Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp thời hậu Covid-19

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 05:30, 13/01/2022

Đồng bằng sông Cửu Long - trung tâm nông nghiệp của Việt Nam, đã bị thiệt hại nặng, chủ yếu vì đứt gãy các chuỗi cung ứng trong đại dịch.
Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp thời hậu Covid-19

Ba chủ thể cơ bản là nông dân - doanh nghiệp và nhà nước phải phối hợp cùng nhau thì nền nông nghiệp Việt Nam mới phát triển.

Covid-19 đã phô bày bộ mặt thật của dân chúng: khoảng cách giàu nghèo quá lớn, người nghèo gánh nhiều thiệt thòi và đa số mắc bệnh. Nhà nước phải liên tục chi ngân sách cứu trợ cả nước và huy động Mạnh Thường Quân góp tiền mua vaccine tiêm cho người dân. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - trung tâm nông nghiệp của Việt Nam, bị thiệt hại nặng, chủ yếu vì đứt gãy các chuỗi cung ứng.

Đến đầu tháng 10/2021 tình hình đã dịu xuống, lúc này Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" chuẩn bị chuyển sang thời kỳ bình thường mới sau dịch. Việt Nam sống chung với Covid-19, cả nước tháo gỡ trạm kiểm soát, xã hội lưu thông gần như bình thường, chuỗi cung ứng hàng hóa lưu thông trong nước gần như không còn tắt nghẽn hoặc đứt gãy. 

Dù vậy, ở cửa khẩu biên giới Việt – Trung vẫn lặp lại cảnh quen thuộc: ùn ứ hàng chục ngàn xe chở nông sản Việt Nam chờ xuất sang Trung Quốc. Nỗi thống khổ của nông sản Việt chúng ta là không tìm đầu ra ổn định, khiến phần lớn nông dân đều nghèo. 

Nghiên cứu 3 nền kinh tế Á châu láng giềng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thì thấy rằng, sự giàu có của họ là kết quả của 3 chủ thể cơ bản: nhà nước, doanh nhân và nông dân được kết nối với nhau một cách tuyệt vời. Nông dân sản xuất luôn có doanh nghiệp (DN) tiêu thụ đầu ra, DN chế biến nông sản có hệ thống phân phối sâu rộng đến người tiêu dùng trong - ngoài nước, trong khi nhà nước hướng dẫn, tài trợ cùng định hướng cho cả nông dân lẫn DN, không buông lỏng để họ tự phát rồi đi đến thất bại như nông dân và DN ta.

Ba nền kinh tế láng giềng này đã bị chiến tranh làm tổn hại nặng; Nhật Bản còn bị 2 trái bom nguyên tử tàn phá nhưng đã khôi phục kinh tế, nông dân khá giả trong 30 năm. Nhưng, chúng ta đã hơn 45 năm rồi mà phần lớn nông dân vẫn nghèo. Vậy, trong thời kỳ hậu Covid-19, 3 chủ thể cơ bản của Việt Nam, trong đó đặc biệt là vai trò của DN, có thể phối hợp hành động sao cho câu nói của Bác Hồ từ năm 1946 "nông dân ta giàu thì đất nước ta giàu" thành hiện thực?

13-1-22-pic-4-8568-1642044961.jpg

"...những người ở lại quê làm nông nghiệp lại sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không liên kết nhau, không nhiệt tâm với Hợp tác xã nông nghiệp và hệ lụy là sản xuất cây con nguyên liệu giá thành cao mà chất lượng thấp...", Võ Tòng Xuân

Chủ thể cơ bản một - Nông dân

Đại bộ phận lao động nông thôn ĐBSCL đang đứng trong vùng trũng giáo dục, chỉ làm được việc giản đơn mà cũng không có việc làm, phải du cư đến các tỉnh quanh TP.HCM tìm việc. Trong khi đó, những người ở lại quê làm nông nghiệp lại sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không liên kết nhau, không nhiệt tâm với Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) và hệ lụy là sản xuất cây con nguyên liệu giá thành cao mà chất lượng thấp, đầu ra không ổn định, lệ thuộc thương lái tìm đầu ra hoặc mong chờ Nhà nước giải cứu, xuất tiền cho DN mua tạm trữ.

