Hoa Tết: Hồn văn hóa Việt

Đời thường - Ngày đăng : 06:00, 01/02/2022

Giáo sư Trần Văn Thọ là nhà kinh tế học, cuộc đời ông gắn bó với các nghiên cứu về kinh tế, hoạt động doanh nhân, người thấm đậm hồn văn hóa dân tộc Việt. Trên nhiều diễn đàn ông tự hào có hai quê hương thân thiết là Nhật Bản và Việt Nam. Nhật Bản có hoa anh đào nở rộ vào mùa Xuân. Việt Nam là xứ sở của mai vàng, đào thắm mỗi độ Xuân về Tết đến.

Giáo sư Trần Văn Thọ sinh thành tại tỉnh Quảng Nam. Năm 1967, ông giành được học bổng du học Nhật Bản, gắn bó với đất nước mặt trời mọc hơn nửa thế kỷ nay. Tâm tình về hoa mai và hoa đào với các lưu học sinh Việt tại Đại học Waseda, Tokyo - ngôi trường ông đã thành danh gắn bó cả cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy, truyền thụ kiến thức, ông nói: "Sắc vàng hoa mai, sắc hồng thắm của hoa đào là một phần văn hóa Việt". Ở Việt Nam, do thời tiết và khí hậu, hoa mai là tượng trưng cho Tết cổ truyền đất phương Nam; đào thắm Nhật Tân, Quảng Bá - Hà Nội là biểu tượng của mùa Xuân dân tộc ở phía Bắc. Mai vàng đào thắm ẩn chứa trong đó hồn cốt văn hóa Việt - một Việt Nam thống nhất đoàn tụ, sum vầy. 

106-1-5188-1643623808.jpg

Mai vàng 5 cánh tượng trưng cho sự vui vẻ, hạnh vận, trường thọ, hanh thông, ân hòa. Vàng là màu của giàu sang, phú quý, hy vọng; là sự cao thượng, ý chí quật cường, kiên trung của bậc quân tử. Đào thắm là tinh hoa ngũ hành, thuở xưa chỉ dành cho các bậc vua chúa. Hoa đào thể hiện sự e ấp, mảnh mai của các cô gái trẻ - liễu yếu đào tơ; thể hiện tình yêu đôi lứa: Đêm qua Mận mới hỏi Đào. Vui Xuân đã có ai vào hái hoa. Ngày nay, trong mỗi gia đình Việt, người ta vẫn trưng cả hoa mai và hoa đào, niềm tự hào đất nước, non sông liền một giải.  

Tôi gặp Giáo sư Trần Văn Thọ lần đầu cách đây hơn chục năm khi mùa hoa anh đào nở màu trắng tinh khôi và màu tím ngát tại Tokyo, cùng đoàn nhà báo Việt Nam nghe ông thuyết trình về mô hình "kinh tế đàn sếu bay", mô hình "kinh tế Heckscher-Ohlin". Và ba năm sau, tôi lại có dịp dự tiệc tối với ông cùng nhóm nhà báo viết về kinh tế tại TP.HCM. Chuyện trò, mới biết Giáo sư Trần Văn Thọ với tôi đều sinh năm 1949, tuổi Kỷ Sửu. Ông cười hồn nhiên "trâu vàng - dân cày ruộng, ta chỉ lo cày", mới biết giáo sư là chuyên gia kinh tế nhưng rất yêu văn hóa Việt.    

Đại dịch Covid-19 bùng phát đợt 4 ở Việt Nam gây nhiều tổn thất nặng nề, ông chia sẻ lên mạng xã hội và tâm tình với một người bạn đồng môn, đồng quê xứ Quảng ở TP.HCM, doanh nhân Đinh Văn Mười - nguyên Phó tổng giám đốc VCB: "Diễn đàn văn hóa Việt tháng 11 tại Hà Nội thật ý nghĩa. Làm kinh tế - xây dựng đất nước thịnh vượng mà quên đi hồn cốt văn hóa ắt sẽ phải trả giá”. Ông nhắc lại câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa dẫn dắt quốc dân đi", để thấy văn hóa là nền tảng, có tầm quan trọng đặc biệt, kể cả trong hoạt động doanh nghiệp và đời sống doanh nhân. Người ta vẫn hay nói đến văn hóa doanh nhân, điều không thể thiếu trên thương trường.

Giáo sư Trần Văn Thọ chia sẻ, sao ta cứ lăn tăn về câu "Tiên học lễ hậu học văn". Xin nói ngay, lễ chính là văn hóa thể hiện cách hành xử của đương kim Thủ tướng và cựu Thủ tướng Nhật Bản, thử hỏi còn mấy ai hơn? Ông thuật lại một chuyện vừa xảy ra giữa tháng 11/2021 tại Tokyo giữa Thủ tướng Kishida Fumio và cựu Thủ tướng Suga Yoshihide để lại dấu ấn sâu đậm về chữ lễ.

