Quản lý game online trên nền tảng blockchain
Đời thường - Ngày đăng : 07:30, 16/01/2022
Game "ăn khách" Axie Infinity |
Giàu tiềm năng phát triển
Sự phát triển của công nghệ blockchain, sự thịnh hành của các loại tiền số hay sự ra đời của các nền tảng tài chính phi tập trung DeFi (Fi) và do đại dịch Covid-19 khiến nhiều người quan tâm đến các hình thức kiếm tiền online, đã giúp GameFi hay Game NFT (NFT - non fungible token, tài sản số có thể quy đổi ra bitcoin và có giá trị đổi thành tiền mặt, như SLP của Axie Infinity, SAND của The Sandbox) khiến "sân chơi" vừa giải trí vừa kiếm thu nhập "play to earn" trên blockchain "bùng nổ”. Tại tọa đàm "Tương lai của giao dịch NFT trong siêu vũ trụ ảo Metaverse" ngày 12/9/2021, bà Janine Yorio - đồng chủ tịch của Republic Realm cho rằng, hệ sinh thái NFT đã và đang đem đến cho con người niềm vui về cả tinh thần và vật chất trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19.
Theo thống kê của Newszoo, năm 2021 có gần 3 tỷ người chơi game trên toàn cầu, tăng 5,3% so với năm 2020. Con số của App Annie Intelligence cho thấy Việt Nam đứng thứ hai tại Đông Nam Á về thị phần tải game trên ứng dụng mobile (iOS và Android) là 22%, sau Indonesia 38%. Việt Nam có 68 triệu chủ sở hữu điện thoại thông minh, 64% trong số đó sử dụng 3G, 4G hoặc 5G. Thời gian trung bình hằng ngày để chơi game là 3,9 giờ, nhiều hơn 10% so với người dùng trung bình ở Mỹ. Báo cáo "Ứng dụng di động 2021" của Appota - đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ và nội dung giải trí số trong nước cho biết, thị trường game di động tăng 40% doanh thu qua kho tải, lượt tải và số lượng game ra mắt có thể đạt 205 triệu USD vào năm 2021.
Báo cáo tổng kết năm 2020 và định hướng năm 2021 của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá, game online là một trong số ít ngành công nghiệp nội dung số giữ vững doanh thu và thị trường lao động ổn định, thậm chí còn tăng nhẹ so với các năm trước. Năm 2021, Việt Nam có thị trường game NFT sôi động, đã thu hút được nhiều quỹ đầu tư. Đầu tháng 10, Sky Mavis - công ty sở hữu Axie Infinity hoàn tất vòng gọi vốn Series B với hơn 150 triệu USD và doanh nghiệp được định giá là 3 tỷ USD. Game Sipher gọi vốn thành công ở vòng gần nhất 6,8 triệu USD, HeroVerse gọi vốn thành công 1,7 triệu USD, Defi House 5 triệu USD tại vòng Private Sale, Iron Sail 25 triệu USD, Faraland 2,4 tỷ USD, 9D NFT 2,9 triệu USD. Năm 2021, Việt Nam còn được vinh danh ở top đầu thị trường game NFT thế giới, với game Axie Infinity đạt hơn 1,5 triệu người chơi trên toàn cầu.
Từ "cú hích" Axie Infinity, hàng loạt game NFT thương hiệu Việt ra đời như Simba Empire, Lost Relics, CryptoBike, Mytheria, Hero Versre, Mogwar, Etermon, Thetan Arena, Heroes TD thu hút đông đảo người chơi. Nhiều tựa game khác sẽ được tung ra trong năm 2022 như Racing Legends - tay đua huyền thoại của Ftech, Ftribe Fighters của Ftribe Games, The Reed Field của Quasar Art.
Về xu thế phát triển game blockchain tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO Appota Fintech & Blockchain nhận định, chúng ta đang có dân số trẻ thành thạo công nghệ, người dùng smartphone cao và mạng Internet đảm bảo, có đội ngũ tri thức trẻ, có nhiều ý tưởng khởi nghiệp và những sản phẩm game tạo được tiếng vang trên thị trường quốc tế.
