tiêu này chỉ trở nên quan trọng hơn kể từ năm 2018, trong bối cảnh lo ngại Mỹ có thể thắt chặt quyền tiếp cận hệ thống tài chính do Mỹ chi phối. Bắc Kinh có lẽ đang tìm cách quản lý khả năng ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và thúc đẩy đầu tư trên khắp các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai Con đường.

Trong năm 2021, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phát hành 20 tỷ NDT trái phiếu trong ba đợt tại Hồng Kông, trong khi PBoC đã bán 5 tỷ NDT tín phiếu ngân hàng trung ương cho các nhà đầu tư quốc tế trong tuần cuối tháng 12. Cần biết rằng, các khoản đầu tư toàn cầu đổ vào trái phiếu Trung Quốc tăng nhanh sau khi FTSE Russell hồi tháng 10 bổ sung trái phiếu Chính phủ Trung Quốc vào chỉ số trái phiếu chính phủ thế giới của hãng. Các nhà phân tích tại ANZ dự báo, việc Trung Quốc được đưa vào chỉ số sẽ mang lại khoảng 130 tỷ USD đầu tư vào trái phiếu chính phủ nước này trong ba năm tới.

Lê Phan