Cần có cơ chế thông thoáng để thu hút nhà đầu tư
Doanh nhân viết - Ngày đăng : 03:00, 17/01/2022
Dây chuyền sản xuất tất tại Công ty TNHH Dệt Nhuộm Jasan Việt Nam (Hải Phòng) |
Chính sách, định hướng và giải pháp để thực hiện mục tiêu kép
•Có những chính sách phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid19 thuộc các ngành: dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; công nghiệp, dệt may, giày da, chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm, xây dựng.
•Triển khai chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
•Xúc tiến đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa và coi trọng phát triển kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa và các chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa quy mô lớn có sự tham gia của các DN phân phối, DN logistics, DN sản xuất trong nước. Đẩy mạnh thương mại điện tử trên thiết bị di động đáp ứng nhu cầu mua sắm của cá nhân; tập trung phát triển nhanh loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp với đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
•Xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn đặc trưng và chủ lực của TP.HCM nhằm thu hút du khách đến TP, phát triển mạnh du lịch nội địa trong điều kiện du lịch quốc tế khó khăn.
•Xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tất cả các khâu từ quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư, góp phần hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhất là DN vừa và nhỏ.
•Nâng cao các giải pháp mạnh mẽ cải thiện CPI, nhất là các chỉ tiêu thành phần còn hạn chế như chi phí gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền, khả năng tiếp cận đất đai, hiệu quả thực thi các cam kết pháp lý.
Giải pháp thu hút nguồn vốn FDI
•Thu hút vốn FDI vào những ngành có công nghệ tiên tiến, có tỷ lệ xuất khẩu cao; còn những ngành ít vốn, công nghệ thấp thì huy động chủ yếu vốn đầu tư trong nước, nếu có liên doanh thì bên Việt Nam là đối tác chính.
•Ngoài các hình thức đầu tư FDI như Luật Đầu Tư hiện nay quy định, để tăng cường thu hút FDI hơn nữa chúng ta có thể áp dụng các hình thức sau: công ty CP trong nước có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là loại hình công ty phổ biến trên thế giới và được áp dụng ở nhiều nước Đông Nam Á. So với công ty trách nhiệm hữu hạn, loại hình này có nhiều lợi thế về huy động vốn và giảm rủi ro. Do đó Nhà nước ta cần phải có hệ thống văn bản pháp quy quy định về loại hình thu hút FDI này.
•Cổ phần hoá các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ý kiến của các nhà đầu tư, Luật Đầu Tư quy định DN liên doanh không được phép huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, chứng khoán là quá cứng nhắc và gây bất lợi cho phía Việt Nam. Vì vậy Nhà nước ta nên có những quy định cụ thể về loại hình này nhằm tạo điều kiện cho các DN Việt Nam mua cổ phần, nộp tỷ lệ góp vốn của phía Việt Nam.
•Nhà đầu tư tự do lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với các yêu cầu của mình. Việc cải tiến quy chế đầu tư vào các khu công nghiệp và các khu chế xuất là rất cần thiết nhằm thu hút mạnh hơn nữa các dự án FDI vào các khu công nghiệp và khu chế xuất. Cụ thể: Giảm giá thuê đất trong các khu công nghiệp và khu chế xuất để bảo đảm cho các chủ đầu tư có lợi, thúc đẩy họ đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cải thiện môi trường đầu tư
Chỉ số PCI của TP.HCM tăng 5,4 điểm trong vòng 4 năm, nhưng sự thay đổi từ nhóm các tỉnh, thành (chỉ số PCI từ nhóm khá thành nhóm tốt) nên TP bị tụt hạng. Cụ thể, năm 2016 và 2017 hạng 8, 2018 hạng 10 và 2019 là hạng 14. Điều này cho thấy, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của TP.HCM chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
*Cải tiến thủ tục hành chính như thế nào?
•Đó là cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, quản lý hành chính và đất đai
•Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, tránh tình trạng qua nhiều khâu, phát sinh thêm chi phí cho DN và nhà đầu tư nước ngoài.
Xây dựng triển khai ngay kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có liên quan phục vụ công tác đầu tư của các tổ chức, DN. Trong đó, bảo đảm yêu cầu có thời hạn đối với quy trình TTHC xử lý hồ sơ, xác định rõ tổ chức cá nhân có chức trách trong xử lý hồ sơ; có sự tham gia đóng góp ý kiến của các tổ chức, DN; có sự giám sát của cơ quan chính quyền, có chế tài xử lý vi phạm.
Cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cải cách thủ tục hành chính theo nguyên tắc “một cửa”, “một dấu”. Các cơ quan phụ trách hợp tác và đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho họ đăng ký và các cơ quan chức năng phải thông báo công khai các loại giấy phép cần có.
Các cơ quan quản lý về tài nguyên - môi trường cần sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung theo hướng giảm bớt các danh mục báo cáo đánh giá tác động đến môi trường và quy định cụ thể các dự án được miễn lập các loại báo cáo này. Với các dự án đó, cơ quan thẩm định phải tiến hành nhanh và bảo đảm độ chính xác cao để vừa rút ngắn thời gian đăng ký vừa hạn chế được công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Muốn vậy các cơ quan phải thường xuyên thu thập các thông tin về công nghệ tiên tiến của thế giới.
Việc cấp giấy phép kinh doanh đối với những lĩnh vực và ngành nghề mà theo quy định phải có giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề, DN chỉ cần đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai hoạt động của mình theo mục tiêu, ngành nghề quy định tại giấy phép đầu tư, không phải xin giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề. Để tạo điều kiện cho việc triển khai dự án nhanh sau khi được cấp giấy phép đầu tư, Nhà nước giải quyết nhanh chóng các thủ tục.
Về thủ tục cấp đất: Sở Địa chính ở các tỉnh, thành phố chỉ tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính một lần và đơn giản hoá mọi thủ tục khác về đất đai, đồng thời đề nghị tổng cục địa chính và các cơ quan hữu quan soạn thảo ngay các quy định về giải phóng mặt bằng, về đền bù cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như quy định về chuyển quyền sử dụng đất.
Thủ tục quản lý xây dựng cơ bản theo thiết kế đã đăng ký cần được tổ chức chặt chẽ nhưng không được can thiệp quá sâu. Cơ quan nhà nước quản lý xây dựng cơ bản cần thực hiện đúng chức năng thẩm quyền của mình, đồng thời cải tiến các thủ tục theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả.
*Đơn giản hoá thủ tục hải quan là yêu cầu cấp thiết
Các quy định thủ tục hải quan phải được sửa đổi ngay và công bố công khai theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho các DN; ngành hải quan phải biết tiếp thu và xử lý các ý kiến đóng góp hoặc khiếu nại của khách hàng.
Phải có sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành có liên quan như thương mại, hải quan, công nghệ môi trường. Những vấn đề phát sinh không giải quyết được phải nhanh chóng có công văn hỏi ý kiến và có ngay phúc đáp của cơ quan chức năng.
(*) Chủ tịch Tập đoàn 365Group