Chủ thể cơ bản thứ hai – DN

Thỉnh thoảng mới thấy một DN liên kết với nhóm nông dân sản xuất nguyên liệu. Phần lớn DN và nông dân không hợp tác, vì cả hai luôn bẻ hợp đồng nhau. DN chỉ hợp đồng với thương lái thu gom nguyên liệu từ nông dân; không có thị trường đầu ra ổn định; không có vùng nguyên liệu; hiếm có công nghệ bảo quản, chế biến tại nông thôn và hiếm liên kết với nông dân vùng quy hoạch nguyên liệu, phối hợp cơ quan khoa học để có qui trình GAP huấn luyện cho nông dân xã viên HTX hoặc tập đoàn.

Chủ thể thư ba – Nhà nước

Những điều chưa làm được: Chưa xây dựng kịch bản mang tính khoa học, định hướng chiến lược phát triển theo từng giai đoạn trước mắt và lâu dài để tham mưu cho cấp có thẩm quyền khuyến khích DN có tâm và có kỹ thuật xây dựng những vùng nguyên liệu rộng lớn về cây ăn trái, lúa chất lượng cao, tôm, cá, gà thả vườn… Chưa đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, xây dựng thương hiệu cho những nông sản tiêu biểu như xoài Cát, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng, cam sành, nhãn Thanh... 

Nghị quyết 120 (NQ120) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ban hành vào tháng 11/2017 nhưng chưa có chỉ đạo cụ thể cách thực hiện và kinh phí. Do đó, các địa phương vốn quen sản xuất lúa đã và đang rất lúng túng trong triển khai. Trong khi đó, nhiều nông dân nóng lòng áp dụng NQ120 nên đã tự phát chuyển đất lúa của mình sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái…

Từ kết quả đại phẫu trên đây, chúng ta cần một chiến lược gồm "nhiều mũi giáp công" để ĐBSCL có thể khắc phục những nhược điểm cố hữu bằng Chiến lược liên kết vùng toàn diện đặt trên nền tảng số hóa các chuỗi giá trị của từng sản phẩm liên kết với các chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.

Các bên liên quan trong chuỗi liên kết này gồm nông dân tập thể, các ngành khoa học phù hợp, nông nghiệp, công nghiệp, DN chế biến, lưu thông phân phối, nhà nước các cấp. Đây là cách thực hiện NQ120 của Chính phủ một cách bền vững mà mục đích sau cùng là tạo điều kiện cho nông dân làm giàu nhờ sản phẩm có giá trị cao hơn lúa và có đầu ra ổn định, có nhiều việc làm cho dân nông thôn. Về lâu dài, nông dân có thể thu lợi thêm nhờ bán cácbon cho thị trường quốc tế. Mục tiêu xóa nghèo cho nông thôn và làm giàu cho GDP của ngân sách nhà nước được lồng vào một cách vững chắc.

Chương trình phát triển này sẽ giúp ĐBSCL vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa tiết kiệm nước ngọt để chi viện về vùng hạ lưu, vừa sản xuất lương thực nhưng vẫn bảo đảm che chắn khi có chiến tranh, duy trì an sinh xã hội, người dân có mức thu nhập cao, hạn chế tình hình tiếp tay buôn lậu vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu.

13-1-22-pic-1-5529-1642044961.jpg

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng nhưng không bền vững 

1.Giải pháp đột phá phát triển kinh tế xã hội trên nền nông nghiệp bền vững

Mục tiêu chính: Giảm nghèo bền vững cho nông dân; Tạo công ăn việc làm kết hợp đào tạo nghề cho xã viên HTX từ địa bàn các tỉnh, người dân trụ lại quê nhà thay vì phải du cư; Phát triển sản xuất mọi ngành nghề phù hợp tại địa phương; DN thực hiện vai trò nòng cốt trong phát triển sản phẩm đầu ra qua tiêu thụ nguyên liệu của các HTX; Tăng GRDP của địa phương và GDP của quốc gia.