Chuyện rằng, Thủ tướng Kishida muốn gặp cựu Thủ tướng Suga để hỏi kinh nghiệm về ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Thủ tướng Kishida đã định đến văn phòng cựu Thủ tướng Suga ở Quốc hội, nhưng ông Suga đã trả lời là chính ông sẽ đến dinh Thủ tướng. Kishida xem như tự mình phải đến gặp Suga để tỏ lòng kính trọng người tiền nhiệm, còn Suga thì cho rằng Kishida là Thủ tướng đương nhiệm rất bận nên chính ông phải đi. Tình hình thực tế là Thủ tướng Kishida quá bận nên cuối cùng dinh Thủ tướng là nơi hai người quyết định gặp. Khi gặp, để tỏ thái độ kính trọng người tiền nhiệm, ông Kishida đã xuống tận sảnh chỗ xe ông Suda đỗ, đợi sẵn để đón ông Suga và cùng đi lên phòng họp. Họp xong, ông Kishida lại tiễn ông Suga xuống tận nơi đỗ xe. Dù rất bận rộn nhưng Thủ tướng Kishida đã không quên thái độ hành xử rất lễ.

Lễ là ứng xử có văn hóa, cần lắm! Ở Việt Nam, các tiền nhân đã bàn nhiều, thành ngữ "Tiên học lễ hậu học văn" cần gì phải bàn thêm, dùng hay bỏ?

***

Nhà báo, nhà văn Thái Duy, tức Trần Đình Vân - tác giả cuốn sách Sống như anh nổi tiếng, 95 tuổi gặp đồng nghiệp, nhà báo Cao Kim 80 tuổi tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam cuối năm 2020. Hai đồng nghiệp cao niên, cựu phóng viên Báo Giải Phóng đã ôm chầm lấy nhau trong giây phút ngỡ ngàng, xúc động: "Nghĩa tình là báu vật trong cuộc đời. Già rồi mà gặp được nhau, cùng nhau nhắc lại chuyện tình một thuở, quý hóa lắm".

Cô gái trẻ Nguyễn Thúc Thùy Tiên, sinh năm 1998, thông thạo ba ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thái đăng quang Hoa hậu Hòa bình Quốc tế đêm 4/12/2021 tại Bangkok là "một biểu hiện đẹp về văn hóa Việt" (Báo Bangkok Post). Ba mẹ của Thùy Tiên chia tay nhau lúc cô 4 tuổi, Thùy Tiên sống với dì ruột, 18 tuổi tự lập, giàu nghị lực, vừa làm vừa đi học, đại dịch Covid-19 tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện trên tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM. Cô giành vương miện trong tâm phục khẩu phục, đẹp người đẹp nết, lễ và văn song hành! 

Câu chuyện về đương kim Thủ tướng và cựu Thủ tướng Nhật Bản vừa nhắc đến, thể hiện rất lễ - đã thành máu thịt của người Nhật. Chính khách Phạm Khắc Lãm, con trai của cụ Phạm Khắc Hòe - Ngự tiền Văn phòng Tổng lý của vua Bảo Đại, hàm Thượng thư, khi nghe chuyện Thủ tướng và cựu Thủ tướng Nhật đã nhấn nhá: "Nhật Bản phát triển thần tốc, từ đống tro tàn trong đại chiến thế giới lần thứ hai nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế. Và chính họ, với trận sóng thần năm 2011, nhìn người dân Nhật có văn hóa xếp hàng trong trật tự nhận hàng cứu trợ, thể hiện nếp sống của một dân tộc có văn hóa. Nhật Bản đã nhanh chóng khắc phục hậu quả tàn khóc của chiến tranh, của sóng thần. Xứ Phù Tang thể hiện sức mạnh của một đất nước văn hóa, biết đoàn kết, siết chặt đội ngũ trong hoạn nạn.    

Mai vàng, đào thắm trong căn nhà ấm cúng dịp Tết cổ truyền người Việt là cội nguồn của văn hóa dân tộc. Đó là lễ và văn, đạo đức và trí tuệ. Điều cốt lõi là hiểu cho đúng lễ và văn lúc này, thời đại công nghệ số. 

Lễ là ứng xử sao cho phải đạo trong sự chủ động và tiến tới, không bao giờ thụ động kiểu há miệng chờ sung. Văn chính là năng lực, là hành động đổi mới, sáng tạo, tăng tốc. Lễ và văn là hai trong một, một mà hai, đan xen nhuần nhuyễn trong đời sống xã hội hôm nay, bao gồm hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân.

Nhâm Dần - Tết cổ truyền dân tộc. Xin có lời chúc mọi người, mọi nhà trên Tổ quốc Việt Nam yêu dấu vững chí bền, mạnh mẽ ý chí Việt, đậm đà văn hóa Việt - mai vàng, đào thắm đã đẹp càng thêm đẹp trong sắc màu mùa Xuân an vui, hạnh phúc! 

Hải Vân