Chờ khung pháp lý đầy đủ
Chuỗi khối (blockchain) là một lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã có báo cáo trình Chính phủ về việc rà soát khuôn khổ pháp lý có liên quan đến việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng blockchain.
Cuối năm 2020, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử đã ra mắt cổng gameportal.gov.vn cung cấp thông tin chính thức về trò chơi điện tử trên mạng từ cơ quan chức năng. Ngày 28/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia. Cuối tháng 12/2021, Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam ra mắt Trung tâm Quản lý Tài sản số (TSS). Đây là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân để làm nhiệm vụ thúc đẩy, tổ chức các hoạt động số hóa, quản lý tài sản số theo định hướng kinh tế số của Chính phủ.
Tại tọa đàm "Xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển của trò chơi trực tuyến tại Việt Nam" ngày 28/12/2021, các chuyên gia đã đề cập đến rào cản về pháp lý đối với doanh nghiệp, như thủ tục đăng ký hoạt động, tính toán tài sản số ra sao, thuế được quy định gồm những gì. Vì chưa có đầy đủ khung pháp lý nên Axie Infinity - sản phẩm made in Vietnam do Sky Mavis phát triển, để đảm bảo việc hoạt động hợp pháp và tính bền vững, đã đăng ký kinh doanh tại Singapore. Tỷ lệ startup công nghệ Việt Nam đăng ký kinh doanh tại nước ngoài - nhiều nhất là ở Singapore vào khoảng 50%, thì mảng game blockchain là 100%. Khi cộng đồng làm công nghệ phải tìm đến nước ngoài để được đảm bảo về mặt pháp lý, đóng thuế cho nước ngoài trong khi trụ sở chính, đội ngũ phát triển hay vận hành đều hoạt động ở Việt Nam, đặt ra vấn đề là Nhà nước quản lý việc kê khai doanh thu của các game gắn với việc phát hành tiền ảo và nộp thuế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này như thế nào để tránh tình trạng bị thất thoát thuế.
Các cơ quan quản lý và xã hội vẫn còn nhiều câu hỏi cho sự đóng góp của ngành game NFT với kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy sự tăng tốc của tài sản số, đồng tiền số góp phần thúc đẩy công nghệ, nhưng cũng tạo ra nhiều lo lắng về tranh chấp hay xu thế lừa đảo người dùng qua không gian mạng. Đại diện game Axie Infinity từng thừa nhận lừa đảo trong game là vấn đề nan giải. Với tiền điện tử và NFT, nếu bị đánh cắp thì khả năng lấy lại là bằng không. Hơn nữa, là một dạng tài sản số phụ thuộc vào biến động giá của Bitcoin, ETH... nên thu nhập của người chơi - nhà đầu tư game NFT có thể tăng cao hay lỗ nặng tiền đầu tư. Hiện Nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền điện tử nào là hợp pháp. Đồng thời, việc phát hành, mua bán, trao đổi tiền điện tử cũng chưa có đơn vị quản lý chính thức, chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hay văn bản hướng dẫn để giải quyết tranh chấp, hoặc rủi ro, lừa đảo. Game NFT cho phép "play to earn", cũng đặt ra vấn đề Nhà nước quản lý thu nhập từ người chơi - nhà đầu tư tiền ảo với các giao dịch trong game như thế nào. Bởi thời gian qua họ có thể đã kiếm được thu nhập hàng chục, hàng trăm nghìn USD từ game nhưng chưa đóng thuế.
Nhìn chung, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu để Nhà nước xây dựng khung pháp lý cũng như cơ chế, chính sách quản lý và bảo vệ doanh nghiệp hay người dùng, đảm bảo sự phát triển và đóng góp bền vững của công nghiệp game NFT cho nền kinh tế đất nước.
Thiết nghĩ, trong giai đoạn này, các startup khoan chạy theo số lượng khi thấy thị trường "sốt", hãy tập trung đầu tư vào chất lượng nội dung, hình thức của game NFT, tăng cường tính năng giải trí và nghệ thuật, kể chuyện về đất nước, phong cảnh, con người Việt Nam nhằm xây dựng bản sắc riêng của game Việt.