Ngành ngân hàng: Nhìn lại những chính sách trong năm 2021

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 26/01/2022

Ngành ngân hàng (NH) trải qua năm 2021 khá thành công dù đối mặt với không ít thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Có được kết quả ấy không thể không nhắc đến những chính sách tiền tệ hiệu quả và giải pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như sự nỗ lực từ các nhà băng.

Từ hỗ trợ nền kinh tế...

Đứng trước những khó khăn của nền kinh tế, từ tăng trưởng giảm tốc, nhiều doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động, thu nhập người dân giảm sút trong khi áp lực lạm phát gia tăng do giá hàng hóa thế giới tăng vọt, chính sách tiền tệ đã phát huy hiệu quả, khi góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát bình quân năm 2021 là 1,84% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 và thấp hơn mục tiêu 4%.

Để hỗ trợ nền kinh tế, sau khi đã ba lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2% trong năm 2020, năm 2021 NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. Theo thống kê của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD đã giảm thêm 0,8% trong năm vừa qua.

Nhiều NH chạy đua dịch vụ eKYC trong năm qua

Nhiều NH chạy đua dịch vụ eKYC trong năm qua

Tỷ giá cũng là một điểm sáng trong năm vừa qua, khi tiền đồng tiếp tục giữ vững giá trị so với đô la Mỹ, thậm chí có những thời điểm còn tăng giá trong khi nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá trước sự mạnh lên của đồng bạc xanh. Từ đầu năm 2021, NHNN đã chuyển sang phương án mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng, sau đó đã ba lần điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ từ các TCTD để gia tăng dự trữ ngoại hối. Với chính sách điều hành thị trường ngoại hối hiệu quả, Việt Nam đã được phía Mỹ gỡ nhãn "thao túng tiền tệ”.

Trong năm qua, NHNN đã cho phép các NH kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, miễn, giảm lãi phí. Thống kê từ khi có dịch đến ngày 20/12/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên 607.000 tỷ đồng, trong đó có trên 296.000 tỷ đồng với 775.000 khách hàng được cơ cấu lại nợ; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ là 34.900 tỷ đồng; cho vay với lãi suất thấp hơn so với trước dịch là trên 7,4 triệu tỷ đồng cho hơn 1,3 triệu khách hàng tính từ ngày 23/1/2020.

Ngành NH cũng đã đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế trước các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để tạo điều kiện cho các TCTD hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NH. Nhờ đó, tính đến ngày 24/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,97% so đầu năm và tăng 14,49% so cùng kỳ năm 2020.

...Đến nâng cao sức mạnh của ngành

Song song với việc triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế và khách hàng, ngành NH đã tiếp tục cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao sức mạnh và khả năng cạnh tranh.  Để nâng cao năng lực tài chính, các NH liên tục tăng vốn điều lệ, tận dụng diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán. Đặc biệt phải kể đến nhóm NHTM nhà nước, sau nhiều năm khó khăn trong việc tăng vốn, trong năm 2021, vốn điều lệ của nhóm này được cải thiện mạnh mẽ.

Ngành NH đã cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao sức mạnh và khả năng cạnh tranh. Để nâng cao năng lực tài chính, các NH liên tục tăng vốn điều lệ, tận dụng diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán.

Chẳng hạn, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng, vốn điều lệ Vietinbank tăng thêm 10.824 tỷ đồng, Vietcombank tăng thêm 10.327 tỷ đồng, BIDV tăng thêm 10.365 tỷ đồng...

Về xử lý nợ xấu, tiếp tục đạt được kết quả tích cực sau hơn 4 năm triển khai Nghị quyết 42. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 11/2021, toàn hệ thống đã xử lý được 368.900 tỷ đồng nợ xấu.   

Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, nợ xấu của các NH tiếp tục có xu hướng tăng ngay từ những tháng đầu năm 2021. Theo số liệu của NHNN, tuy tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm ước ở mức 1,92%, nhưng nếu tính luôn cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ này ước lên đến 3,38%. Trong trường hợp thận trọng hơn, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại có nguy cơ trở thành nợ xấu, tỷ lệ này lên đến 7,46% vào cuối tháng 11/2021 và ước đến cuối tháng 12/2021 là 7,31%.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt cũng là trọng tâm của ngành NH trong những năm gần đây. Kết quả thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng mạnh do những chính sách định hướng của cơ quan quản lý và hành vi khách hàng thay đổi nhanh chóng kể từ khi đại dịch đến nay.

Dựa trên hướng dẫn của NHNN, các nhà băng trong năm qua đã triển khai dịch vụ mở tài khoản toán cá nhân bằng phương thức điện tử eKYC. Hiện có 21 TCTD đã triển khai eKYC với hơn 2,2 triệu tài khoản và số lượng giao dịch đạt hơn 23 triệu. Các NH cũng tích cực ứng dụng nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data).

Anh Khoa