Tết không thể thiếu bánh chưng
Sống khỏe - Ngày đăng : 00:39, 29/01/2022
Chuẩn bị món ngon ngày Tết
Thời xưa, chuẩn bị cho cái Tết có thể nói là cả năm. Đầu tiên là nuôi heo, ngày ấy không có giống heo lai và thức ăn tăng trọng, mà toàn là các giống heo quê cho ăn cám, nấu với cây chuối dọc khoai hay bèo tấm. Vì thế, thịt heo rất thơm ngon, bộ lòng càng tuyệt. Còn các thứ khác như lúa nếp, mật mía, mộc nhĩ, măng khô phải trữ từ mùa Đông.
Cứ rằm tháng chạp thì nhà nào cũng làm dưa hành. Hành củ to tròn lụi dọc bán đầy rẫy ở các chợ quê, mua về ngâm nước gio bếp độ 5 ngày, rồi bóc vỏ cắt rễ trộn muối hai ngày sau thì đổ nước ngâm, mất 7-8 ngày nữa củ hành mới hết cay chuyển thành dưa chua dôn dốt. Củ hành tuy rẻ nhưng ăn cùng thịt mỡ thì ngon lắm, nên ngày xưa nó được xếp vào 6 loại phẩm vật đặc trưng của Tết:
"Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ"
Không khí Tết có thể thấy bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp cúng ông Công ông Táo lên chầu trời. Nào đi tạ quan thần linh ở mộ ông bà cụ kị, nào là tổng vệ sinh giặt giũ áo quần chăn chiếu, tát giếng, quét mạng nhện và bụi bặm trên mái nhà, dọn dẹp từ sàn đằng trước đằng sau cho đến cổng ngõ, đường sá, nào chỉnh trang bát hương, lau chùi đồ thờ bóng lọng...
Từ 27-30 chạp là lo mổ heo gói bánh chưng, bánh tẻ, bánh nẳng, quấy chè lam, nấu kẹo lạc, làm bỏng mụn, xoáy bánh dầy đi cùng với bánh chưng cho đủ lễ phẩm trong Tết Nguyên đán.
Ngày Tết ở quê vui lắm. Nghe mẹ kể: "Suốt từ ngày 28-30 tháng chạp, tiếng heo kêu eng éc khắp làng xóm, các bến nước hai bên bờ sông kẻ lên người xuống dập dìu, chỗ này cọ lá dong, chỗ kia làm lòng heo. Quanh năm bận rộn, bữa ăn đơn giản vài ba món. Tết đến mổ con heo ra mới có điều kiện bày vẽ trước cúng sau ăn. Cái thủ thường dùng gói giò gọi là giò thủ, đôi thăn giã nhuyễn gói giò lụa, cũng có nhà gói cả giò mỡ. Gói giò mỡ thì dùng miếng thịt ba chỉ cuộn tròn gói lá chuối kiền lạt như gói bánh chưng tầy, cho vào nồi đổ ngập nước, bịt miệng nồi để tạo áp suất cao, khi bóc ra thịt mỡ trong veo hết ngấy. Chả rán thì dùng thịt nạc giã nhuyễn nặn như chiếc đĩa, chả nướng thì thái miếng ướp hành nước mắm, cũng ướp cả riềng mẻ nữa, vót tre làm xiên, mỗi xiên 7-8 miếng....
Tết phải có bánh chưng xanh
Bánh chưng là một trong những loại bánh cổ truyền. Người Việt thường quan niệm bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho mặt đất, bánh dầy hình tròn tượng trưng cho mặt trời. Dân tộc Việt Nam ta trước đây lại là văn hóa lúa nước, phụ thuộc vào yếu tố thiên nhiên rất nhiều. Chính vì vậy, bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người.
Trong ngày Tết cổ truyền, hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thật đẹp và ý nghĩa. Thông thường các gia đình Việt có thói quen gói bánh vào ngày 27 và 28, đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau cả một năm vất vả để chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết. Đây cũng chính là dịp để ông bà bố mẹ và con cháu sum vầy trước không khí rạo rực của mùa Xuân.
Theo lệ hằng năm, cứ Tết đến Xuân về, cả nhà tôi đều háo hức và tụ họp cùng gói bánh chưng. Mẹ tôi đi chợ từ sáng sớm để có thể chọn lựa được lá dong, gạo, đậu xanh, thịt heo một cách tốt nhất. Còn chị em tôi và con cháu thì đảm nhiệm việc gói bánh, chuẩn bị nồi bánh chưng và quá trình luộc bánh kéo dài đến 12 tiếng. Muốn có chiếc bánh chưng vuông đẹp đòi hỏi phải chọn được loại lá dong bánh tẻ, to vừa phải. Đối với bánh chưng dài thì ít kén lá hơn, chỉ cần lá lành lặn là được. Loại lạt giang lột đều phù hợp với bánh vuông, lạt dùng cho bánh dài mối nối phải khéo léo để khi thắt không làm rách lá. Thịt ba chỉ thường được chọn làm nhân, vì loại thịt này vừa có mỡ vừa có nạc sẽ làm cho bánh béo ngậy.
Khi chuẩn bị gói bánh, gạo được đãi sạch để ráo nước, cho một chút muối rồi xóc đều. Đỗ xanh ngâm mềm, đãi sạch vỏ. Thịt ba chỉ thái to ướp một chút muối và hạt tiêu. Gói bánh chưng cũng đòi hỏi kỹ thuật gói bánh phải khéo và có kinh nghiệm. Ví dụ, để bánh chín đều, không nên gói lỏng tay bánh sẽ nhão, nhưng nếu gói quá chặt tay, khi luộc sẽ làm bánh méo mó, rách góc lá và khó mềm.
Trước khi gói phải tước bỏ sống lá để dễ bẻ lá. Người khéo gói không cần khuôn mà bánh vẫn vuông vức, lại gói được nhanh. Dùng khuôn đòi hỏi người gói khi nhấc khuôn phải nhanh tay để vẫn giữ được hình bánh. Mỗi chiếc bánh vuông được thắt hai chiếc lạt hình chữ thập, thường thì hai chiếc được lạt chung với nhau thành một cặp bánh.
Khi xếp bánh vào nồi cũng phải nhẹ tay để vừa xếp được nhiều lại không bị ép bánh vào nhau. Dưới đáy nồi thường được lót một lớp cuộng lá dong để bánh không bị khê. Lửa đun không cần cháy to nhưng phải đều lửa. Bên cạnh nồi bánh chưng luôn có một thùng nước nóng dùng để chế thêm nước khi nồi bánh bị cạn. Trung bình một nồi bánh chưng luộc từ 8-10 tiếng là được.
Buổi tối quây quần bên người thân, quanh nồi bánh chưng vừa trò chuyện, vừa ước mong một năm mới gặp nhiều an lành, may mắn là một nét đẹp văn hóa Việt, mà cũng là kỷ niệm của nhiều người.