2. Hướng tổ chức thực hiện

1)Sống chung với Covid-19;

2)Chấm dứt tập quán mạnh ai nấy làm, không theo chuỗi liên kết;

3)Sản xuất theo chuỗi giá trị đến đầu ra, là thị trường của một DN;

4)Áp dụng nông nghiệp 4.0: Cần thay đổi hành vi trong sản xuất và cuộc sống để giảm khí nhà kính. Thực hành nông nghiệp 0-cácbon bằng cách bớt sử dụng phân hóa học, thay bằng phân hữu cơ vi sinh. Thời cơ áp dụng NQ120 chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp: giảm diện tích lúa, chuyển sang cây ăn trái, rau màu giá trị cao. Sản xuất lúa tôm tại các vùng mặn

5)Mỗi vùng sản xuất lớn tập trung, liên kết với một khu công nghiệp sơ chế, hoặc chế biến, nguyên liệu của HTXNN trong vùng;

6)Mỗi vùng có diện tích đủ lớn cho sản xuất khối lượng nguyên liệu ngành hàng (lúa, xoài, sầu riêng,.. tôm, cá…) theo tầm cỡ đầu ra của DN liên kết của chuỗi;

7)Các vùng cùng ngành hàng trên địa bàn khắp ĐBSCL với 1 đầu mối, và đầu mối này sẽ liên kết với đầu mối của quốc gia. Đầu mối quốc gia sẽ liên kết đầu mối vùng và đầu mối bên cạnh các Đại Sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

3.Biện pháp: Phát triển theo chuỗi giá trị liên kết vùng, xem sơ đồ dưới đây:

13-1-22-pic-5-2755-1642044516.jpg

1)Bắt đầu từ (F), DN là đơn vị chủ chốt, luôn kết nối với thị trường trong nước qua mạng thông tin (H) của các Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp 63 tỉnh, thành, hoặc qua mạng thông tin của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp nối kết với các thương Vụ của tất cả Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam khắp thế giới thông báo về nhu cầu thị trường nước ngoài..

2)(A) giống cây/con mà thị trường của DN F cần.

3)(B) nông dân xã viên HTXNN.

4)(C) tư vấn kỹ thuật do các Viện, Trường: cung cấp giống cây, con, quy trình kỹ thuật hiện đại (0-cácbon) thích hợp, huấn luyện xã viên HTXNN đủ kỹ năng sản xuất nguyên liệu đúng tiêu chuẩn mà khách hàng quy định.

5)(D) dịch vụ sản xuất đến thu hoạch do HTXNN cung cấp

6)(E) chuỗi cung ứng nguyên liệu chính do nông dân vùng quy hoạch họp lại thành HTXNN. 

7)(F) DN được nhà nước tạo điều kiện liên kết với nông dân và đất đai sản xuất của họ trong vùng quy hoạch; xây nhà máy công nghiệp chế biến hoặc sơ chế các sản phẩm từ chuỗi cung ứng nguyên liệu của HTXNN, kể cả các sản phẩm từ phụ phẩm, kho tồn trữ, xưỡng đóng gói bao bì, phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm.

8)(G) chuỗi logistics cung ứng sản phẩm có thương hiệu/phân phối/tiêu thụ toàn quốc và toàn cầu.

Kết luận

Chiến lược đề nghị chỉ mới phác họa hướng đi, chưa đề cập đến những cơ chế, chính sách và các nguồn đầu tư. Có thể trở ngại lớn nhất là sự bảo thủ của nông dân ĐBSCL không chịu dồn điền lại để DN thiết kế vùng sản xuất hiện đại theo kỹ thuật chuyên môn. 

