RCEP và cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 14/01/2022
RCEP được thực thi sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP hơn 27.000 USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp (DN) trong các ngành hàng của Việt Nam rất kỳ vọng vào hiệp định này. Trong đó, đáng chú ý nhất là các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình (sau 20 năm), Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác, các nước đối tác sẽ xóa bỏ khoảng 90-92% số dòng thuế cho Việt Nam và các nước ASEAN sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ số dòng thuế cho Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh bị tác động tiêu cực do dịch Covid-19, RCEP càng được kỳ vọng sẽ là động lực để DN xuất khẩu tăng tốc trở lại trong năm 2022. Sự kỳ vọng này càng có cơ sở khi hầu hết sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đều đáp ứng được tiêu chuẩn của các thành viên RCEP.
Do đó, trong thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam đã có những bước chuẩn bị để sẵn sàng đón cơ hội từ RCEP. Chẳng hạn, Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) đã hoàn thiện quy trình sản xuất, các vùng nguyên liệu đều canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm đều có chỉ dẫn địa lý. Đại diện Công ty Chánh Thu cho biết, ngoài Trung Quốc, trong RCEP có Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand là những quốc gia đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rất cao. Nếu sản phẩm không an toàn thì sẽ không thể khai thác các thị trường này.
Một DN nông sản khác cũng đang đón đầu cơ hội từ RCEP là Công ty Hoàng Phát Fruit (Long An). Theo đại diện công ty này, Hàn Quốc và Nhật Bản từ lâu đã là thị trường nhập khẩu trái cây của Hoàng Phát Fruit. Từ giữa tháng 8/2021, Hoàng Phát Fruit đã xây dựng thêm một xưởng sơ chế 10.000m2, mỗi ngày có thể đạt công suất 40 tấn. Công ty cũng lắp đặt thêm dây chuyền sấy, ép trái cây để tăng giá trị sản phẩm. Hoàng Phát Fruit đang liên kết với các hộ dân trong khu vực để tăng nguồn cung nguyên liệu tươi. Ngoài 100ha sản xuất hiện tại, công ty dự tính sẽ hợp tác thêm với nông dân để mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 160ha để có đủ hàng theo yêu cầu của đối tác.
Ngành thủy sản cũng là một trong những ngành có nhiều cơ hội nâng cao sản lượng xuất khẩu khi quy tắc xuất xứ sản phẩm đến các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc được nới lỏng trong RCEP. Cụ thể, với hàng thủy sản, các FTA trước đây đều yêu cầu xuất xứ sản phẩm thuần túy ở Việt Nam, nhưng RCEP cho phép được sản xuất từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên, được sản xuất tại một nước thành viên có sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định của RCEP.
Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) là một trong những DN chuẩn bị kỹ cho việc đón cơ hội từ RCEP. Theo đó, Vĩnh Hoàn đã công bố chi 1.300 tỷ đồng đầu tư, trong đó chi 700 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống với công suất dự tính khoảng 350.000 tấn/năm.
Vĩnh Hoàn cho biết có kế hoạch sử dụng một phần nhà máy hiện có để thử nghiệm nuôi cá hồi cho Mitsubishi, Nhật Bản. Dự án thử nghiệm này sẽ bắt đầu vào tháng 8/2021 và Mitsubishi sẽ đánh giá sản phẩm trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Với hàng dệt may, trong khi các FTA trước đó giữa Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) đều yêu cầu quy tắc xuất xứ hai công đoạn, nghĩa là vải phải được sản xuất trong khu vực ASEAN hoặc Nhật Bản mới được ưu đãi thuế quan, nhưng với RCEP, Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam là được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản. Do đó, các DN trong ngành này cũng đã có kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước thành viên RCEP.
Đại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, nhằm mở rộng thị phần xuất khẩu và đón đầu những cơ hội mà RCEP mang lại, công ty đã lên kế hoạch hợp tác xây dựng nhà máy mới 20.000m2 tại Đồng Nai với nhiều trang thiết bị tự động để sản xuất sản phẩm thời trang. Công ty đồng thời sẽ mở nhà máy Vitajean 2 tại Trảng Bom, Đồng Nai với diện tích 7.000m2.