Trước tiên, chúng ta nên thay đổi tư duy trồng lúa bằng mọi giá, tiến tới nuôi trồng thông minh. Có thể xem đây là khâu đột phá trong tiến trình thay đổi căn cơ nông nghiệp... Cụ thể, quy hoạch vùng chuyên canh theo đặc thù địa lý để phát huy giá trị lợi thế. Điều này không chỉ dễ ứng dụng khoa học kỹ thuật, mà còn dễ sản xuất ra hàng hóa số lượng lớn và đồng loạt... đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Có dịp đi nhiều nơi, tôi rất đau lòng khi thấy người dân ở các địa phương vùng cao, vùng ven biển thiếu nước ngọt, nhưng vẫn phải trồng lúa. Lúa trong ruộng thì chết khát vì thiếu nước, nhưng nông dân khó thể thay đổi vì 2 lý do: không có hệ sinh thái ngành hàng để chuyển đổi và "chiếc vòng kim cô" trồng lúa của lãnh đạo.

13-1-22-pic-3-3823-1642044961.jpg

"Trước tiên, chúng ta nên thay đổi tư duy trồng lúa bằng mọi giá, tiến tới nuôi trồng thông minh. Có thể xem đây là khâu đột phá trong tiến trình thay đổi căn cơ nông nghiệp... ", Võ Tòng Xuân

Cụ thể, có thể chia ĐBSCL thành 3 vùng; đầu nguồn, ven biển và vùng giữa. Trong đó, vùng đầu nguồn đủ nước ngọt, có thể quy hoạch trồng lúa; vùng ven biển thiếu nước ngọt vào mùa khô, có thể quy hoạch đan xen trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa khô.

Vùng giữa, có thể tổ chức lên liếp trồng cây ăn trái, tận dụng những mương giữa liếp trữ nước để cung cấp nước tưới trong mùa khô. Song song đó, nhà nước tạo điều kiện cho DN xúc tiến thương mại, tìm thị trường sau đó căn cứ vào lợi thế địa lý mà đặt hàng cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tổ chức cho nông dân gieo trồng đúng theo yêu cầu kỹ thuật mà nhà nhập khẩu đặt ra. Và, then chốt ở đây là phải mạnh dạn triển khai việc dồn điền như cách làm ở miền Bắc. 

Riêng về DN - cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, cần có sự đột phá mạnh mẽ như chủ động khai thác thị trường sau đó đặt hàng nông dân trồng theo hợp đồng. Trong đó, cần xem nông dân là người đồng hành, là bộ phận quan trọng trong thực thể tạo ra sức sống cho thị trường nông sản. Nếu không làm, DN sẽ không có vùng nguyên liệu tốt và không xây dựng được thương hiệu nông sản và mãi bán nông sản theo kiểu "câm điếc", còn nông dân mãi loay hoay "trồng mù, bán mờ".

Về quản lý nhà nước, phải thật cương quyết hơn nữa trong thay đổi nhận thức của nhà nông, DN. Bên cạnh chính sách hỗ trợ, khuyến khích, cần có chế tài thật nặng với các vi phạm đạo đức. Và, trên hết là tạo ra mối liên kết để nhà khoa học có điều kiện phát huy khả năng, trí tuệ vào thúc đẩy sản xuất đúng kỹ thuật, an toàn thực phẩm và an toàn cho môi trường.  

ĐBSCL có thể khắc phục những nhược điểm cố hữu mà phát triển bền vững những thế mạnh nông nghiệp đặc thù theo Chiến lược liên kết vùng toàn diện đặt trên nền tảng số hóa các chuỗi giá trị của từng sản phẩm liên kết với các chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu. Trước hết, phải bắt đầu từ DN. 

Trong giai đoạn nguy nan, chúng ta mới thấy rõ vai trò của doanh nhân nổi lên hàng đầu trong giải cứu kinh tế. Ông bà ta ngày xưa có câu "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách." Ngày nay trong thời hòa bình, "thất phu" là những "doanh nhân" chân chính, hoạt động trong một thể chế quản trị tài giỏi và những người lao động có kỹ năng phù hợp.

(*) Hiệu trưởng Danh dự, Đại học Nam Cần Thơ

GS. Võ Tòng Xuân (*)